Ngoại trừ trường hợp ra lệnh phóng vài chục quả tên lửa hồi tháng 4/2018 “trừng phạt” chế độ Damas bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học sát hại thường dân Syria, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ ưa thích sử dụng “vũ khí” “trừng phạt kinh tế”, đi kèm với những tuyên bố đe dọa, nhằm gây áp lực tối đa, thay vì can thiệp quân sự trực tiếp. Đó là phương pháp và công cụ trong chính sách đối ngoại của Donald Trump, theo ý kiến của nhiều nhà phân tích.
Vũ khí được ưa chuộng bậc nhất trong chính sách đối ngoại Mỹ
Chuyên gia Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, Pháp, nhận định: “Gần như đây là một chiến lược mới. Donald Trump làm một bản tổng kết về chính sách bá quyền tự do, dùng can thiệp quân sự để áp đặt nền dân chủ và ông ta nhận thấy, Mỹ đã thất bại tại Irak, thất bại ở Libya.
Do vậy, ông Trump muốn chuyển sang một chiến lược khác, không mạo hiểm sinh mạng quân nhân Mỹ vì sẽ phải trả giá rất đắt và không được lòng dân tại Mỹ. Thế nhưng Donald Trump muốn “mạnh tay” một vài lần trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Đó là những nước mà một bộ phận công luận, những cử tri ủng hộ ông ta “không ưa”, như Venezuela, đương nhiên là Iran, cả Cuba nữa. Còn trong vấn đề Triều Tiên, ông ấy muốn chứng tỏ là có khả năng đạt được những điều mà không một tổng thống tiền nhiệm nào có thể làm được: Đó là phi hạt nhân hóa.
Do vậy, Donald Trump đặt chiến lược can thiệp quân sự sang một bên và tập trung hết sức lực vào chiến lược gây sức ép tối đa về kinh tế, cấm vận, tranh thủ nguyên tắc “ngoài lãnh thổ” trong luật pháp Mỹ để gây sức ép và buộc nước khác phải đi theo chính sách của mình”.
Bà Annick Cizel, chuyên gia về chính trị Mỹ tại Đại học Sorbonne mới -Paris 3, nhận định, “kiểu chính sách này thực ra là một truyền thống kể từ khi nước Mỹ ra đời”. Truyền thống này “ăn sâu, bắt rễ” trong giới chính trị gia Mỹ, vượt lên trên sự phân chia phe phái Dân chủ - Cộng hòa. Như dưới thời tổng thống Bill Clinton, thuộc phe Dân chủ, đạo luật Helms-Burton được thông qua năm 1996, tăng cường phong tỏa kinh tế Cuba.
Điểm khác biệt, theo chuyên gia Annick Cizel, là quy mô các “trừng phạt” được đưa ra là mới mẻ theo kiểu của Trump và “trừng phạt kinh tế đã trở thành vũ khí được ưa chuộng bậc nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump”.
Một mũi tên, trúng nhiều đích
Vũ khí này, một mặt, giúp tổng thống Donald Trump thực hiện mục tiêu đối nội. Theo giới quan sát, nhìn vào lịch sử Mỹ và Nhà Trắng, hiếm khi nào lại có một tổng thống như Donald Trump tiến hành chính sách đối ngoại hướng tới một mục đích duy nhất: Đó là tái đắc cử vào năm 2020.
Mặt khác, khi dùng vũ khí trừng phạt kinh tế, tài chính để gây áp lực thì các đồng minh của Mỹ khó có thể phản bác. Đó là bài học mà Donald Trump rút ra trong vụ Mỹ can thiệp quân sự vào Irak năm 2003.
Chuyên gia Pascal Boniface giải thích: “Thực vậy, mỗi khi Donald Trump làm một việc gì đó trong lĩnh vực đối ngoại, đó là để phục vụ cho chính sách đối nội. Donald Trump muốn thuyết phục các cử tri. Ông ta muốn tái đắc cử tổng thống vào năm 2020.
Và còn gì tốt hơn khi có thể tuyên bố rằng ông làm thay đổi nhiều chế độ, rằng chính ông làm cho chế độ Ayatolla ở Iran sụp đổ, chế độ Maduro ở Venezuela sụp đổ, hoặc đạt được việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đó là những việc mà kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, không một vị tổng thống tiền nhiệm nào làm được và đối với ông, đó là những thắng lợi…
Chúng ta có thể thấy một sự nhất quán trong học thuyết của Donald Trump. Trước đây, Pháp cùng với Đức đã chống lại can thiệp quân sự của Mỹ vào Irak. Nhưng với chiến lược mới của Donald Trump, tức là gây áp lực, tiến hành trừng phạt, các công ty của Pháp đã phải rút khỏi Iran. Rõ ràng là rất khó chống lại chiến lược mới của Donald Trump. Trước đây, dưới thời các tổng thống tiền nhiệm của Trump, người ta có thể chống lại chiến lược cũ, tức là chống can thiệp quân sự”.
Để gây áp lực tối đa, chính sách “trừng phạt” của tổng thống Trump thường đi kèm với tuyên bố “mọi giải pháp ở trên bàn”, hàm ý cả can thiệp quân sự. Vào lúc cuộc khủng hoảng ở Venezuela lên cao, trong những tháng đầu năm 2019, nguyên thủ Mỹ và nhiều cố vấn ở Nhà Trắng liên tục đưa ra các đe dọa.
Về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela, chuyên gia Pascal Boniface nhận định: “Không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng này, bởi vì từ lâu, nước Mỹ đã có truyền thống can thiệp quân sự vào châu Mỹ Latinh.
|
Ông Trump tiếp xúc đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc |
Còn trong trường hợp Iran, Triều Tiên và cả trong trường hợp Cuba, Donald Trump không đưa ra những đe dọa can thiệp quân sự. Trong khi đó, ông liên tục có những tuyên bố đe dọa đối với Venezuela, đó là nhằm gây sức ép, lôi kéo giới tướng lĩnh đứng về phía tổng thống tự xưng Guaido, vì can thiệp quân sự gây ra rủi ro rất lớn đối với sinh mệnh binh sĩ Mỹ.
Do vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng, các tuyên bố của Donald Trump chủ yếu là nhằm gây áp lực hơn là đe dọa thực sự. Người ta thấy rõ là trong tất cả các trường hợp, bất kể hậu quả về lâu dài ra sao, Trump muốn làm cho các “đối thủ” đó kiệt quệ, sụp đổ về kinh tế, chứ không muốn can thiệp quân sự trực tiếp theo kiểu cũ nữa”.
Còn nhiều điều chưa thể đánh giá
Can thiệp quân sự gây tốn kém, không được lòng dân, nhiều nguy cơ bị sa lầy. Với chính sách trừng phạt, tổng thống Mỹ có thể dễ dàng ra quyết định áp dụng hoặc tạm đình chỉ, để gây sức ép hoặc khuyên dụ đối phương. Trường hợp điển hình là đối với Triều Tiên.
Theo chuyên gia Pascal Boniface, việc tổng thống Trump đơn phương ra các quyết định như vậy gây lo ngại cho các nước liên quan: “Về ngắn hạn, sự can thiệp của Donald Trump vào quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên gây lo ngại. Có thể ông ta nghĩ rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn hiện đại hóa đất nước và do vậy, không có một sự lựa chọn nào khác là phải nhượng bộ trong hồ sơ vũ khí nguyên tử, đánh đổi lấy việc mở cửa kinh tế.
Thế nhưng, điều mà Triều Tiên muốn không chỉ như vậy, không hề có ý định nhượng bộ. Hàn Quốc rất lo ngại chính sách gây áp lực tối đa, kích động và châm lửa gây hỏa hoạn của Trump. Hàn Quốc cũng như Trung Quốc đều mong muốn chế độ Bình Nhưỡng thay đổi một cách nhẹ nhàng, lôi kéo nước này hội nhập vào nền kinh tế quốc tế”.
Chính sách gây áp lực tối đa của Trump cho đến lúc này chưa mang lại những kết quả cụ thể. Chuyên gia Pascal Boniface cho rằng trong vấn đề Triều Tiên, Donald Trump đã phải nhượng bộ: “Trump đã nhượng bộ vì ông ta dành cho ông Kim Jong Un nhưng cuộc gặp thượng đỉnh song phương. Đây là một thành công rất lớn đối với ông Kim Jong Un vì có được uy tín và được lòng dân tại Triều Tiên.
Mặt khác, cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều không muốn thấy biến cố gì lớn xảy ra với Bình Nhưỡng bởi vì cả Seoul và Bắc Kinh đều biết rằng họ sẽ phải gánh chịu và giải quyết hậu quả. Hàn Quốc biết rõ rằng trong trường hợp thống nhất bán đảo Triều Tiên quá nhanh, họ không có đủ khả năng và phương tiện để gánh vác việc này. Khoảng cách phát triển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên rất lớn so với sự chênh lệch giữa hai nước Đức trước đây”.
Về vấn đề chính sách gây áp lực với Venezuela, thực tế cũng cho thấy chưa có kết quả khả quan nào.
Song song với các trừng phạt ngày càng khắc nghiệt nhằm làm cho Iran kiệt quệ kinh tế, tài chính, sau những lời đe dọa, tổng thống Donald Trump, ngày 27/05/2019, trong chuyến công du Nhật Bản, đã tuyên bố Mỹ không có ý định làm thay đổi chế độ tại Iran và ông vẫn hy vọng có thể đàm phán với chính quyền Teheran về một hiệp định hạt nhân mới.
Về hiệu quả của các trừng phạt, chuyên gia Dalia Dassa Kaye, thuộc tổ chức tư vấn Rand Corporation, cho rằng “nếu thực sự là nhằm thúc đẩy Iran ngồi vào bàn đàm phán hoặc thay đổi thái độ trong khu vực, thì khó có thể nói rằng chính sách của Mỹ đã thành công”.