Vụ công an dùng nhục hình làm chết nghi phạm: Các bị cáo kêu oan

(PLO) -Một thanh niên cao to, khỏe mạnh, nhưng khi bị bị đưa về trụ sở công an được vài ngày thì tử vong. Dù khắp thân thể của nghi phạm bị bầm tím, nhưng những người trực tiếp làm việc với nghi phạm này vẫn một mực kêu oan, cho rằng mình không đánh bị hại.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Vụ án Nguyễn Tuấn Thanh sinh năm 1986 ngụ xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An chết bất thường trong nhà tạm giữ công an thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cách đây gần 5 năm về trước vẫn đang làm nóng dư luận.

Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 11h ngày 16/11/2012, khi đội cảnh sát điều tra công an thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đang đi tuần thì phát hiện đối tượng trong chuyên án trộm cắp xe máy tên là Nguyễn Tuấn Thanh sinh năm 1986, ngụ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An chạy xe máy chở thep Phạm Quốc Nhựt đang chạy lòng vòng trên địa bàn thành phố Cao Lãnh nên đã bám theo.

Phát hiện có cảnh sát đeo bám, Thanh tăng ga chạy về hướng huyện Tháp Mười. Do không đuổi kịp nên đội cảnh sát này gọi điện cho công an huyện Tháp Mười hỗ trợ.

 Đến khoảng 13h30 thì công an xã Đốc Bình Kiều, huyện Tháp Mười chặn xe kiểm tra hành chính và mời Thanh và Nhựt về trụ sở làm việc. 

Nhận được tin báo, công an thành phố Cao Lãnh đã ký lệnh bắt khẩn cấp đối với Thanh, đồng thời giao cho thiếu tá Huỳnh Ngọc Tòng- đội phó đội điều tra trinh sát cùng với Phạm Xuân Bình- cán bộ đội điều tra sinh sát thực hiện lệnh bắt. 

Đến khoảng 16 thì cả ba xuống công an xã Đốc Bình Kiều để nhận đối tượng. Tuy nhiên khi đọc lệnh bắt thì Thanh không chịu lý vì cho rằng mình không phạm tội. Khi đưa Thanh lên xe thì Thanh ra sức chống đối nên đã bị còng lên xe đưa về công an thành phố Cao Lãnh.

Trong khoảng 20h ngày 16/11/2012, Huỳnh Ngọc Tòng lấy lời khai của Thanh và Thanh khai nhận cùng với một số đối tượng trộm cắp 3 chiếc xe máy. Tiếp đó từ 22h đến 23h cùng ngày, Tòng tiếp tục lấy lời khai đối với Thanh và Thanh khai thêm một đối tượng cùng tham gia trộm xe máy.

Đến khoảng 23h, Phạm Xuân Bình đưa Thanh vào giao cho đội phó đội cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp để đưa Thanh vào phòng tạm giữ. Qua khám xét trên thân thể, cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp ghi nhận trên cơ thể của nghi phạm Thanh có rất nhiều dấu vết bầm tím, xây xước nhiều nơi như ngực, vai, hông, đùi. 

Đặc biệt là lúc nhận người thì nghi phạm này đi không vững, có nhiều biểu hiện mệt mỏi…

Khoảng 8h sáng hôm sau, khi có lệnh trích xuất đối với Thanh thì Phạm Văn Bình vào nhận người để giao cho một số cán bộ PC45 Công an tỉnh Đồng Tháp tới lấy lời khai đối với Thanh. Dù thay nhau, tiến hành lấy lời khai Thanh nhiều tiếng đồng hồ, nhưng các cán bộ này không lập biên bản, không ghi lời khai. 

Đến khoảng 12h, khi một cán bộ tên Cường vào phòng thì thấy Thanh không ăn cơm, đầu gục xuống bàn nên đỡ Thanh dậy thì thấy mặt Thanh đã tái xanh, miệng chảy nước dãi nên đã báo cáo lãnh đạo để đưa Thanh đi bệnh viện cấp cứu. 

Tuy nhiên khi đến nơi thì các bác sĩ cho biết Thanh đã chết trước đó.

Qua khám nghiệm tử thi cho thấy, đùi, mũi, hông, lưng, vai, mông, ngực đều bị bầm tím. Kết quả khám nghiệm không xác định được nguyên nhân chết của Thanh.

Để làm rõ nguyên nhân cái chết bất thường này, đầu năm 2013, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã quyết định trưng cầu Viện pháp y quân đội- Bộ Quốc phòng. Kết quả giám định khẳng định rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của nghi phạm Thanh là do vật tày tác động mạnh, nhiều lần, nhiều nơi trên cơ thể, trong đó có những vùng trọng yếu như mũi ức, thượng vị… dẫn đến suy tuần hoàn cấp không hồi phục, tử vong.

Trong quá trình điều tra, Bình không thừa nhận hành vi dùng nhục hình của mình. Tuy nhiên sau đó Bình khai nhận do Thanh không chịu nhân tội nên đã dùng tay đánh vào mặt Thanh mấy cái, cũng như dùng chân đá vào mông và chân Thanh nhiều cái. Ngoài ra Bình còn khai nhận có thấy một người tên Nhân thuộc công an tỉnh Đồng Tháp dùng dùi cui đánh nhiều cái vào vai và mông của Thanh. Tuy nhiên người này không thừa nhận nên không có cơ sở để khởi tố những người này.

Với Huỳnh Ngọc Tòng suốt quá trình điều tra cũng không thừa nhận hành vi dùng nhục hình của mình. Theo bị cáo này thì không có lý do gì Tòng lại dùng nhục hình với nghi phạm Thanh cả vì trong hai lần lấy lời khai vào tối 16/11/2012, Thanh đều thừa nhận hành vi. 

Tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệm vụ, đối chất, lấy lời khai của những người liên quan đã xác định được Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Văn Bình là hai người đã dùng nhục hình đối với nghi phạm Thanh dẫn đến cái chết đau lòng của nghi phạm. Dù có nhiều lời khai cho rằng có nhiều cán bộ, trong đó có cả PC45 công an tỉnh Đồng Tháp tham gia dùng nhục hình với Thanh, nhưng do không chứng mình được nên không có cơ sở giải quyết.

Với hành vi nêu trên, hai bị cáo Tòng và Bình bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Tòng 18 tháng tù, Bình 11 tháng 11 ngày tù về tội dùng nhục hình. Liên quan tới vụ án này, công an thành phố Cao Lãnh cũng bị tuyên buộc phải bồi thường 72 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại.

Cho rằng mình bị oan nên sau bản án sơ thẩm cả hai bị cáo kháng cao kêu oan. Phía công an cao lãnh cũng kháng cáo không bồi thường thiệt số tiền mà cấp sơ thẩm tuyên. Về phía gia đình bị hại thì cho rằng mức án quá nhẹ, mức bồi thường cũng chưa thỏa đáng nên kháng cáo đề nghị tăng cả mức án và bồi thường.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/4/2017, cả hai bị cáo một mực kêu oan, cho rằng mình không đánh nạn nhân. Dù được HĐXX phân tích kỹ càng là trước khi đưa về trụ sở công an Cao Lãnh thì bị hại vẫn khỏe mạnh bình thường, không có dấu hiệu té xe hay xây xước gì. Khi giao cho nhà tạm giữ thì cán bộ nhà tạm giữ đã lập biên bản trên thân thể bị hại có nhiều vết bầm tím. 

Khi HĐXX hỏi vì sao bị hại không bị đánh mà có rất nhiều dấu vết, thì các bị cáo cho rằng, “việc đó thuộc về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng”. Bị cáo Bình cho rằng sở dĩ mình có lời khai nhận tội là do lúc đó bị kiểm sát viên tên Nhứt ép cung. 

“Kiểm sát viên nói với bị cáo cha mẹ đang bị bệnh, vợ chuẩn bị sinh nhưng bị cấn thai. Do lo lắng, muốn về thăm gia đình nên bị cáo làm theo lời của kiểm sát viên để được ra?”.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị tuyên các bị cáo vô tội, vì không chứng minh được ai là người đánh dẫn đến cái chết của bị hại. Hơn nữa, việc có nhiều người tham gia đánh, nhưng chỉ truy tố hai bị cáo là chưa công bằng, khách quan…

Kết thúc phiên tòa, HĐXX quyết định hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại vì cho rằng vụ án chưa xác định được ai là người đánh gây ra cái chết cho bị hại. Hơn nữa vụ án có dấu hiệu bỏ lọt người lọt tội… nên HĐXX đã tuyên hủy bản án nói trên.

Đọc thêm