Vụ gây rối tại tòa ở Lai Châu: 2 nữ giáo viên cam chịu án oan?

  Mặc dù cho rằng bị kết tội oan uổng, nhưng do được hưởng án treo nên rất có thể 2 bị cáo này sẽ không kháng cáo vì mang tâm lý “chờ được vạ thì má sưng”…  

Mặc dù cho rằng bị kết tội một cách oan uổng, nhưng do được hưởng án treo nên rất có thể 2 bị cáo này sẽ không kháng cáo vì mang tâm lý “chờ được vạ thì má sưng”…  

Nguyễn Thị Hoa bị còng tay và đưa về tạm giữ lúc 8h42 phút nhưng không hiểu sao vẫn làm trì hoãn phiên toà đến 9 h10 phút?

Theo cáo buộc của CQĐT và VKSND tỉnh Lai Châu thì sáng 31/10/2011, Mai, Hoa cùng một số đối tượng có lời nói thô tục, thiếu văn hoá xúc phạm đến Hội đồng xét xử (HĐXX) và cán bộ công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ phiên toà. Khi bị yêu cầu ra khỏi phòng xử, tại sân toà án, Mai và Hoa đã có hành động, cử chỉ như hô hào, vung tay, vỗ tay kích động để tập trung sự chú ý của người dân, viết đơn phản đối phiên toà và vận động những người đến tham dự phiên toà ký vào đơn gây lộn xộn làm chủ toạ phiên toà phải cho phiên toà tạm dừng trong khoảng thời gian 60 phút.

Tại phần luận tội, đại diện VKSND đã công bố cụ thể hơn rằng, “biên bản phiên toà có trong hồ sơ vụ án thể hiện, phiên toà bị tạm dừng từ 7h55 phút đến 8h 55 phút sáng 31/10/2011”.

Ngay tại phiên toà, tuy thừa nhận mình đã có lời nói thiếu văn hóa, gây mất trật tự tại phiên xử Phạm Văn Tuyên nhưng về hậu quả của hành vi này, bị cáo Hoa tranh luận, “đề nghị HĐXX làm rõ việc bị cáo có làm trì hoãn phiên toà hay không vì tôi bị bắt giam lúc 8h30 phút.

Sau đó, tôi bị dẫn giải về trụ sở công an huyện, bị choáng và ngất rồi khi tỉnh lại mới được công an lập biên bản làm việc lúc 9 giờ kém 5 phút. Không thể có chuyện tôi đã bị bắt mà vẫn có thể làm trì hoãn phiên toà được.

Chứng cứ duy nhất thể hiện việc “trì hoãn phiên” mà KSV đề cập đến là Biên bản phiên toà xét xử Phạm Văn Tuyên ngày 30- 31/10/2011. Tìm hiểu văn bản này thì được biết, nội dung: do hành vi gây mất trật tự của Mai và Hoa nên HĐXX phải tạm dừng phiên toà từ 7h55 phút đến khoảng 9h 10 phút.

Theo mô tả tại biên bản thì phiên toà bị dừng sau khi luật sư bào chữa cho Tuyên ra khỏi phòng xử án do không được HĐXX chấp nhận đề nghị của mình và thư ký phiên toà lập biên bản về việc luật sư tự ý rời khỏi phòng xử.

Thực tế, phiên xử Phạm Văn Tuyên sáng 31/10/2011 thì HĐXX tạm dừng phiên toà là để vào phòng nghị án hội ý về việc luật sư bỏ về và lập biên bản về sự việc này, chứ không phải HĐXX cho tạm dừng phiên toà để ổn định trật tự sau khi có hành vi của Mai và Hoa. Điều này đã được phóng viên ghi nhận khi tham dự phiên tòa để đưa tin.

Sự thiếu khách quan, thiếu trung thực về việc HĐXX tạm dừng xét xử trong biên bản trên cần được làm rõ và nhất thiết phải đối chiếu với nội dung 2 đĩa DVD để kiểm chứng. Cũng cần nhắc lại rằng, cả người ký biên bản (chủ tọa phiên toà) và người viết biên bản này đều có quyền lợi đối lập với bị cáo vì họ được coi là “nguyên đơn dân sự” trong vụ án gây rối trật tự công cộng hy hữu này.                                  

Để làm rõ hơn những ghi vấn về vụ án này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Văn Thiệu, người cũng có mặt trong phiên tòa ngày 3/10/2011.

Thưa luật sư, là người có mặt tại phiên xử bị cáo Phạm Văn Tuyên vào sáng 31/10, với tư cách là người bào chữa, xin ông cho biết diễn biến  của việc tạm dừng phiên tòa này.

- Khi tôi rời phòng xử thì HĐXX vẫn làm việc bình thường. Diễn biến sau đó thì tôi không chứng kiến nhưng được nghe kể lại rằng, HĐXX vào phòng để hội ý một lần nữa vì luật sư bỏ về. Sau đó, phiên xử tiếp tục phần tranh luận giữa bị cáo với kiểm sát viên và người bảo vệ quyền lợi cho bị hại rồi bị cáo nói lời sau cùng.

Khi HĐXX đang tiến hành nghị án thì xảy ra việc lộn xộn ở sân toà và công an còng tay chị Hoa, dẫn giải về công an huyện. Như vậy, kể cả khi tôi ở phòng xử lẫn lúc tôi đã rời khỏi khuôn viên toà án thì cũng không có việc HĐXX phải tạm dừng làm việc do hành vi của chị Mai và chị Hoa.

Phiên toà này, có hàng trăm người dân theo dõi phiên toà tại sân trụ sở Toà án nhưng không hiểu sao trong vụ án này lại chỉ có duy nhất một nhân chứng là anh Phạm Văn Lợi được triệu tập đến Toà. Hôm đó, có 2 máy quay phim (của Đài phát thanh Truyền hình huyện và của 1 người mặc áo Kiểm sát viên).

Theo tôi, CQĐT cần phải trưng cầu giám định hình ảnh do 2 máy quay phim này ghi lại, vì đây là các chứng cứ chân thực nhất để xác định phiên toà có bị hoãn do hành vi của chị Mai và Hoa hay không. Nếu có thì bị trì hoãn trong khoảng thời gian nào?

Theo ông, nếu có việc chị Mai và Hoa có lời lẽ to tiếng để phản đối phiên toà xử Phạm Văn Tuyên thì hành vi này phải xử lý như thế nào?

- Trong vụ việc này, nếu chị Mai và chị Hoa có lời lẽ to tiếng, gây lộn xộn ở sân toà án thì hành vi này chưa gây hậu qủa nghiêm trọng (không cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước) nên chỉ dừng ở mức độ xử lý hành chính.

Trong vụ án này, chị  Mai  bị bắt  tạm giam để điều tra, việc bắt tạm giam này có đúng pháp luật không, thưa ông?

- Hành vi của chị Mai và chị Hoa chỉ sai phạm ở mức vi phạm hành chính, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, tội “gây rối trật tự công cộng” không phải là loại tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Cả chị Mai và chị Hoa đều là giáo viên, có nhân thân tốt, nơi cứ trú rõ ràng.

Riêng chị Mai đã chấp hành đúng theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, lại có chồng đang bị tạm giam và còn con nhỏ (4 tuổi) cần chăm sóc. Việc cơ quan CSĐT tiến hành tạm giam 2 bị can trên là không cần thiết và không đúng với quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Khoa Lâm

Đọc thêm