Thứ nhất vì vụ kiện đó liên quan đến bị cáo và nguyên cáo có thân phận đặc biệt, thứ hai là có liên quan đến chuyện chính trị ngoại giao khó xử đối với tận 3 quốc gia: Jordani, Anh và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.
Công chúa Jordani Haya bint al-Hussein (45 tuổi) là em cùng cha khác mẹ với Vua Jordani Abdullah II và là một trong ít nhất 6 người vợ của người đứng đầu Tiểu vương quốc Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum - người được coi là người quyền lực thứ hai ở Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.
Cách đây không lâu, công chúa Haya cùng hai con trốn khỏi Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và biệt tăm biệt tích, chỉ xuất hiện ở Thủ đô London của nước Anh khi nhờ tòa án phân xử chuyện quyền nuôi hai đứa con.
Nếu còn ở Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và vụ việc được đưa ra phân xử ở tòa án nơi đây thì người phụ nữ này hoàn toàn không thể có được bất cứ cơ hội thắng nào. Không chỉ có quy định của đạo Hồi không đứng về phía người phụ nữ và hai đứa con mà còn chẳng có tòa án nào ở Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất xét xử và phân xử trái với ý muốn của những người cầm quyền.
Ở Anh thì có thể sẽ rất khác và xét xử những vụ việc như thế này thuộc diện chỉ là những vụ án nhỏ. Theo thông lệ tư pháp lâu nay và theo luật pháp hiện hành ở Anh thì công chúa Haya thắng ở tòa là điều chắc chắn.
|
Vợ chồng Công chúa Haya và Tiểu vương Sheikh Mohammed |
Điều khiến chính phủ Anh, Jordani và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất khó xử lại không phải về pháp lý mà về chính trị ngoại giao. Ba quốc gia này có quan hệ hợp tác gắn bó và tốt đẹp với nhau.
Vua Jordani Abdullah II giờ bị khó xử với phía Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất vì chuyện của cô em gái cùng cha khác mẹ, thúc ép phía Anh xử thuận cho cô em gái thì sẽ không thể tránh khỏi làm cho Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất mết lòng, đồng thời cũng không thể để mặc cho phía Anh quyết định số phận của em gái theo hướng có lợi cho người chồng mà cô ấy không muốn chung sống cùng nữa.
Đối với người đứng đầu Tiểu vương quốc Dubai, chuyện này động chạm tới thể diện và danh dự cá nhân, tới uy quyền thành văn cũng như bất thành văn của đạo Hồi ở Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất nên muốn thúc ép phía Anh xử thuận nhưng đồng thời cũng lại phải lưu ý đến Vua Jordani Abdullah II.
Cái khó xử của phía Anh là xử thuận cho bên này thì sẽ khiến bên kia không hài lòng trong khi cần tranh thủ cả hai bên. Chuyện tưởng tư pháp thuần tuý lại trở thành chuyện chính trị ngoại giao trong mối quan hệ giữa ba nước này. Một vụ xét xử tưởng rất đơn giản và chỉ là rất bình thường lại có thể biến tướng thành khủng hoảng chính trị ngoại giao giữa các nước liên quan này với nhau.
Kỳ án chính ở khía cạnh chính trị ngoại giao này chứ không phải ở trên phương diện luật pháp hay tư pháp. Bởi vậy, chắc rồi tòa án ở Anh sẽ chọn giải pháp dây dưa kéo dài thời gian thụ lý và xét xử để “đến đâu tính đến đó” hoặc kết hợp giữa phán xử để cho cả bên vợ lẫn bên chồng đều có lý một tý.