Vụ mít “ngậm” hóa chất: Chủ cơ sở không biết hóa chất có độc hay không

(PLO) - "Hóa chất thúc cho mít non chín nhanh có độc hay không tôi không biết, nhưng loại này gây ngứa lắm, khi pha nhớ đeo găng tay cho an toàn", một chủ vựa mít ở Đắk Lắk tiết lộ.
Hóa chất được sử dụng để thúc mít chín
Tiếp tục tìm hiểu công nghệ phù phép mít non chín siêu tốc, chúng tôi tìm đến các vựa tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk hỏi mua mít thành phẩm để về sấy. Đây được xem là nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào nhất tỉnh Đắk Lắk, quanh năm cung cấp cho các lò sấy trên địa bàn.
Nhà bà Điều nằm trong xóm nhỏ thuộc thị trấn Phước An lúc nào cũng đầy mít. Chúng tôi ngỏ lời hỏi mua thì bà nói: “Chú mua trái hay múi? Trái thì tôi không có, còn múi thì cần bao nhiêu cũng được”.
Khi chúng tôi tỏ ra nghi ngờ về nguồn hàng thì bà Điều cho biết: "Hàng ngày tôi xuất vài trăm ký múi mít sao không đủ được? Nếu trả giá cao hơn chút, tôi huy động thêm các vựa khác, họ sẽ ưu tiên để hàng cho chú. Các lò mua về không sấy kịp, họ dùng xe đông lạnh đẩy lên Bình Dương, TP.HCM hoặc bán lại cho các lò khác".
Chúng tôi tiếp tục thắc mắc làm sao có đủ số mít chín để thu hoạch cùng một lúc thì bà Điều quả quyết: “Chú mới vào nghề phải không? Ở đây có hàng trăm gia đình làm nghề này. Mỗi ngày họ mua về vài tấn mít trái, chỉ cần dùng thuốc chích vào thì nó chín ngay ấy mà".
 Nhờ bơm hóa chất nên trái mít chín rất nhanh
Giá của 1 kg mít múi được chủ vựa bán cho các lò sấy là 12.000 đồng. Giá lên hay xuống phụ thuộc vào mùa. Nếu vào mùa chín rộ thì từ 12.000 - 14.000 đồng/kg; còn trái vụ thì có thể lên tới 18.000 đồng/kg.
Tại thị trấn Phước An có hàng trăm vựa chế biến mít hoạt động suốt ngày đêm. Và công thức chung của các vựa này là: "Mít non + Hóa chất = Mít chín". Được sự chỉ dẫn, chúng tôi đến lò sấy cạnh ĐH Tây Nguyên hỏi mua hóa chất. Theo các chủ vựa, loại hóa chất Trung Quốc để thúc mít chín nhanh không bán ngoài thị trường.
Tại lò sấy, người đàn ông khoảng 40 tuổi thấy chúng tôi lạ nên hỏi: "Ai chỉ tới đây?". "Anh Tình ở cầu 14 giới thiệu chỗ anh có thuốc làm chín mít nên đến hỏi mua", chúng tôi trả lời. Vì là chỗ quen với anh Tình nên người này không còn nghi ngờ, vào trong lấy ra bịch hóa chất Trung Quốc giống với loại hóa chất mà các vựa mít sử dụng. Giá của một bịch (gồm 20 lọ nhỏ như ngón tay) là 40.000 đồng.
Người bán thuốc giới thiệu: "Loại thuốc này trong nội địa không có đâu, phải nhập ở cửa khẩu Lạng Sơn. Về độ hiệu quả thì nó là số một. Mỗi lọ chú pha đều với 2 lít nước rồi bơm trực tiếp vào trái mít. Đảm bảo chỉ sau 1 ngày là mít chín đều. Múi nào cũng vàng rộm như chín cây”.
Trước khi mang 1 gói gồm 10 lọ về, chúng tôi hỏi: "Thuốc này có độc cho người không anh? Mít chích thuốc thì ăn được chứ?". Anh này liền nói: "Các ông giả ngố hả? Thuốc này là để chích vào mít đem bán, chứ nhà ăn thì việc gì phải làm vậy. Cứ để mấy ngày cho nó chín tự nhiên, ăn vừa thơm vừa an toàn”.
Rồi anh ta nói nhỏ: "Độc hay không tôi không biết, nhưng thuốc này ngứa lắm, khi pha nhớ đeo găng tay cho an toàn. Trước đây có nhiều người đến mua hóa chất này thúc chuối và cà chua chín nhanh để mang đi bán. Làm như thế mới có lãi chứ chờ trái cây chín tự nhiên thì chỉ có sạt nghiệp".
Chuyên mục bảo vệ NTD của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm