“Vũ khí” phòng, chống dịch COVID-19: Thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Số ca mắc COVID-19 trên cả nước đang có xu hướng gia tăng sau thời gian dài duy trì dưới 30 ca/ngày. Đây là dấu hiệu cảnh báo người dân cần không ngừng quan tâm đến phòng, chống COVID-19 khi nguy cơ vẫn hiện hữu trong cộng đồng.
Vaccine có vai trò quan trọng trong phòng chống COVID-19 (Ảnh - BYT)
Vaccine có vai trò quan trọng trong phòng chống COVID-19 (Ảnh - BYT)

Dịch COVID-19 đang ở cấp độ 1

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tuần qua (từ ngày 10 đến 16/4), nước ta ghi nhận 3.327 ca COVID-19, trong đó ngày thấp nhất có 113 ca, ngày cao nhất có 780 ca. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến thời điểm này ở nước ta. Trong khi các tuần trước đó, chỉ ghi nhận 80 - 100 ca/tuần.

Trước sự lo lắng của người dân, Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới có thể có sự gia tăng, tuy nhiên hiện nước ta đang ở cấp độ 1 của dịch (màu xanh), tương ứng với nguy cơ thấp. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng bảo đảm thu dung điều trị.

Ngoài ra, Bộ Y tế cho hay việc đánh giá tình hình dịch COVID-19 sẽ dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh. Một số khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cục bộ, tăng số ca nặng là do số ca mắc tăng tương ứng.

Thứ hai là môi trường sống, hành vi của người dân. Hiện nay, hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch, kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. Cùng với đó, việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn đã tạo điều kiện cho virus lây lan. Một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, không đeo khẩu trang hay khử khuẩn tay, đã làm gia tăng sự lây nhiễm.

Thứ ba là biện pháp đáp ứng, theo đó, “vũ khí” hiệu quả của Việt Nam là có tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao. Với liều cơ bản, Việt Nam bao phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên; mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80 - 90%; việc tiêm cho trẻ từ 5 đến - dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 70%. Tuy nhiên, có nơi tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo dự báo của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế thế giới, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu...

Nhìn chung, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta vẫn đang được kiểm soát, giảm các trường hợp bệnh nặng và đã qua 105 ngày không ghi nhận trường hợp tử vong. Do vậy, người dân không nên hoang mang trước tình hình dịch bệnh.

Người dân không nên chủ quan

Được biết, hiện nay số ca mắc COVID-19 tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi đang có sự giao mùa, với tỷ lệ mắc mới tăng gần 4 lần với tuần trước đó. Đây là thời điểm thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của virus và cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng các ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan, một trong những nguyên nhân khiến số ca COVID-19 có chiều hướng gia tăng phải kể đến sự chủ quan của người dân vào thời điểm này. Với tâm lý đại dịch COVID-19 đã qua, nhiều người dân lơ là với việc phòng, chống dịch bệnh.

Thực tế, chúng ta chưa công bố dịch COVID -19 đã kết thúc. Miễn dịch do mắc bệnh hoặc tiêm chủng sẽ giảm dần theo thời gian, trong khi virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, nguy cơ dịch bùng phát rất cao.

Nhưng nhiều người đã lơ là với các khuyến cáo phòng, chống dịch. Không ít người có suy nghĩ “dịch đã hết” nên không muốn tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19. Các chuyên gia y tế cảnh báo, với sự xuất hiện những biến chủng mới của COVID-19 thì khả năng lây nhiễm càng cao. Trong mọi trường hợp thì phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Người dân cần chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng cách trang bị ý thức phòng bệnh, đặc biệt đeo khẩu trang tại nơi công cộng và các cơ sở khám chữa bệnh. Nhất là đối với những người có nguy cơ cao và trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp diễn ra. Giữ an toàn cho mình cũng là giữ an toàn cho cộng đồng.

Ngoài ra, người dân cần tiếp tục thực hiện tiêm vaccine đầy đủ theo khuyến cáo của ngành Y tế. Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết để phòng mắc bệnh hoặc tái mắc bệnh, nếu có mắc thì sẽ tránh nguy cơ bệnh nặng, tử vong trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường.

Đối với các trường hợp nguy cơ cao như người già, người có bệnh mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch…; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao, tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích thiết thực để bảo vệ an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Mới đây, để giảm bớt sự lây nhiễm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn) là biện pháp tốt để phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng lịch, kết hợp “thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức” trong phòng chống dịch.

Biểu đồ ca mắc COVID-19 trong tuần qua. (Ảnh - BYT)

Biểu đồ ca mắc COVID-19 trong tuần qua. (Ảnh - BYT)