Vụ phá Vườn Quốc gia Yok Đôn bị "chìm xuồng"?

Thời gian gần đây, dư luận không ít xôn xao về vụ “tàn sát” rừng với quy mô lớn, có tổ chức tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (VQG), tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, đến nay vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên vẫn chưa được khởi tố và có dấu hiệu “chìm xuồng”. Vì sao?.

Thời gian gần đây, dư luận không ít xôn xao về vụ “tàn sát” rừng với quy mô lớn, có tổ chức tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (VQG), tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, đến nay vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên vẫn chưa được khởi tố và có dấu hiệu “chìm xuồng”. Vì sao?.

VQG Yok Đôn bị tàn phá

Rừng Quốc gia kêu cứu

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, VQG có diện tích 115.545ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 80.947ha. Rừng ở đây chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp. Yok Đôn là VQG duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này.

Thời gian qua Nhà nước đã thành lập, trả lương cho Ban giám đốc VQG, các Trạm và cả một lực lượng Kiểm lâm hùng hậu nhằm quản lý và bảo vệ rừng trong VQG. Thế nhưng, điều nghịch lý là tình trạng phá rừng trong VQG vẫn diễn ra như cơm bữa và ngày càng có chiều hướng gia tăng, song những người có trách nhiệm ở đây thì vẫn “bình chân như vại”.

Những ngày cuối tháng 8/2012 có dịp trở lại VQG, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh tan nát đến đau lòng của những khu rừng cấm. Tình trạng khai thác và vận chuyển các loại gỗ quý như căm xe, giáng hương, cẩm lai diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” tại địa bàn các trạm 2, 3, 6, 8 và 11 của VQG.

Chỉ tính riêng trong tháng 8/2012, hàng trăm cây gỗ quý cổ thụ tại nhiều tiểu khu do các trạm quản lý liên tục “bốc hơi”, trong đó chủ yếu là căm xe, tập trung nhiều nhất tại các trạm 3 (41 cây) trạm 2 (16 cây ) trạm 5 (24 cây) trạm 12 (18 cây)… Đáng lưu ý là công tác kiểm tra, báo cáo ngày của các trạm về VQG lại hết sức thưa thớt. Đơn cử: trạm 2 chỉ báo cáo 12/28 ngày, trạm 4 (16/28 ngày), trạm 11 (18/28 ngày) và trạm 1 là 19/28 ngày trong tháng.

Cây gỗ quý ở VQG bị đốn hạ

Theo báo cáo của VQG tính đến ngày 23/8 đã phát hiện 89 vụ vi phạm và xâm hại tài nguyên rừng, trong đó có 74 vụ không phát hiện được thủ phạm. Tổng số gỗ quý bị chặt hạ là 174 cây, trong đó có 129 cây căm xe, 21 cây giáng hương, 5 cây cẩm lai… Đáng nghi ngại hơn, trong các vụ vi phạm được phát hiện, tang vật là gỗ bị tịch thu được là rất ít, chỉ 80m3 gỗ các loại trên tổng số hàng trăm cây gỗ bị đốn hạ. Số vụ vi phạm được phát hiện là rất nhiều, song công tác xử lý vi phạm đạt rất thấp, chỉ có 9 trên tổng số 89 vụ vi phạm được xử lý!

Ngày 23/8/1012, Đoàn công tác của Cục Kiểm lâm do ông Đỗ Trọng Kim - Phó Cục trưởng - dẫn đầu đã đi “thị sát” thực tế tại Tiểu khu 477 và 484 theo dọc chiều dài khoảng 2km ở những vị trí lâm tặc khai thác gỗ trái phép đã đếm được 29 cây gỗ căm xe cổ thụ bị đốn hạ, khối lượng gỗ ước tính trên 18m3, trong đó hơn 6m3 đã bị lâm tặc mang đi.

Lâm tặc là kiểm lâm…

Dư luận địa phương cho rằng sở dĩ cho đến nay vụ “tàn sát” rừng nghiêm trọng nói trên vẫn chưa được cơ quan chức năng khởi tố vì lâm tặc phá rừng là con em của cán bộ và kiểm lâm nên phải làm ngơ, chứ nếu là thường dân thì đã khởi tố lâu rồi. Bởi lẽ tháng 10/2011, Công an huyện Buôn Đôn phát hiện 1 cây gỗ giáng hương đường kính gốc 1,1m bị lâm tặc chặt hạ tại Tiểu khu 492 VQG, tại hiện trường Công an đã thu giữ 7 lóng gỗ hương với khối lượng 7,4m3.

Sau đó vụ án đã lập tức được khởi tố và 7 đối tượng tham gia phá rừng là Trần Anh Thi, Vũ Mạnh Vương, Ngọ Văn Thuận, Trần Văn Cường, Nguyễn Văn Nam đã bị bắt, tạm giam. Cường, Vương, Nam và Thuận khai được Trần Anh Thi (nguyên cán bộ kiểm lâm VQG bị sa thải) thuê chặt gỗ và Thi đảm nhiệm việc “lo lót” để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Trọng Kim bộc bạch: “Qua đấu tranh nội bộ, lãnh đạo VQG cho biết hiện đã xác định được một số đối tượng là kiểm lâm, con em cán bộ địa phương trực tiếp phá rừng hoặc tiếp tay cho lâm tặc trong các vụ phá rừng. Đặc biệt, trong đó có một vụ phá rừng liên quan đến con trai của một cán bộ Vườn”. Ông Kim cũng thừa nhận rằng vụ phá rừng tại Tiểu khu 484 và 477 của VQG về quy mô, khối lượng đã đủ để khởi tố vụ án. Thế nhưng, không hiểu sao cho đến nay vụ phá rừng trái phép nghiêm trọng nói trên vẫn “án binh bất động”.

Ông Đỗ Trọng Kim trả lời báo chí

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan pháp luật và chính quyền tỉnh Đắk Lắk cần sớm vào cuộc, yêu cầu khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ và công khai trả lời trước công luận về vụ “thảm sát” rừng nghiêm trọng nói trên.

Theo đánh giá của các thành viên trong phái đoàn Cục Lâm nghiệp thì tình trạng phá rừng tại đây đã đến mức báo động, công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng giữa VQG với chính quyền địa phương còn hết sức lỏng lẽo, có sự đùn đẩy. Việc xử lý các vụ vi phạm chưa quyết liệt do một số cán bộ địa phương còn nể nang, sợ bị trả thù. 

Phúc Ân

Đọc thêm