Vụ điện giật chết người ở TP.Vinh, ai chịu trách nhiệm?

Vụ tai nạn khiến một người bị gãy hai chân, một  người chết và 3 người bị khởi  tố. Nhưng điều dư luận quan tâm là phải chăng hậu quả khôn lường bắt nguồn từ kiểu quy hoạch và làm việc vô nguyên tắc?.

Vụ tai nạn khiến một người bị gãy hai chân, một  người chết và 3 người bị khởi  tố. Nhưng điều dư luận quan tâm là phải chăng hậu quả khôn lường bắt nguồn từ kiểu quy hoạch và làm việc vô nguyên tắc?.

Quy hoạch“ẩu”?

Ông Trần Quang Lâm - Chủ tịch phường Hà Huy Tập - thừa nhận, năm 2006 UBND TP.Vinh phê duyệt và bán đấu giá khu đất Đồng Bền thuộc khối 6 và chủ đầu tư là UBND phường. Tại bản quy hoạch lúc đó, thể hiện có đường điện cao thế 35kV chạy trên một số lô được bán đấu giá, mặc dù theo Quyết   định 94/2005 ngày 19/10/2005 của UBND tỉnh Nghệ An, điều kiện đất được tổ chức đấu giá phải là “… đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng”.

Tại Nghị định 106 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Điện lực cũng nêu “… Mọi tài sản hoặc công trình được tạo lập sau khi đã nhận được thông báo thực hiện dự án mà vi phạm hành lang an toàn theo quy định tại Nghị định này thì buộc phải phá dỡ và không được bồi thường, hỗ trợ”.

Làm việc với PLVN, Giám đốc Cty Điện lực Nghệ An Trịnh Phương Trâm cho biết: Cho đến ngày 20/1/2011, UBND phường Hà Huy Tập mới có hồ sơ xin khảo sát thiết kế và dự trù kinh phí để di dời đường điện. Cá nhân ông chưa có văn bản chính thức nào từ phía chính quyền địa phương yêu cầu phối hợp để di chuyển hệ thống đường điện, ngay cả người tiền nhiệm cũng chưa có văn bản nào đồng ý việc di dời...

Có thể thấy, theo quy định đất được mang ra đấu giá phải là đất “sạch”, thế nhưng không hiểu sao khu đất trên với lưới điện chạy qua vẫn được quy hoạch “chuẩn” để đem bán đấu giá để rồi gần 6 năm sau đường điện vẫn hiển nhiên tồn tại trên đầu người dân. Thậm chí đất còn được cấp “sổ đỏ”.

Qua tìm hiểu được biết, các hộ dân trúng đấu giá khi làm nhà đã có đơn gửi UBND phường và các cơ quan chức năng trong khi đường điện chưa được di dời nhưng vẫn được giải quyết, như trường hợp của bà Hồ Thị Minh Ngọc.

Ai chịu trách nhiệm?

Ngày 23/9/2010, gia đình ông Đậu Ngọc Ánh (khối 6 phường Hà Huy Tập) có đơn xin làm nhà một tầng cao 3,7m, có mái và chiều cao của cả mái theo hồ sơ thiết kế lên tới 6,2m. Sau khi UBND kiểm tra, UBND phường Hà Huy Tập xác nhận vào đơn cam kết, biên bản hiện trạng đề nghị UBND TP.Vinh cấp phép xây dựng.

Tìm hiểu được biết, hồ sơ cấp phép xây dựng phải đi qua nhiều khâu. Ban đầu là UBND phường, Phòng Giao dịch một cửa UBND TP.Vinh, ông Trường Đắc Đức (chuyên viên Phòng Quản lý Đô thị TP.Vinh), lãnh đạo Phòng này và sau cùng là Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh Lê Quốc Hồng ký cấp phép. Qua trao đổi, ông Trương Đắc Đức cho biết: “Từ trước đến nay, sau khi có ý kiến của phường chúng tôi thường không đi kiểm tra; mặt khác tại Biên bản kiểm tra của phường có xác nhận là đất trống nên tôi tin vào xác nhận của phường”. 

Sau khi được cấp phép, ông Ánh thi công công trình và ngày 5/11/2010, Điện lực Cửa Lò (đơn vị quản lý đường dây) phát hiện việc xây dựng vi phạm an toàn lưới nên yêu cầu dừng thi công chờ chính quyền địa phương hoặc người có thẩm quyền xử phạt hành chính lĩnh vực điện lực đến giải quyết (có sự chứng kiến và xác nhận của ông Ngô Phi Long - Đội trưởng Đội quy tắc đô thị phường Hà Huy Tập); đồng thời yêu cầu hạ độ cao mái nhà xuống so với dây dẫn ở trạng thái tĩnh là 4m. Biên bản của Điện lực được lập thành 4 bản trong đó một bản gửi UBND phường Hà Huy Tập.

Ngày 18/11/2010, UBND phường Hà Huy Tập cũng lập biên bản vi phạm đối với chủ công trình. Thế nhưng, những vi phạm đó không được UBND phường này báo cáo UBND TP.Vinh để có biện pháp xử lý, hủy Giấy phép xây dựng.

Tuy đã bị dừng thi công nhưng ngày 23/2/2011, nguyên Giám đốc Trung tâm Lao động xã hội TP.Vinh đã điều 3 cán bộ và 7 học viên cai nghiện đến xây dựng nhà ở cho anh trai (ông Ánh-PV). Khi các học viên làm khung lợp mái thì bị điện ở đường điện 35kV phía trên giật khiến anh Võ Đình Dũng bị thương nặng, anh Đậu Sỹ Huệ hoảng sợ rơi xuống đất và tử vong sau đó.

Có thể thấy hậu quả vụ việc này trách nhiệm đầu tiên xuất phát từ khâu quy hoạch khu đất và đem ra đấu giá khi chưa phải là đất “sạch”. Tiếp đến, trách nhiệm của UBND phường khi xác nhận là “khu đất trống” và “phù hợp quy hoạch”; trong Biên bản kiểm tra hiện trạng xây dựng do Chủ tịch phường Hà Huy Tập Trần Quang Lâm ký ngày 22/9/2010 không thể hiện đường điện 35kV chạy qua mà đã đề nghị UBND TP.Vinh cấp GPXD.

Khi phát hiện sai phạm và lập biên bản ngày 18/11/2010 (trước ngày xẩy ra tai nạn hơn 3 tháng) nhưng UBND phường sở tại đã không ra Quyết định đình chỉ xây dựng và báo cáo UBND TP.Vinh để hủy Giấy phép xây dựng.

Khi ngành Điện phát hiện việc xây dựng vi phạm hành lang an toàn lưới điện đã có văn bản đình chỉ và kiến nghị xử lý nhưng chủ hộ không chấp hành và cán bộ quản lý ở phường Hà Huy Tập không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt.

Với trách nhiệm như trên, Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập không thể vô can. Phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội những người để xảy ra sai phạm là sự cảnh tỉnh tốt nhất cho những ai chủ quan, coi thường pháp luật.

Quang Trung

Đọc thêm