Vụ người phụ nữ buôn túi hàng hiệu bị xử tội 'lừa đảo': Luật sư đề nghị 'cần xác định bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền của ai?'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Liên quan vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đang được TAND tỉnh Bắc Giang xét xử theo thủ tục sơ thẩm và hiện phiên toà đang được hoãn, dự kiến sẽ mở lại vào 7h30 ngày 19/6/2024; luật sư (LS) cho rằng còn một số tình tiết khác cần được làm rõ.
Hiện vụ án đang được TAND tỉnh Bắc Giang xét xử theo thủ tục sơ thẩm. (Ảnh: Hồng Thương)
Hiện vụ án đang được TAND tỉnh Bắc Giang xét xử theo thủ tục sơ thẩm. (Ảnh: Hồng Thương)

Hơn 1.000 giao dịch với số tiền hàng trăm tỷ đồng?

Như PLVN đã phản ánh, trong vụ án này, bị cáo Trịnh Thu Trang (SN 1991, ngụ phường Hoàng Văn Thụ) bị xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Thủy Anh (SN 1987, ngụ phường Hoàng Văn Thụ), Lương Thị Thu Thảo (SN 1995, ngụ phường Ngô Quyền, cùng TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cùng bị xử về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang, bị cáo Trang buôn bán túi xách, đồng hồ đắt tiền của nhiều thương hiệu khác nhau như Hermes, Chanel, Dior, LV, Rolex... trên mạng xã hội. Trang sử dụng thủ đoạn mua đắt, bán rẻ để thu hút khách bán hàng và khách đặt cọc tiền mua hàng, nhằm chiếm đoạt hàng (túi xách, đồng hồ, dép) và tiền đặt cọc mua hàng của khách. Từ tháng 7 - 9/2022, Trang đã chiếm đoạt tiền và tài sản của 8 bị hại với tổng giá trị hơn 53 tỷ đồng.

Tại phiên tòa mở hồi tháng 3/2024, HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung 8 vấn đề. Sau đó, VKSND tỉnh đã thực hiện điều tra bổ sung và đề nghị đưa vụ án ra xét xử.

Đến nay, vụ án này đã trả hồ sơ điều tra bổ sung 1 lần và hoãn phiên toà 2 lần để làm sáng tỏ một số tình tiết liên quan. Đặc biệt, tại phiên toà ngày 28/5/2024, bị cáo Trang đã có đơn tố cáo 4 người gửi HĐXX.

Theo LS Trần Văn An (Đoàn LS tỉnh Bắc Giang, bào chữa cho bị cáo Trang), trong vụ án, một số nội dung then chốt cần được cơ quan tiến hành tố tụng điều tra làm rõ. Cụ thể, quan hệ kinh doanh, mua bán giữa Trang và các bên, trong đó có 8 bị hại. Các bên đã mua bán với nhau từ những năm 2020 đến nay và được thực hiện liên tục, không gián đoạn. Số lượng giao dịch mua bán giữa các bên có số lượng tiền, hàng rất lớn. Theo sao kê, tổng số tiền mua bán, giao dịch lên đến hàng trăm tỷ đồng với hơn 1.000 giao dịch.

Từ số liệu thống kê giao dịch tài khoản của Trang, số tiền Trang nhận và chuyển đi đều lớn, hơn 200 tỷ đồng. “Bản thân bị cáo Trang đã bị âm (lỗ) mất khoảng 15 tỷ đồng trong quá trình kinh doanh nên còn phải thế chấp mất nhà để lấy vốn kinh doanh. Cần xác định bị cáo Trang lừa đảo chiếm đoạt tiền của ai? Tại phiên toà, các bị hại cũng chưa phân biệt được đâu là khoản tiền, tài sản tham gia mua bán dân sự với Trang, đâu là khoản tiền, tài sản Trang lừa đảo của họ”, LS An nêu quan điểm.

“Hồ sơ cho thấy, quá trình kinh doanh, Trang luôn thực hiện việc mua đi, bán lại hàng hóa một cách công khai, thực hiện trong thời gian dài nhiều năm; thực hiện với nhiều người. Và chính các bị hại đều khẳng định từ khoảng năm 2020 đến trước tháng 7/2022, Trang thực hiện việc mua bán rất đúng thỏa thuận, rất uy tín. Từ tháng 7/2022 Trang mới mất cân đối và không thực hiện đúng”, LS nêu quan điểm.

Bị cáo Trịnh Thu Trang tự bào chữa tại phiên toà. (Ảnh: Trung Thứ)

Bị cáo Trịnh Thu Trang tự bào chữa tại phiên toà. (Ảnh: Trung Thứ)

Cha của bị cáo có ý kiến

Theo LS An, vụ án còn một số nội dung chưa được làm sáng tỏ, một số hoạt động tố tụng quan trọng chưa được thực hiện. Vì vậy tại phiên tòa, LS kiến nghị cơ quan tố tụng cần tiến hành một số hoạt động tố tụng với tang vật của vụ án như thu giữ, định giá để xác định hậu quả mà hành vi lừa đảo gây ra; thành lập Hội đồng định giá; cần xem xét một số tài sản liên quan là tang vật trong vụ án...

“Việc truy thu tang vật của vụ án hình sự là bắt buộc; đây không chỉ là cơ sở để xác định chính xác thiệt hại nếu có, mà còn là căn cứ để áp dụng hình phạt với người phạm tội và là căn cứ để bồi thường cho bị hại trong vụ án. Nếu chưa xác định được rõ hậu quả, tức là chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự”, LS An nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Trang cũng một số lần đề nghị được đối chất, đối soát với các bị hại và những người liên quan nhưng chưa được chấp thuận đầy đủ. Theo bị cáo Trang, hồ sơ vụ án có một số mâu thuẫn về tổng tiền, hàng, về việc làm rõ đâu là quan hệ mua bán dân sự, đâu là quan hệ hình sự (nếu có). Bị cáo cho rằng không thể có hàng nhiều như vậy để giao dịch, đây là các giao dịch ảo và đề nghị làm rõ.

Là người bỏ nhiều công sức để thu thập tài liệu, bằng chứng liên quan vụ án, ông Trịnh Quang Hưng (bố bị cáo Trang) cho rằng từ tháng 10/2022, bị cáo Trang đã gửi bản sao kê ngân hàng và tổng hợp dòng tiền của mình với từng người, từng tháng đến cơ quan chức năng. Tiếp đó, ông Hưng cũng đã gửi bản tổng hợp dòng tiền của bị cáo Trang với từng người, từng ngày.

“Khi phân tích thống kê tiền đến và đi trong tài khoản của con tôi trong 2 tháng (7 - 8/2022) thể hiện từng ngày, từng người rất cụ thể. Tổng tiền chuyển đến là 115 tỷ 694 triệu đồng; tiền chuyển đi 115 tỷ 571 triệu đồng (chỉ chênh lệch 123 triệu đồng). Trong thời gian này, có 53 người, tài khoản giao dịch với con tôi. Vậy 54 tỷ đồng ai đang chiếm đoạt? Và nếu coi đây là tiền lừa đảo chiếm đoạt thì cần phải làm rõ, truy thu lại toàn bộ số tiền này theo đúng quy định pháp luật”, ông Hưng nói.

Tại phiên xử cuối tháng 5/2024 vừa qua, bị cáo Trang đã có đơn tố cáo 4 người gửi HĐXX. Cụ thể, Trang tố cáo một phụ nữ ngụ phường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) là “chủ mưu thao túng, dẫn dắt bị cáo tạo ra hậu quả như cáo trạng đã nêu”. “Bị cáo và bà này làm ăn chung, mọi việc làm bị cáo đều trao đổi, bàn bạc với bà này, sổ sách ghi chép chung, phần mềm máy điện thoại liên thông, mọi việc bị cáo làm bà này đều biết. Kể cả một số hành vi cho rằng bị cáo lừa đảo thì bà này đều biết và chính bà này là người hướng dẫn, phối hợp cùng làm với bị cáo”, bị cáo Trang trình bày tại phiên toà.

Bị cáo Trang cũng tố cáo một phụ nữ ngụ phường Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trang. Theo Trang, trong suốt quá trình làm ăn, bị cáo đã tin tưởng theo lời giới thiệu và đặt mua của bà này rất nhiều hàng với tổng số tiền khoảng 28 tỷ đồng. Trong tháng 7 và tháng 8/2022, bị cáo chuyển cho bà này hơn 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, khai tại cơ quan điều tra, bà này cho rằng chỉ giao dịch với Trang 15 chiếc túi, tương đương giá trị 5 tỷ đồng.

Bị cáo Trang cho rằng có dấu hiệu một cán bộ tiến hành tố tụng đã làm lộ, lọt thông tin điều tra cho một người phụ nữ ngụ phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội); làm sai lệch số liệu công nợ.

Đọc thêm