Vụ CSGT bắn đồng đội ở Đồng Nai: Tòa trả hồ sơ vì có dấu hiệu tội "giết người"

(PLO) - Vụ án CSGT trạm Suối Tre dùng súng bắn chết người xảy ra gần một năm về trước từng gây xôn xao dư luận thời gian dài. Phiên  tòa sơ thẩm diễn ra ngày 26/8, từ sáng sớm đã có cả trăm người tập trung tại trụ sở TAND tỉnh Đồng Nai để theo dõi buổi xét xử. Bên ngoài phòng xử có rất nhiều đồng đội của người bị hại đã chết và bị cáo lắc đầu thở dài.   
Bị cáo Vinh tại phiên toà sơ thẩm
Bị cáo Vinh tại phiên toà sơ thẩm
Vụ án chấn động
Theo cáo trạng: Khoảng 13h ngày 22/9/2013, thiếu tá Trần Ngọc Sơn (39 tuổi, phó trạm) cùng nhóm bạn trong đó có Trương Thành Chí tổ chức ăn nhậu thịt rừng. Sau đó nhóm ông Sơn đến quan karaoke Hân Linh trên địa bàn thị xã Long Khánh ăn nhậu tiếp. Tại đây nhóm của bị cáo bị cáo Ngô Văn Vinh (39 tuổi, nguyên đại uý trạm giao thông Suối Tre, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) cũng đang ăn nhậu ở phòng Vip đối diện. Trong lúc chào hỏi, Chí và Vinh xảy ra mâu thuẫn. Chí dùng ly bia đập vào mặt khiến Vinh chảy máu. Sau vụ xô xát, Vinh còn bị cấp trên là thiếu tá Sơn mắng. Vinh tỏ ý trách móc lãnh đạo không bệnh vực mình mà bênh người ngoài. 
Hai bên cãi nhau sau đó Vinh bỏ về cơ quan lấy khẩu súng K59 tìm đến phòng vị thiếu tá song không gặp. Khoảng 17h cùng ngày, ông Sơn về trạm Suối Tre, đi đến chỗ Vinh đang nằm, mở lời thách thức rồi đấm Vinh 3 cái gây chảy máu. Vinh bất ngờ rút súng ở đầu giường ra bắn. Ông Sơn giằng co khiến viên đạn đi lạc, xuyên trúng hông thượng úy Đoàn Thanh Phú (nằm giường bên cạnh). Nghe thấy nhiều tiếng súng, Chí và một số người có mặt tại trạm CSGT Suối Tre chạy vào phòng thấy ông Sơn trúng đạn nằm gục dưới nền nhà. Khẩu súng trên tay Vinh chạy lên, tiếp tục nghe nổ thêm nhiều phát nữa nhưng không làm ai bị thương. 
Khi súng hết đạn, mọi người chạy lại ôm ông Sơn đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Trong quá trình xô xát, Vinh cũng bị thương tật 40%, thượng úy Phú thương tật 15%. VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố Ngô Văn Vinh về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, khung hình phạt từ 24-30 tháng tù. 
Tại phiên toà sơ thẩm ngày 26/8, bị cáo Vinh thừa nhận bị cấp trên là thiếu tá Trần Ngọc Sơn bỏ mặc khi bị người ngoài đánh đập nên đã ấm ức gọi điện than trách với em ruột “chắc tao tìm thằng Sơn đánh quá”. Sau đó Vinh liên tục gọi điện đòi gặp sếp, cầm súng yêu cầu lái xe cấp trên gọi điện cho thiếu tá Sơn về cơ quan gấp. Khi ông Sơn về trạm, hai bên xảy ra xô xát, Vinh dùng súng bắn một đồng đội bị thương trước khi bắn chết thiếu tá Sơn.
Bước sang buổi chiều, HĐXX tiếp tục xét hỏi các nhân chứng. Trong phần luận tội, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai trình bày lại toàn bộ diễn biến vụ việc. Bản cáo trạng kết luận bị cáo gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và đề nghị mức án cao nhất 30 tháng tù giam. Luật sư bào chữa cho bị cáo thay thân chủ gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại, đồng tình với kết luận cáo trạng và bổ sung thêm những tình tiết giảm nhẹ như: Nhân thân bị cáo tốt, từng cống hiến nhiều trong ngành công an, gia đình có công cách mạng. 
“Hỏi đáp” nảy lửa 
Nghe bản luận tội, mức án đề nghị, người thân bị cáo bên dưới không phản ứng gì. Phiên toà tưởng chừng kết thúc tại đó nhưng cả khán phòng im phăng phắc khi nữ luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại trình bày. Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh mạnh mẽ bác bỏ nhiều nội dung trong bản cáo trạng của VKS. Bà Vinh xoáy vào chi tiết khẩu súng K59 mà Vinh đã dùng gây án có sự mập mờ về “lai lịch” khi nhiều văn bản ghi chép số hiệu khẩu súng lẫn lộn nhau. 
Khẩu súng là tang vật quan trong của vụ án nhưng không hề được đưa ra nhận diện tại phiên toà, không được CQĐT làm rõ nhiều tình tiết như: Ai là người tước khẩu súng từ tay bị cáo, súng được bàn giao vào thời điểm nào, có ai làm chứng? Trước HĐXX, luật sư đại diện cho bị hại nêu thẳng quan điểm nghi ngờ về tính xác thực của khẩu súng gây án: “Có thể bị cáo Vinh tàng trữ vũ khí khác?”, nữ luật sư đặt câu hỏi. Chi tiết này sau đó được đại diện VKS giải thích: 
Trong lúc khám nghiệm hiện trường, do trời tối nên cán bộ ghi nhầm số hiệu dẫn đến những sai lệch trên. Tuy nhiên sau đó các cơ quan chức năng đã tổ chức giám định, kết luận khẩu súng có mã số như trong kết luận cáo trạng đích thực là súng mà bị cáo Vinh dùng gây án. Khẩu súng này được đơn vị cấp cho bị cáo. 
Tiếp tục, đại diện VKS và luật sư đại diện gia đình bị hại tiếp tục tranh luận gay gắt về hành vi sử dụng súng của bị cáo. Nữ luật sư đại diện cho bị hại cho rằng Vinh sử dụng súng sai mục đích, không tuân thủ quy định sử dụng súng như: Súng không cho vào bao, khoá vào tủ mà để dưới gối, lên đạn sẵn. Đặc biệt nữ luật sư còn xoáy sâu vào hoàn cảnh phát đạn thứ 2  trúng vào bị hại được bắn. Bà cho rằng nếu hai phát đầu bị cáo Vinh bắn ra nhằm thị uy, tự giải vây mình. Rồi phát thứ 3 có thể biện hộ do giằng co khiến súng cướp cò. Tuy nhiên viên đạn ngay sau đó trúng ngực bị hại không thể nói “cướp cò”.
Trụ sở trạm CSGT Suối Tre, nơi xảy ra vụ nổ súng
Trụ sở trạm CSGT Suối Tre, nơi xảy ra vụ nổ súng 
Luật sư đại diện gia đình bị hại không loại trừ khả năng bị cáo Vinh đã bắn bồi phát đạn này: “Từ kết quả hiện trường cho thấy phát đạn thứ 2 trúng người anh Sơn (bị hại) do Vinh bắn từ phía sau tới. Khi anh Sơn trúng phát đạn đầu tiên, ngã gục xuống người Vinh nhưng Vinh vẫn bắn tiếp. Có thể hiểu đây là hoảng loạn, thiếu ý thức bóp cò không?”, luật sư Vinh phản biện. 
Vỗ tay khi tòa tuyên trả hồ sơ
Màn “Đáp- hỏi” giữa luật sư đại diện gia đình bị hại và đại diện VKS diễn ra gay gắt. Mỗi bên đều đưa ra những luận điểm của riêng mình. HĐXX phải xin tạm ngắt ngang giải thích với những người dự khán rằng toà sẽ để hai bên tranh tụng đến cùng, buổi xét xử có thể vượt quá thời gian hành chính nhưng đúng với quy định “cải cách tư pháp”. Tiếp tục tranh tụng, luật sư Vinh đề nghị HĐXX trả hồ sơ, truy tố bị cáo tội “giết người” theo Điều 93 BLHS. 
Bà Vinh đưa ra các chứng cứ như sau: Bị cáo Vinh chuẩn bị súng từ trước, trước khi ra tay đã có lời lẽ hăm doạ thiếu tá Sơn. Tại trụ sở trạm CSGT Suối Tre, bị cáo cầm súng đi tìm bị hại, gí súng vào lái xe của thiếu tá Sơn yêu cầu gọi ông Sơn về gấp. Không những thế, bị cáo còn gián tiếp đe doạ sẽ ra tay với vị phó trạm thông qua nhiều người. Điều này cho thấy bị cáo có sự chuẩn bị từ trước, gây án vì muốn trả thù cấp trên làm xấu mặt mình như lời bị cáo khai. Luật sư Vinh trình bày tiếp, bị cáo có dấu hiệu phạm tội đến cùng. Nếu bị cáo chỉ muốn gặp cấp trên nói chuyện phải trái, thì cần gì phải cầm theo súng. Khi bắn 2 phát đạn đầu tiên trúng người thượng uý Phú, bị cáo vẫn không chịu dừng lại mà nổ súng tiếp. 
Đến gần 18h cùng ngày màn tranh tụng kết thúc, HĐXX vào phòng nghị án. Bên ngoài hành lang phòng xử, bầu không khí hồi hồi hộp, tranh luận xôn xao, cho rằng mức án 30 tháng do VKS đề nghị là quá nhẹ. Cuối cùng, chủ tọa phiên toà nêu rõ: Căn cứ lời khai các nhân chứng, bị cáo tại toà, HĐXX nhận thấy có dấu hiệu cho thấy bị cáo Vinh phạm tội “giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS nên quyết định trả hồ sơ, đề nghị truy tố bị cáo theo hướng phạm tội này. Ngay sau khi bản án được tuyên, hàng chục người dự khán đã vỗ tay thể hiện sự đồng tình./.

Đọc thêm