Vụ cựu Phó Giám đốc Eximbank chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng: Một số người bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng nhưng không đến trình báo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội) bị truy tố, sắp đưa ra xét xử lại về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” vì có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 2.705 tỷ đồng của trăm người. Trong đó, nhiều người bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng nhưng không đến công an trình báo.
Bị cáo Nhung tại tòa. (Ảnh: Vân Thanh)
Bị cáo Nhung tại tòa. (Ảnh: Vân Thanh)

Lừa gửi tiền ký quỹ đầu tư mua bán đấu giá thanh lý

Theo hồ sơ vụ án, do cần tiền để sử dụng và chi tiêu cá nhân, Nhung đã có hành vi gian dối, đưa ra các thông tin không có thật với những người quen biết để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. VKS xác định từ năm 2014 đến tháng 5/2022, thông qua các trung gian hoặc trực tiếp nhận tiền của các bị hại, Nhung đã lừa đảo khoảng 100 người, chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng.

Cụ thể, thông qua chị Vũ Thu Hồng (nhân viên tư vấn chứng khoán tại 2 ngân hàng) giới thiệu, Nhung đã chiếm đoạt hơn 76,4 tỷ đồng của 8 bị hại để nhờ gửi tiền ký quỹ đầu tư mua bán đấu giá thanh lý (MBĐGTL) tài sản nợ xấu tại chi nhánh một ngân hàng.

Tài liệu điều tra thể hiện, tháng 1/2022, chị Hồng quen biết Nhung. Khi quen, Nhung giới thiệu bản thân là Chủ tịch HĐQT Cty Quản lý tài sản Việt Nam (Cty QLTS), là “Cty sân sau” của một số lãnh đạo ngân hàng, chuyên MBĐGTL các tài sản nợ xấu là bất động sản tại ngân hàng nơi Nhung làm việc. Nhung nói nếu chị Hồng giới thiệu khách hàng gửi tiền ký quỹ đầu tư vào Cty, sẽ được hưởng tiền lợi nhuận chênh lệch từ việc MBĐGTL tài sản nợ xấu tại ngân hàng từ 5 - 10%/số tiền gửi ký quỹ, chị Hồng chuyển lại cho khách từ 3 - 7% số tiền ký quỹ theo thỏa thuận, còn lại được hưởng.

Sau đó, Nhung mời chị Hồng làm cộng tác viên cho một chi nhánh ngân hàng Eximbank, ký hợp đồng cộng tác viên với Hồng về việc phát triển và mở rộng mạng lưới khách hàng. Nhung giao nhiệm vụ cho Hồng trong việc tư vấn, tìm kiếm khách hàng gửi tiền ký quỹ vào Cty để đầu tư MBĐGTL tài sản nợ xấu tại ngân hàng. Nhung ký, đóng dấu Chủ tịch HĐQT Cty QLTS.

Mỗi lần yêu cầu đầu tư tiền ký quỹ, Nhung đều đưa thông tin về tài sản đầu giá (là bất động sản nhà đất), ảnh chụp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở, biên bản họp về việc tổ chức đấu giá, biên bản họp HĐQT của Cty QLTS để chị Hồng giới thiệu với các khách hàng. Nhung còn cung cấp các số tài khoản ngân hàng mở tại nhiều ngân hàng của Cty QLTS để khách hàng chuyển tiền ký quỹ đầu tư. Thực tế các tài khoản này đều do Nhung quản lý, sử dụng.

Ngày 18/1/2022, chị Hồng đã cùng với khách hàng Văn Đình Cường (hiện không rõ thông tin, địa chỉ) chuyển 7 tỷ đồng vào tài khoản của Cty QLTS. Nhận tiền, Nhung đã chuyển trả tiền lợi nhuận 1 tỷ đồng cho chị Hồng. Chị Hồng chuyển 700 triệu đồng cho Văn Đình Cường, hưởng lợi 300 triệu đồng. Hiện CQĐT không nhận được đơn trình báo của cá nhân có thông tin Văn Đình Cường nên chưa có căn cứ để xem xét, xử lý. Do vậy, xác định chị Hồng là bị hại trong vụ án.

Đã xác định có 46 bị hại

Theo cáo trạng, vì tin tưởng Nhung, từ tháng 1 - 5/2022, theo các thông tin Nhung giới thiệu, chị Hồng đã giới thiệu khách hàng là những người quen của mình chuyển tiền vào tài khoản của Cty QLTS để ký quỹ đầu tư MBĐGTL tài sản nợ xấu tại ngân hàng hơn 112,6 tỷ đồng. Đến nay CQĐT xác định có 9 bị hại có đơn trình báo về việc thông qua chị Hồng đã chuyển tiền vào Cty QLTS để ký quỹ đầu tư MBĐGTL tài sản nợ xấu tại ngân hàng do Nhung nại ra với tổng số hơn 87,6 tỷ đồng và bị Nhung chiếm đoạt.

Quá trình điều tra, chị Hồng khai, vì tin tưởng các thông tin Nhung giới thiệu là thật nên mới giới thiệu với các khách hàng chuyển tiền cho Nhung để đầu tư thông qua mình. Chị Hồng không bàn bạc, thỏa thuận với Nhung để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Ngoài việc giới thiệu các bị hại nêu trên, chị Hồng còn giới thiệu một số khách hàng khác và cũng đã được Nhung chuyển trả tiền lợi nhuận. Những người này đều không rõ thông tin, gồm ông Phạm Đình Doanh chuyển 9 tỷ đồng để đầu tư; chị Hiền chuyển 3,5 tỷ đồng; chị Nguyễn Ngọc Thúy chuyển 3,5 tỷ đồng; anh Lê Hoàng Nam chuyển khoảng 10 tỷ đồng; chị Lê Thị Kim Dung chuyển 2,5 tỷ đồng…

Cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Nhung đã chuyển khoản trả tiền lợi nhuận cho chị Hồng là hơn 28,2 tỷ đồng. Trong đó, chị Hồng đã chuyển đi cho các khách hàng tổng số 27,3 tỷ đồng, hưởng lợi gần 1 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, CQĐT đã đăng báo tìm bị hại nhưng các cá nhân có thông tin trên không trình báo nên không xác định tư cách là bị hại trong vụ án. CQĐT đã yêu cầu chị Hồng giao nộp số tiền được hưởng lợi bất chính nhưng đến nay chị Hồng không giao nộp.

Đến nay, CQĐT đã xác định có 46 bị hại trong vụ án với đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ. Những người này đã chuyển cho Nhung hơn 788 tỷ đồng. Nhung đã dùng phần lớn số tiền này để trả tiền lãi hoặc tiền lợi nhuận cho các bị hại do chính Nhung nại ra với tổng số tiền hơn 477 tỷ đồng. Hiện Nhung còn chiếm đoạt của các bị hại hơn 311 tỷ đồng.

Đọc thêm