Mất mạng vì bị giam chung với côn đồ
Cuối tháng 9/2013, Lê Anh Đức (SN 1980, ngụ tại thôn Đồng Quán, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) bị Công an TP.Bắc Giang bắt vì liên quan đến ma túy. Bản án hình sự sơ thẩm số 227 ngày 23/9/2013 của TAND TP.Bắc Giang xử phạt Lê Anh Đức mức án 30 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Đức bị giam tại buồng giam B4 thuộc dãy nhà B Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang để chờ thi hành án.
Buồng giam B4 gồm có tổng số 54 phạm nhân. Trong đó, Nguyễn Văn Giang (SN 1992, ngụ tại khu 3, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa) đang thụ án về tội “Trộm cắp tài sản” được cán bộ quản giáo giao nhiệm vụ buồng trưởng duy trì trật tự, vệ sinh trong buồng giam. Có tí “chức sắc” nên Giang thành lập một “tổ trợ lý” giúp việc cho mình. Theo đó, bị án Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1992, ngụ tại thôn Đại Phú I, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang) đang thụ án về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” làm nhiệm vụ quản lý sinh hoạt, ăn uống, đồ tiếp tế; Ninh Nguyên Hưởng (SN 1991, ngụ tại thôn Cống, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn) đang thụ án về tội “Cố ý gây thương tích”) làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự và Dương Văn Chiến (SN 1991, ngụ tại thôn Sơn Quả 5, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, đang thụ án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”) làm nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh buồng giam.
Giang thiết lập những nguyên tắc luật lệ nghiêm ngặt và hết sức vô lý, bắt buộc mọi người trong buồng phải chấp hành, nếu không sẽ bị các “đại bàng” cho ăn đồn. Theo đó, ngoại trừ Giang và các trợ lý của “buồng trưởng” này thì các phạm nhân khác ai làm gì cũng phải xin phép bọn chúng, kể cả những việc riêng như vệ sinh cá nhân, thậm chí... ngứa muốn gãi cũng phải xin phép.
Khoảng hơn 11h ngày 15/11/2013, cán bộ quản giáo của Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang giao cơm cho các phạm nhân trong buồng giam B4 sau đó khóa cửa buồng để nghỉ trưa. Thấy khuất bóng quản giáo, Giang liền bảo Chiến cho các phạm nhân trong buồng giam đi vệ sinh để chuẩn bị ăn cơm. Sau khi các phạm nhân đi vệ sinh xong và về chỗ ngồi, Giang đi ra và nói: “Ai ở sàn dài hôm nay có lỗi thì ra đây”. Trước đó, Lê Anh Đức có đi lại gây mất trật tự trong buồng giam và đã được Hưởng nhắc nhở. Đức nghĩ mình có vi phạm nên đứng dậy đi đến chỗ Giang rồi ngồi xổm ở tư thế đối diện. Giang liền hỏi: “Mày biết lỗi gì chưa” thì Đức trả lời không biết. Giang dùng hai tay tát liên tiếp nhiều cái vào mặt Đức. Đức nhận lỗi và van xin nhưng Giang không buông tha mà bắt anh Đức nằm sấp xuống, hai tay duỗi thẳng lên đầu. Sau đó, Giang dùng chân phải đạp vào lưng Đức. Thấy vậy, Tuấn, Hưởng, Chiến đi đến dùng chân đạp, đá liên tiếp vào lưng và sườn Đức.
Thấy cảnh tượng đau lòng, các phạm nhân trong buồng nhìn, nhưng Giang yêu cầu các phạm nhân phải ngồi bó gối, cúi mặt, mắt nhìn xuống chân. Các phạm nhân trong buồng sợ bị đánh nên phải làm theo, không ai dám nhìn, cũng không dám ho he gì.
Khi không thấy còn ai nhìn, Giang, Tuấn, Hưởng, Chiến tiếp tục đùng chân đá, đạp Đức. Do bị đau nên Đức ngồi dậy van xin thì bị Giang đạp liên tiếp vào ngực; Chiến ngồi ở sàn dài đối diện đạp liên tiếp vào lưng còn Tuấn và Hưởng dùng tay đấm vào ngực, tát vào mặt. Sau đó, Giang bắt Đức phải nằm ngửa để cả bọn tiếp tục dùng chân đạp vào ngực và đá liên tiếp vào hai bên sườn. Thấy mọi người trong buồng vẫn nhìn thì Hưởng và Tuấn bắt mọi người cúi mặt xuống không được nhìn rồi cả bọn dùng chân tiếp tục đá vào người Đức. Tuấn đứng lên sàn cộc nhảy dậm cả hai chân vào ngực Đức.
Đánh xong, Giang bắt Đức đi vào nhà vệ sinh ăn cơm. Sợ tiếp tục bị đánh nên Đức cố đứng dậy đi lom khom và bê cơm vào nhà vệ sinh. Thấy Đức đi chậm nên Linh Văn Khuê (là phạm nhân trong buồng giam) dùng chân đá Đức 1 cái giục đi nhanh để cho mọi người ăn cơm.
Tội chồng lên tội
Do bị đánh đau, nên khi Đức vào trong nhà vệ sinh thì bị ngã. Thấy vậy, Khuê xin Giang cho Đức ra ngoài ăn cơm thì Giang đồng ý. Đức đi ra ngoài ăn cơm nhưng không ăn được do bị đau. Sau khi ăn uống xong, Giang cùng đồng bọn và mọi người trong buồng giam đi nghỉ. Đến khoảng 12h45 phút cùng ngày khi nghe thấy kẻng báo của Trại tạm giam, Giang bảo Chiến cho mọi người đi vệ sinh. Đức không đi được nên ngồi tựa lưng vào tường. Đến khoảng 13h thì mọi người trong buồng giam thấy Đức thở yếu, không nói được nên Giang chạy ra cửa, hoảng sợ gọi với báo cho cán bộ quản giáo. Đức được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu nhưng tử vong trước khi đến bệnh viện. Với hành vi trên, Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Ngọc Tuấn, Ninh Nguyễn Hưởng và Dương Văn Chiến bị khởi tố điều tra về tội “Giết người”.
Tại phiên toà sơ thẩm vào cuối tháng 9/2014 của TAND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ngọc Lợi là bố của bị hại Đức ngậm gùi chia sẻ: “Thằng con tôi vốn dĩ hiền lành, nhưng không may nó mắc nghiện, cháu nó đã phải trả giá bằng mức án hơn hai năm tù, tôi những tưởng con tôi sẽ được cải tạo tốt sau này ra tù sẽ là người công dân tốt, đâu ngờ lại có những kẻ tàn ác đánh chết con tôi dã man đến vậy, tôi mong pháp luật sẽ trừng trị thích đáng những kẻ đã gây ra cái chết cho con tôi”. Bị hại Đức mất đi để lại cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ và giấc mơ hoàn lương dang dở...
Lời chia sẻ của ông Lợi phần nào được an ủi khi Hội đồng xét xử tuyên bản án thích đáng với hành vi phạm tội của các bị cáo. Tòa nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đang là phạm nhân tại trạm giam, nhưng đã không cải tạo tốt mà thực hiện hành vi phạm tội, hành vi phạm tội của bị cáo đã tước đi sinh mạng của người khác, hành vi này cấu thành tội giết người với hai tình tiết định khung là có tính chất côn đồ và tái phạm nguy hiểm. Vì vậy căn cứ vào hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Giang 18 năm tù, bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn 15 năm tù, bị cáo Ninh Nguyễn Hưởng 15 năm tù, bị cáo Dương Văn Chiến 16 năm tù cùng về tội “Giết người”. Ngoài ra các bị cáo này còn phải chịu chấp hành tổng hợp với bản án trước đó.
Tăng cường quản lý, giám sát công tác giam, giữ
Việc cắt cử can phạm làm nhiệm vụ buồng trưởng để duy trì trật tự buồng giam là cần thiết, ở nhiều buồng giam, nhà tạm giữ, trại tạm giam đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn còn xảy ra tình trạng “đầu gấu”, “đại bàng” buồng giam lạm quyền, chèn ép, đánh đập bạn tù, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, có ý kiến cho rằng không nên cắt cử phạm nhân là “buồng trưởng” buồng giam, tuy nhiên theo tôi chỉ cần tăng cường công tác quản lý, giám sát là khắc phục được vấn đề này. Trong tiến trình cải cách tư pháp, tăng cường quyền dân chủ, quyền con người, tiến tới cần lắp đặt camera giám sát tại các buồng giam, tích cực giáo dục ý thức cho các phạm nhân sẽ đẩy lùi tình trạng tiêu cực.
(Luật sư Đỗ Thúy Phượng, Đoàn Luật sư Hà Nội)