Khó khăn dù hưởng theo phần trăm đóng cao nhất thế giới
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành thì có hai mức tiền lương đóng BHXH dẫn đến cách tính lương hưu không giống nhau giữa người lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực nhà nước. Lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu. Trong khi đó lương hưu của người lao động khu vực ngoài nhà nước lại tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mức lương hưu bình quân là hơn 3 triệu đồng/tháng từ cách tính lương hưu hiện nay (mức lương hưu hàng tháng = tỷ lệ lương hưu hàng tháng x mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH). Trong khi đó, lạm phát luôn tăng đều mỗi năm, ví dụ từ năm 2009, 2010, 2011 tăng theo thứ tự là 6,88%; 11,75%; 18,58%. Với cách tính như trên cộng thêm lương cơ bản, lương tối thiểu vẫn ở mức thấp như hiện nay thì cuộc sống của người cao tuổi gặp rất nhiều khó khăn nếu họ chỉ trông chờ vào lương hưu mà không có bất cứ nguồn thu nào khác.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì ở Việt Nam, mức hưởng lương hưu của người lao động được coi là cao nhất trên thế giới nếu tính trên phần trăm đóng (sở dĩ mức hưởng lương hưu cao nhưng lương hưu của người Việt Nam vẫn thấp vì người lao động đóng BHXH trên nền lương cơ bản).
Ông Carlos Galian, tư vấn quốc tế của ILO tại Việt Nam phân tích, trên thế giới mức lương hưu được tính từ 40 - 60% lương, nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này là 100%, đóng bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu, mặc dù trên lý thuyết thì công thức tính lương hưu ở Việt Nam chỉ cho phép người hưởng lương hưu được hưởng tối đa 75% số lương mình đóng.
Mức đóng tăng, mức hưởng giảm
Mức hưởng lương hưu cao và không giống nhau giữa người lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực nhà nước, người lao động Việt Nam đang có tuổi thọ cao hơn trước đây nên số năm người lao động làm việc gần bằng số thời gian người đó nghỉ hưu, nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động,… là những nguyên nhân gây nên nguy cơ vỡ quỹ BHXH, mất lương hưu ở Việt Nam.
Và đây là những lý do để Dự thảo Luật BHXH đang được trình Quốc hội đưa ra phương án điều chỉnh lương hưu có lộ trình nhằm thay đổi cách tính đóng - hưởng lương hưu nhằm từng bước thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng bảo đảm bình đẳng trong thụ hưởng chế độ giữa các đối tượng tham gia, góp phần cân đối quỹ hưu trí về lâu dài.
Tuy nhiên, với hai phương án điều chỉnh lương hưu có lộ trình được Dự thảo Luật BHXH đưa ra thì “mức đóng tăng, mức hưởng giảm” là lo ngại chung của Đại biểu Quốc hội và người dân. Nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự không đồng tình với cách tính lương hưu theo Dự thảo Luật. “Luật thông qua thế này sẽ dẫn đến bước thụt lùi, người lao động phải đóng bảo hiểm nhiều hơn nhưng mức hưởng lại thấp hơn” - Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nói.
Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) cũng nhận định, mức lương hưu hàng tháng tại Khoản 2 Điều 56 của Dự luật sẽ làm giảm tiền lương hưu của người lao động một cách vô lý, làm mất đi tính hấp dẫn của BHXH và tạo sự không công bằng giữa người nghỉ hưu trước và sau năm 2018, đặc biệt là người nghỉ hưu từ sau năm 2022.
Về phía người dân, ông Vũ Văn Nhân, cán bộ hưu trí 81 tuổi ở khu tập thể Kim Liên, Hà Nội trầm ngâm trước thông tin điều chỉnh lương hưu theo lộ trình đang làm “nóng” diễn đàn Quốc hội. Ông Nhân cho biết: “Với cách tính lương hưu hiện nay, cuộc sống của người về hưu như tôi đã gặp rất nhiều khó khăn vì không có bất cứ nguồn thu nào khác. Thế nhưng, theo cách tính mới đưa ra, ví dụ như con gái cả của tôi sẽ về hưu vào đúng năm 2018 với mức lương giáo viên đã thấp mà theo cách tính mới sẽ giảm 10% lương hưu thì không biết cháu có đủ sống khi về hưu hay không?”.
Không chỉ người già lo mà người trẻ cũng lo. Chị Đặng Mai An, 37 tuổi, ở khu tập thể Bách Khoa, Hà Nội bày tỏ: “Tôi năm nay mới 37 tuổi, nghe lộ trình tính lương hưu kiểu này cũng lo ngại không biết liệu tiền lương hưu đến thời điểm tôi nghỉ hưu sẽ bị tụt giảm thế nào. Đó là chưa kể có thể vì lý do sức khỏe mà tôi không đủ số năm đóng BHXH theo quy định thì sao? Bạn bè tôi lạc quan rằng, từ nay đến năm 2038 tiền lương sẽ có nhiều thay đổi và tăng lên gấp 5, 10 lần thì lo gì chuyện lương hưu giảm. Nhưng tôi thấy nói như vậy là chưa có tính thuyết phục, tôi vẫn băn khoăn nhiều lắm” .
Hai phương án điều chỉnh lương hưu có lộ trình
Phương án 1: Điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án 2: Số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.