Vụ “lừa đảo chiếm đoạt 22 tỷ đồng” tại Hà Nội: Bị hại “góp vốn”, hay cho vay lãi?

(PLVN) - Sau gần 10 năm bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tại phiên tòa mới đây, bị cáo Nguyễn Huy Khang (SN 1959, ở Bắc Giang) và Nguyễn Đình Bang (SN 1951, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiếp tục cho rằng mình vô tội và đưa ra chứng cứ mới để chứng minh. Trước chứng cứ này, Hội đồng xét xử TAND Hà Nội đã hoãn phiên xử để xác minh.
Các bị cáo tại phiên tòa

Hoãn xử vì bị cáo trình chứng cứ kêu oan 

Theo cáo trạng, năm 2010, Bang và Khang đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu của UBND tỉnh Hà Tây (trước ngày 31/7/2008) về việc xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh (trong khi Đề án quy hoạch Dự án này đang được rà soát, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sau khi tỉnh Hà Tây (cũ) và TP Hà Nội sáp nhập), tạo dựng các hợp đồng, các quyết định, biên bản không có thật để giới thiệu với ông Thái Khắc Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Huy Phát.

Khang còn giới thiệu là Giám đốc Công ty Trường Sinh để ông Toàn tin là thật và ký hợp đồng góp vốn, tham gia đầu tư dự án. Bị cáo đã  chiếm đoạt 22 tỷ đồng và 7.000 USD của Huy Phát mà ông Toàn là đại diện ủy quyền. Sau khi nhận tiền, các bị cáo không dùng số tiền này đầu tư vào dự án mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân hết.

Tại tòa, cả hai bị cáo đều phủ nhận nội dung truy tố. Liên quan đến cáo buộc “sử dụng các giấy tờ không có thật” để lừa đảo, Bang cho rằng các giấy tờ trên là do chính bị hại (ông Toàn) giả mạo rồi cung cấp cho Cơ quan điều tra. Do đó, bị cáo đề nghị phải có chứng cứ là các giấy tờ gốc mà Cơ quan điều tra và VKS đánh giá “không có thật” hoặc “giả mạo” để lừa đảo ông Toàn. 

Cũng theo Bang, thực tế số tiền ông Toàn đưa cho Khang là tiền cho vay nặng lãi nhưng “núp” dưới hình thức Huy Phát góp vốn vào Trường Sinh. Bị cáo còn cung cấp chứng cứ mới là giấy xác nhận vay tiền của ông Nguyễn Xuân Hồng về việc cho ông Toàn vay 22 tỷ đồng để ký hợp đồng góp vốn mua Trường Sinh chứ không phải tiền của Huy Phát.

Ngoài ra, Bang còn cung cấp hợp đồng nguyên tắc giữa Khang và Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hà Nội Sông Hồng, thể hiện Sông Hồng sẽ đầu tư cho Khang 59 tỷ đồng để mua cổ phần Trường Sinh và cùng thực hiện Dự án An Khánh. Các giấy tờ này đều là do ông Toàn đưa Bang.

Tại tòa, Khang xác nhận có ký hợp đồng nguyên tắc với Sông Hồng và việc ông Toàn cho vay tiền như trình bày của Bang. Số tiền bị cáo nhận của ông Toàn là 19 tỷ đồng chứ không phải 22 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành việc mua cổ phần Trường Sinh để thực hiện Dự án, ông Toàn sẽ được nhận lại 34 tỷ đồng.

Trước những chứng cứ mới này, Hội đồng xét xử (HĐXX) thấy cần triệu tập ông Toàn đến tòa để làm rõ nên đã quyết định hoãn phiên xử và mở lại phiên tòa vào ngày 16/3 tới.

Vụ án từng có diễn biến “gay cấn”

Trước đó, tại phiên tòa ngày 16/9/2019, Bang cho biết, sau khi được tại ngoại, bị cáo đã được một điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án tìm đến trao đổi về vụ án “bày tỏ sự hối hận và xin lỗi bị cáo vì đã làm sai lệch hồ sơ vụ án”. 

Chứng minh lời khai này, Bang đã cung cấp cho HĐXX 6 đoạn video thể hiện các cuộc trao đổi giữa ông và người này. Nội dung trao đổi thể hiện đã có việc hướng dẫn khai báo không đúng sự thật, tạo dựng chứng cứ để làm oan sai cho bị cáo.

Trước những chứng cứ này, HĐXX phiên tòa ngày 16/9/2019 đã trả hồ sơ để điều tra, làm rõ các đoạn video bị cáo cung cấp.

Theo cáo trạng sau đó, các đoạn video đã được giám định, thể hiện ông Nguyễn Chính Phong (điều tra viên) hướng dẫn cho Bang phản bác và cãi lại các tài liệu trước tòa. Ông Phong sẽ viết thành văn bản giao cho Bang với điều kiện Bang phải đưa ông Phong 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện. 

Cáo trạng cho rằng nội dung trao đổi giữa ông Phong và Bang không làm thay đổi bản chất các tài liệu do Bang lập và ký đã được thu thập trong quá trình điều tra vụ án; không làm thay đổi bản chất của vụ án nên giữ nguyên quan điểm truy tố hai bị cáo.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin diễn biến phiên tòa.

Đọc thêm