Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã lần theo hồ sơ vụ án và thấy rằng, vụ án có nhiều điều khuất tất, oan sai, thể hiện dấu hiệu đấu tranh quyền lực không lành mạnh...
Ông Huỳnh Hiếu Bi |
Câu chuyện oan sai của ông Huỳnh Hiếu Bi bắt nguồn từ việc ông được qui hoạch vào Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh và có thể được chuyển về tỉnh để làm giám đốc một sở nào đó. Trong thời gian làm Chủ tịch UBND huyện gần 6 năm, ông Bi được quy hoạch làm Bí thư huyện ủy Cầu Ngang, vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Trà Vinh. Nhưng đến khi chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện Cầu Ngang lần thứ IX năm 2005-2010 thì có đơn tố cáo nặc danh nói xấu, vu khống ông Bi đủ điều, thư rơi rải khắp huyện trước, trong và sau Đại hội Đảng bộ huyện.
Cao điểm của việc bôi nhọ ông Bi là lá đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh lúc bấy giờ. Ông Quang tổng hợp lại những nội dung của tất cả thư nặc danh, tờ rơi rồi ký tên gởi đến các cơ quan trong và ngoài tỉnh. Lá đơn tố cáo của ông Quang được phát hành trong thời gian Tỉnh ủy Trà Vinh chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ 2005-2010.
Ông Bi bức xúc nhớ lại: “Ý đồ là vận động chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ, lật đổ tôi để sắp xếp cho ông L.T.T lên làm Bí thư Huyện ủy, bởi vì các ông L.T.Đ, L.N.H, T.T.V, N.V.Q, L.T.B là thông gia, liên sui gia với nhau”.
Theo lời ông Bi thì các ông T.T.V, L.N.H, Nguyễn Văn Quang đã công khai vận động để lật đổ không cho ông Bi trúng cử vào BCH Huyện ủy nhưng tất cả những “nỗ lực” đó đều thất bại vì sau Đại hội, nhờ vào uy tín và những gì ông Bi làm cho nhân dân huyện Cầu Ngang, ông Bi vẫn trúng cử và làm Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang.
Một thời gian sau, ông Nguyễn Văn Quang làm đơn tố cáo ông H là Bí thư Huyện ủy thời ông Bi làm Chủ tịch huyện. Nội dung đơn tố cáo lấy nội dung thư nặc danh, mạo danh trước đó. Tất nhiên, lần tố cáo này mục đích chính vẫn là ông Bi.
Điều tệ hại đã đến với ông H, ông bị kiểm điểm và về hưu non. Phóng viên đã liên hệ với vị cựu Bí thư Huyện ủy này, nhưng ông nói: Câu chuyện đã xảy ra lâu rồi, tôi nay đã già, về hưu cho thanh thản (để không làm phiền những ngày hưu thanh thản của vị bí thư này, phóng viên đã đổi tên của ông và viết tắt tên gọi này trong bài viết).
Còn số phận ông Bi? Ngày 20/2/2006, UBND tỉnh Trà Vinh ra quyết định 367/QĐ-UBND thanh tra toàn bộ việc thu chi ngân sách trong gần 6 năm ông Bi làm Chủ tịch UBND huyện. Đoàn thanh tra ra quân thật rầm rộ, gồm 12 thành viên, trong đó có Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó Giám đốc Sở Xây dựng...
Ngày 17/5/2006, đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra cho lãnh đạo và đại diện các ban ngành tỉnh Trà Vinh. Kiến nghị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ những sai phạm có dấu hiệu cố ý làm trái gây thiệt hại ngân sách. Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố vụ án xảy ra tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Cầu Ngang. Ông Bi bị khởi tố, bắt giam vào ngày 15/1/2008 để phục vụ điều tra quá trình 5 năm ông Bi làm Chủ tịch UBND huyện từ 2001-2005.
Điều tra đến đâu, ông Bi trình bày một cách đầy đủ và đúng đắn không gian dối một chi tiết nào và đúng Luật ngân sách, Nghị định 60/NĐ-CP của Chính phủ: “Khi ngân sách bị mất cân đối nghiêm trọng, đảm bảo cho yêu cầu chi cấp bách, UBND các cấp được quyền bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách, sau đó trình kỳ họp HĐND cùng cấp gần nhất”, ông Bi thực hiện theo những qui định trên và đã được HĐND huyện thông qua ngày 27/1/2007, đồng thời quyết định phân bổ ngân sách năm 2005 cho Cầu Ngang có nguồn chi đảm bảo xã hội 309 triệu đồng, do Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh lúc đó là ông Trần Hoàn Kim ký.
Trong điều tra cá nhân, cơ quan điều tra không bám vào Luật ngân sách, Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của UBND tỉnh, ông Bi trình bày thì cơ quan điều tra không điều tra theo lời khai ông Bi. Ông Bi xin đối chiếu, đối chất với các cơ quan và cá nhân liên quan thì cơ quan điều tra tuyệt đối không cho mà bảo ông đi tìm? Trong khi ông Bi đang bị tạm giam thì tìm ở đâu và ai cung cấp?
Nhưng người nhà ông Bi và thuộc cấp liên quan cố gắng đi tìm chứng cứ (lẽ ra việc này là trách nhiệm của cơ quan tố tụng), Thường trực HĐND tỉnh Trà Vinh cung cấp cho ông Bi toàn bộ hồ sơ phân bổ ngân sách năm 2005, Ông Bi cung cấp hồ sơ này cho cơ quan điều tra để chứng minh mình thu chi ngân sách không sai.
Ông Bi chứng minh tiếp: “Vậy mà cơ quan điều tra giấu ém hồ sơ. Ông L.T.T là Chủ tịch UBND huyện không cho tôi đối chiếu bất cứ hồ sơ nào ở huyện, nhất là đối chiếu tại các ngành Tài chính, Kho bạc, các Phòng Lao động - Thương binh và Xă hội. Các ngành thương tôi nhưng không dám cho tôi đối chiếu mặc cho hồ sơ thu chi ngân sách đang tồn tại ở các đơn vị đó”.
UBND huyện Cầu Ngang, nơi xảy ra vụ kẻ gian đột nhập |
Cần mở ngoặc ra nhân vật L.T.T, hiện đang đương chức phó giám đốc một sở ở Trà Vinh. Lúc ông Bi làm Chủ tịch huyện, ông T là thuộc cấp của ông Bi với cương vị Phó Chủ tịch huyện. Sau Đại hội BCH huyện ủy, ông Bi được bầu làm Bí thư huyện thì ông T được bầu làm Chủ tịch huyện thay thế ông Bi.
Khi ông Quang gửi đơn tố cáo ông Bi và ông H, các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng sau không thấy đề cập tới các sai phạm của ông T trong thời gian ông làm Phó Chủ tịch huyện...
Liên quan đến vụ án này, Ông Trầm Văn Nghĩa bị phạt 3 năm tù giam, lúc đó là Phó Chánh văn phòng UBND huyện, người trực tiếp làm quyết toán thu chi ngân sách. Ông Nghĩa hiện đã mãn hạn tù, phải tha phương cầu thực nơi khác vì trong thời gian ông đi tù, vợ ông đã bán nhà rồi sang định cư tại Mỹ. Ông Nghĩa cũng đang đội đơn kêu oan và đến cung cấp cho Báo Pháp luật Việt Nam hồ sơ quyết toán thu chi ngân sách. Đây là hồ sơ mà đoàn thanh tra kết luận ông Bi bán sân vận động và kiến nhị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.
Thực chất, khi Huyện thiếu hụt ngân sách, HĐND và thường trực UBND quyết định mượn hai nguồn thu: Kinh phí hỗ trợ lúa nước và kinh phí chuyển quyền sử dụng đất sân vận động cấp bổ sung cho các phòng, ban ngành của huyện. Tổng hai nguồn thu này hơn 2 tỷ, trong đó ông Bi chi hơn 692 triệu. Nguồn chi ra đều có quyết định của UBND huyện và đã được HĐND phê chuẩn. Vậy việc chi này có cố ý làm trái gây thất thoát ngân sách hay không?
Câu hỏi mà dư luận đặt ra, rằng ông Bi bị bắt và bị kết án 3 năm tù giam vì tội danh cố ý làm trái và tham ô trong quá trình làm Chủ tịch huyện, vậy tại sao ông T ngày đó là Phó Chủ tịch huyện vẫn bình yên và ngày này đang nghiễm nhiên là phó giám đốc một sở?
Theo ông Bi, thời điểm ông bị điều tra, khi đoàn thanh tra và cơ quan điều tra đến làm việc tại trụ sở UBND huyện thì đã có sự cố xảy ra. Ông L.T.T với cương vị là Chủ tịch huyện mượn người khác kê giùm để tham ô như: Nhận tiền đi Thái Lan 5 triệu đồng, chi xài cá nhân 6.538.000 đồng, sử dụng cước phí điện thoại không có trong chế độ 7.652.286 đồng, cộng 3 khoản là 19.190.286 đồng, nếu khởi tố, điều tra thì bao nhiêu?
Không hiểu sao VKSND tỉnh Trà Vinh có Công văn số 84/VKS-P1 gởi UBND huyện Cầu Ngang yêu cầu thu hồi số tiền trên và mọi việc dừng lại một cách khó hiểu, phải chăng do ông T đang giữ chức Chủ tịch huyện? Trong khi đó ông Bi bị 3 năm tù giam với cáo buộc về hành vi tham ô 8 triệu đồng, số tiền này mua điện thoại tặng ông Lâm Thanh Bình.
Phóng viên đã liên hệ với ông Bình để làm rõ về chiếc điện thoại thì ông Bình trả lời: “Lâu rồi không nhớ”. Một việc khuất tất và gây bức xúc dư luận nữa là việc Công an tỉnh Trà Vinh không điều tra làm rõ vụ án kẻ trộm đột nhập vào trụ sở UBND huyện, cạy cửa vào phòng ông L.T.T và phòng của 3 Phó Chủ tịch để lục lọi giấy tờ. Ông Bi lúc đó là Bí thư huyện, lập tức triệu tập BCH Huyện ủy họp, kết quả buổi họp này BCH huyện ủy quyết định phát công văn yêu cầu Công an tỉnh điều tra làm rõ. Cơ quan điều tra vào cuộc, nhưng sau một thời gian thì... lãng quên.
Ông Phan Bửu Phước, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, nay đã nghỉ hưu nói: “Đó là một vụ cạy cửa vào trụ sở UBND trong thời điểm nhạy cảm, bởi các cơ quan tố tụng đang đi tìm chứng cứ buộc tội cán bộ lãnh đạo tham ô và làm trái qui định gây thất thoát ngân sách. Việc công an vào cuộc điều tra, điều tra đến đâu, ai là thủ phạm với mục đích gì cần làm sáng tỏ để pháp luật được thực thi nghiêm minh, đúng người đúng tội là cần thiết. Tôi rất tiếc thời điểm đó HĐND tỉnh không nhận được thông tin gì từ các ban ngành liên quan”.
Vụ án thể hiện có màu sắc cá nhân, dấu hiệu điều tra sai quy trình, quy kết tội tùy tiện; Công an tỉnh Trà Vinh quy kết ông Bi làm trái 800 triệu đồng, tham ô 80 triệu đồng; Cáo trạng của VKSND tỉnh Trà Vinh quy kết ông Bi làm trái 112 triệu đồng, tham ô 51 triệu đồng; Tòa án sơ thẩm TAND tỉnh Trà Vinh quy kết ông Bi làm trái 155.724.796 đồng, tham ô 8 triệu đồng. Hai cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm qui kết giống với kiểu qui kết của tòa án Trà Vinh. Tố tụng như vậy thì không biết ai đúng, ai sai?
Điều khó hiểu hơn là vụ án đã bị tòa cấp sơ thẩm ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra phớt lờ quyết định của tòa. Ngày 26/11/2008 tòa án Trà Vinh ban hành Quyết định 09/2008/HSST-QĐTHS trả hồ sơ cho VKS để điều tra làm rõ 6 vấn đề, trong đó nhấn mạnh: Xem xét trách nhiệm hình sự của ông L.T.T về các tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng ông T vẫn “bình chân như vại” và được đề bạt lên tỉnh. Dư luận đang đặt câu hỏi: Vì sao thế?
Chẳng lẽ là nơi pháp luật dừng bước?
Không hiểu sao sau quyết định trả hồ sơ điều tra như vậy nhưng tòa án Trà Vinh vẫn đưa vụ án ra xét xử. Ông Bi bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng được hưởng án treo. Ông Bi kháng án lên tòa án tối cao, trước phiên tòa ông Bi yêu cầu tòa mời nhân chứng đi mua điện thoại tặng ông Bình và triệu tập ông Bình ra trước tòa để đối chất. Những yêu cầu chính đáng đó của ông Bi bị tòa bác.
Khi tòa tuyên án ông Bi phải bị tù 3 năm tù giam thì ông chỉ biết ngữa mặt lên trời than: “Ông Bình ơi ông Bình! Ông chỉ cần ra tòa đối chất và thật lòng mình nhận rằng tôi có thay mặt UBND huyện tặng ông chiếc điện thoại thì tôi trắng án”.
Nhưng rồi thì án đã tuyên, ông Bi mất sạch, 40 năm tuổi Đảng, Bí thư huyện, danh dự truyền thống cách mạng hào hùng của gia đình. Thế nhưng ông không đầu hàng, mặc cho đến đây không còn ai là đồng chí, đồng đội bên mình. Hành trình đi tìm công lý của ông được VKSND tối cao xem xét lại. Ngày 6/5/2010, VKSND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/QĐ-VKSTC-V3.
Kháng nghị yêu cầu Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm của TAND tối cao tại TP.Hồ Chí Minh và bản án sơ thẩm của tòa Trà Vinh. Sau đó ngày 11/3/2011 VKSND tối cao ra Quyết định 01/QĐ-VKSTC-V3 tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm với ông Bi...
Ông Bi hoan hỷ chờ đợi sự phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao thì xảy ra một sự cố gây chấn động thị trấn Cầu ngang. Khoảng 15h ngày 20/11/2011 có hai thanh niên lạ mặt mặc quần áo dân thường cầm gậy xông vào nhà ông Bi, bắt ông và còng tay ông lôi đi xềnh xệch. Ông Bi trình quyết định tạm đình chỉ thi hành án của VKSND tối cao ra thì hai bên xảy ra cự cải. Hai thanh niên lạ mặt móc súng bắn hai phát. Nghe tiếng súng, người dân đổ xô lại xem. Chứng kiến cảnh hai người thanh niên không mặc sắc phục công an còng tay ông Bi lôi đi như vậy nên hằng trăm người dân la ó phản đối và đám đông phẫn nộ đòi hành hung hai thanh niên kia.
Cũng may lực lượng Huyện đội xuất hiện kịp thời, ông Huỳnh Vũ Phong, Chỉ huy trưởng huyện Cầu Ngang lúc đó kể lại: “Tôi lúc đó đang công tác xa, nghe Tham mưu huyện đội báo cáo có tiếng súng nổ tại nhà ông Sáu Bi, lập tức tôi chỉ đạo ngay cho Tham mưu huyện đội cử lực lượng đến hiện trường...”. Vụ việc ông Bi làm đơn tố cáo đến Công an tỉnh Trà Vinh, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng khó hiếu.
Chúng tôi đến Công an tỉnh Trà Vinh để làm rõ hai vấn đề: Việc trụ sở UBND huyện bị cạy cửa có điều tra và hồ sơ thể hiện việc điều tra có kết luận hay không? Thứ hai là việc nổ súng tại nhà ông Bi có hay không? Câu hỏi chúng tôi đặt ra: Hai người thanh niên có phải là lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ là thi hành án bản án phúc thẩm đối ông Bi hay không? Chánh văn phòng Công an Trà Vinh hứa rằng sẽ trả lời cho Báo Pháp luật Việt Nam sớm nhất. Thế nhưng sau gần 1 tháng, lời hứa trả lời của vị Chánh Văn phòng này vẫn chưa được thực hiện.
Sau những hoan hỉ cùng biến cố đau thương nêu trên, ngày 22/5/2013 ông Bi nhận được phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao: Y án phúc thẩm. Ông thất vọng tột cùng nhưng vẫn quyết tâm đội đơn kêu oan đến Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Chủ tịch nước và VKSND tối cao. Vì người đàn ông 40 năm tuổi Đảng này vẫn còn niềm tin và nghị lực để tiếp tục đi đòi công lý.