Vụ hàng chục ô tô 'chết chìm' tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai: Nguy cơ vụ kiện tập thể

(PLO) - Gần một tháng sau sự cố, chủ phương tiện bị hư hại bức xúc vì chưa nhận được yêu cầu bồi thường nào, trong khi đó bên quản lý cho rằng lỗi thiên tai bất khả kháng. Không tìm được tiếng nói chung, Ban Quản lý cùng Ban Quản trị chung cư này đề nghị người dân kiện ra tòa…
Xe “chết chìm” tại tầng hầm chung cư Hoàng Anh Gia Lai Lakeview

Mỗi bên một quan điểm

Sau trận ngập lụt lịch sử tại TP Đà Nẵng ngày 9/12/2018, hầm để xe chung cư Hoàng Anh Gia Lai Lakeview (đường Hàm Nghi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) ngập sâu gần 2 m. 15 ô tô, hơn 100 xe máy tại đây chìm trong nước nhiều ngày liền. Các chủ phương tiện hư hại bức xúc vì chưa nhận được yêu cầu bồi thường nào, dù đã một tháng trôi qua. Mới đây, Ban Quản lý cùng Ban Quản trị chung cư đã có cuộc họp với hàng chục gia đình bị thiệt hại tài sản nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ban Quản lý tòa nhà mới thống kê thiệt hại tài sản chung gần 600 triệu đồng, gồm: Máy bơm nước, máy phát điện, sáu thang máy. Còn tài sản hư hỏng của cư dân chưa được công bố; tuy nhiên, ước tính chi phí sửa chữa 15 ôtô cùng hàng trăm xe máy là hơn 10 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Hưng (một hộ dân có xe ô tô tại chung cư) cho biết, xe của ông sau khi ngập nước được kéo đi sửa tốn hết 300 triệu. “Từ lúc vào ở chung cư đến nay, phí gửi xe, quản lý, tôi đóng đầy đủ. Chung cư đã thu phí, nghĩa là phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản của cư dân, bất kể hoàn cảnh nào”, ông nói. Ông cho rằng việc thống kê thiệt hại ngập lụt cần tiến hành nhanh, phải sớm bồi thường.

Những hộ khác cũng đồng tình với ý kiến của ông Hưng. Nhiều người cho biết có một số xe hư hỏng nặng, chi phí báo giá sửa chữa lên đến 600 triệu. Đến nay cả tháng trời họ vẫn chưa thể nhận lại phương tiện chưa sửa xong, nên buộc phải thuê phương tiện đi lại. Chi phí phát sinh này, các hộ kiên quyết: “Ban Quản lý cung cư cũng phải có trách nhiệm”. 

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Thanh Trà, Trưởng ban Quản trị chung cư Hoàng Anh Gia Lai Lakeview nói, lúc xảy ra sự cố có ba bảo vệ. Sau đó có thêm hai người nữa được tăng cường ứng cứu. Nhưng vì ngập trên diện rộng, xảy ra lúc 4h sáng, số lượng hộ dân đông, dù các bảo vệ đã tích cực thông báo, gõ cửa từng nhà, song vẫn không thể cứu hết được. Ông Trà nói: “Đây là sự cố bất khả kháng, đơn vị không thể bồi thường”. Tuyên bố này cũng đã được ông đưa ra với các hộ dân tại cuộc làm việc vào ngày 6/1. Ông Trà nói: “Trong trường hợp bất bình, ai muốn khởi kiện, nên tổng hợp gửi tòa án”.

“Nếu tôi làm mất tôi phải bồi thường, nhưng đây là thiên tai. Lụt cả thành phố chứ không phải riêng chung cư Hoàng Anh Gia Lai. Để chia sẻ mất mát với người dân, Ban Quản trị hỗ trợ mỗi xe máy bị thiệt hại 500.000 đồng, ôtô 5 triệu đồng, cùng chi phí sửa chữa thang máy do vận hành sai quy trình”, ông Trà nói.

Ông Phạm Mạnh Huynh, Trưởng ban Quản lý chung cư cũng cùng quan điểm, cho rằng nước tràn từ đường vào hầm chung cư dù đã được đắp đê bao. Ban Quản lý chung cư đã huy động mọi nhân viên đi đập cửa từng nhà, gọi người dân xuống tầng hầm để di chuyển xe ra ngoài. Tuy nhiên, một số nhà kêu cửa không được, một số đi công tác xa nên có hơn chục ôtô và nhiều xe máy bị ngâm nước... Ông Huynh thông tin thêm, trước đây chủ đầu tư bán căn hộ, thu phí bảo trì, sau khi bán hết căn hộ, họ bàn giao chung cư cho Ban Quản trị do cư dân bầu ra. Sau đó, Ban Quản trị thuê công ty của ông quản lý, vận hành chung cư. 

Chung cư bơm nước tầng hầm xả ra ngoài đường sau cơn mưa lịch sử tại Đà Nẵng

Luật sư: “Bên nhận gửi giữ xe phải bồi thường”

Theo một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản tại TP Đà Nẵng, trong các thiết kế, hợp đồng xây dựng phần hầm xe tại các chung cư đều tuân thủ quy chuẩn về thoát nước để đảm bảo an toàn tài sản cho cư dân. Trường hợp mưa quá lớn, hầm xe không thoát nước kịp dẫn tới ngập làm hỏng phương tiện, đó là trường hợp không mong muốn. Lúc này, chủ đầu tư, Ban Quản lý và cư dân có phương tiện thiệt hại ngồi lại với nhau để họp bàn tìm phương án khắc phục, cũng như giải quyết  khiếu kiện.

Theo Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những tình huống như trên, trước hết cần xác định giữa xe có quan hệ gửi, giữ xe với chủ đầu tư hay Ban Quản lý tòa nhà hay với tổ chức, cá nhân nào khác không? Cư dân chung cư đã đóng phí gửi giữ xe cho tổ chức, cá nhân nào, thì tổ chức, cá nhân đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, vì lúc này giữa các bên đã xác lập hợp đồng gửi giữ tài sản theo Điều 559 Bộ luật Dân sự. “Bên nhận gửi giữ phải bồi thường bất kể đó là hình thức hợp đồng nào, kể cả thỏa thuận miệng”, ông Cao nói.

Luật sư Cao nói thêm, các cư dân cũng cần xem lại hợp đồng mua nhà. Trường hợp hợp đồng nêu rõ người mua, người thuê chỉ mua hoặc thuê căn hộ; mà không mua, không thuê chỗ để xe thì chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm.

“Khi ra tòa, bên bị thiệt hại cần dựa vào mức phí ở chung cư, chứng minh làm rõ trách nhiệm của bảo vệ khi xảy ra mưa to có cảnh báo khách hàng, hệ thống thoát nước có hoạt động hay không...”, Luật sư Cao tư vấn thêm.

“Hầu hết chung cư khi giữ xe đều thu phí, nhưng khi ký kết với khách hàng lại không có những điều khoản liên quan đến vấn đề bồi thường ngập nước xe cộ. Nếu có, ràng buộc cũng rất lỏng lẻo và khi xảy ra thiệt hại bên chủ xe phải tự đi chứng minh lỗi của bên kia”, Luật sư Cao cảnh báo thực tế hiện  nay.

Do đó, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, thương lượng bồi thường, cư dân cần khởi kiện đòi quyền lợi cho mình. “Kể cả hệ thống chống ngập nước của thành phố không đáp ứng được, nhân viên tòa nhà cũng phải cảnh báo người dân, chứ không thể để cho hầm ngập hư hỏng hàng chục xe  rồi chối trách nhiệm”, Luật sư Cao nêu quan điểm.

Đọc thêm