Vụ “đốt gạch” ở Gia Bình làm tăng thu ngân sách 12,5 tỷ đồng

Đối chiếu với những vấn đề mà TAND  tỉnh Bắc Ninh đề nghị điều tra bổ sung, cáo trạng này dường như không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí còn tiếp tục đưa ra những chứng cứ trái ngược với đánh giá của Toà trước đây.

VKSND tỉnh Bắc Ninh vừa hoàn tất cáo trạng (lần 2), truy tố Trần Thế Thụ, nguyên Bí thư Huyện uỷ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Gia Bình cùng 6 đồng phạm về tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đối chiếu với những vấn đề mà TAND  tỉnh Bắc Ninh đề nghị điều tra bổ sung, cáo trạng này dường như không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí tiếp tục đưa ra những chứng cứ trái ngược với đánh giá của Toà trước đây.

Bớt tội danh, thêm hành vi

Năm 2008 và 2009, có nhiều chủ lò gạch ở Gia Bình đồng loạt đốt gạch vào thời điểm mà UBND tỉnh Bắc Ninh cấm đun đốt. Cho rằng việc “xé rào” này đã gây thiệt hại, lại có sự “bật đèn xanh” của một số cán bộ huyện nên Trần Thế Thụ cùng 6 người nguyên là cán bộ các phòng ban của huyện hoặc cán bộ xã bị khởi tố, bắt tạm giam. 

gdfg
Các chủ lò này bị phạt nhưng đã không “kêu”, còn ngân sách nhà nước thì tăng thu.

Cáo trạng lần 1 quy kết bị can Thụ đã chủ trì 5 cuộc họp ‘giao ban hỗn hợp’, giao các ngành thu tiền của các chủ lò để cho họ “nổi lửa” vào ngày 18/6/2008 - thời điểm mà UBND tỉnh Bắc Ninh cấm đốt lò. Hành vi này của bị can Thụ bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” .

Sự việc cũng xảy ra tương tự vào năm 2009, chỉ khác lúc này bị can Thụ chỉ còn giữ chức Bí thư Huyện uỷ nên Cáo trạng cho rằng, bị can này đã ‘lạm quyền’ của Chủ tịch UBND huyện nên truy tố thêm tội “Lạm quyền khi thi hành công vụ”.

Nhận định về việc truy tố 2 tội danh trên, TAND tỉnh Bắc Ninh từng nhận định trong quyết định trả hồ sơ vụ án rằng :“Bản thân Thụ là Bí thư Huyện uỷ, là người lãnh đạo cao nhất tại địa phương, những việc làm của Thụ là trái với công vụ mà bị cáo đảm nhận chứ không phải lạm quyền…”.

Chấp nhận quan điểm trên, ngày 1/12/2010, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với Thụ từ tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy chỉ còn một tội danh nhưng so với bản Cáo trạng lần trước, ngoài tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng" thì VKSND tỉnh Bắc Ninh đã áp dụng thêm tình tiết "có tổ chức" và "phạm tội nhiều lần" để truy tố bị can Thụ.

Đối chọi quan điểm với toà

Như vậy, VKSND tỉnh Bắc Ninh vẫn cho rằng, hành vi của các bị can trong vụ án này là “gây hậu quả nghiêm trọng”. Về vật chất, các bị can phải chịu trách nhiệm gần 58 triệu đồng mà các chủ lò đã phải bồi thường cho các hộ dân vì gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; khoản 12,5 tỷ đồng mà các chủ lò phải nộp phạt hành chính do đun đốt gạch vào thời điểm cấm, khoản 1,5 tỷ đồng tiền thuế mà ngân sách huyện bị thất thu do các lò bị ngừng sản xuất trong 3 tháng cuối năm 2009; làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ của nhân dân…

Quan điểm truy tố trên hoàn toàn trái ngược với quan điểm của TAND tỉnh Bắc Ninh vì tại quyết định trả hồ sơ vụ án, cơ quan này đã khẳng định rõ ‘Việc các chủ lò đun đốt gạch trái với thời gian quy định của UBND tỉnh theo chủ trương của Trần Thế Thụ, tuy có làm ảnh hưởng đến việc gieo mạ của nhân dân bị cháy táp.

Song việc các chủ lò thoả thuận bồi thường thiệt hại cho các hộ dân là thoả thuận  dân sự và các hộ dân đều thoả mãn với mức bồi thường, không thể coi đây là thiệt hại của người dân do hành vi làm trái công vụ của Thụ gây ra. Hơn nữa, việc thoả thuận bồi thường là tự nguyện và chấm dứt trước khi vụ án được khởi tố, không có bất kỳ đơn thư tố cáo nào của để buộc các chủ lò gạch phải bồi thường.

Do vậy, không thể coi đây là hậu quả thiệt hại về vật chất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Thụ gây ra để định tội với Thụ. Trong hồ sơ vụ án cũng chưa có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh mức độ thiệt hại do ảnh hưởng về môi trường gây nên để làm căn cứ kết tội đối với Thụ”. 

Về khoản thuế thất thu, Toà án cũng đã có ý kiến "chưa có tài liệu nào làm rõ quan điểm của UBND huyện Gia Bình về vấn đề này". Nhưng quá trình điều tra bổ sung đã không thấy CQĐT và VKS bổ sung được nội dung này.

Tuy vậy, cũng có thể thấy rằng, khoản thuế nêu trên chỉ là suy đoán theo kiểu “đếm cua trong lỗ” và nếu khoản "thất thu" này đúng là “vào miệng còn rơi ra” thì đây cũng không phải là thiệt hại được gây ra trực tiếp bởi các bị can mà nó xuất phát trực tiếp từ việc UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các xã xử phạt hành chính và huỷ hợp đồng sản xuất gạch đối với các chủ lò.

Chính từ việc xử phạt này (30 triệu/ lò) mà Ngân sách tỉnh Bắc Ninh đã "thêm" được 12,5 tỷ đồng. Vậy, tại sao lại không "tính công" cho bị can Thụ trong việc làm lợi cho ngân sách này mà lại bảo, Thụ và các bị can đã "làm thiệt hại" cho các chủ lò?.

Một vô lý khác là VKS cho rằng các chủ lò bị thiệt hại do bị phạt tới 12,5 tỷ nhưng cho đến thời điểm này, người bị coi là có thiệt hại này đã không có bất kỳ yêu cầu đòi lại tiền phạt hoặc bồi thường nào. Cần nói thêm rằng, tuy bị phạt 30 triệu đồng nhưng trước đó, mỗi chủ lò đã thu lời hàng chục triệu qua lần đốt gạch vi phạm thời điểm cấm. Tại sao, VKS lại cứ “ép” các chủ lò làm bị hại của vụ án?.

Đã qua 2 lần ra cáo trạng và sắp đến thời điểm xét xử sơ thẩm nhưng cho tới nay, cơ quan truy tố vẫn chưa làm rõ được động cơ “vụ lợi cá nhân” của bị can Thụ trong vụ án này. Không có chứng cứ này đồng nghĩa với hành vi của các bị cáo không thể quy vào tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được.

Khoa Lâm

Đọc thêm