Vụ sản xuất phân bón giả- có dấu hiệu hình sự hóa?

Sau khi nhận hồ sơ, tang vật, 5 tháng sau Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM mới có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Và 5 tháng sau, cơ quan này mới có kết luận, VKS có cáo trạng truy tố Lương Huệ Đạt với nhiều dấu hiệu hình sự hóa?

Sau khi Đội 3A, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM chuyển hồ sơ, tang vật, 5 tháng sau Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM mới có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Và 5 tháng sau, cơ quan này mới có kết luận, VKS có cáo trạng truy tố Lương Huệ Đạt với nhiều dấu hiệu hình sự hóa?

Vụ án

Theo Kết luận 39 ngày 16/3/2010 của Cơ quan CSĐT (CQĐT) – Công an TP HCM,khảng tháng 2/2009, Lương Huệ Đạt (địa chỉ C4/20D ấp 3, đường Lê Đình Chi, Bình Chánh) đến Cty TNHH Đại Sơn, ở 39B Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6 mua 40 tấn phân Kali và mua lại của một số người thu gom phân Kali, hàng mót vét, rơi vãi, vón cục, ẩm ướt, bị rách vỏ bao trên đường Trần Hưng Đạo, quận 7, tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ và mua thêm 10 tấn hóa chất Sulphante Natri (Na) và 20 tấn Sulphante Magne (Mg).

Sau đó, Đạt vận chuyển về nhà mình và thuê khoảng 10 nhân công pha trộn dưới sự hướng dẫn của Đạt theo tỷ lệ 80kg Kali trộn 15kg Na, 05kg Mg và đóng vào bao loại 50kg, mang nhã hiệu của Cty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ, Cty Cổ phần vật tư Nông sản tại Hà Nội và Cty Cổ phần Vinacam TP.HCM. Đạt nhận đã sản xuất phân bón giả và bán ra thị trường 5 tấn, thu 5 triệu đồng và một số lượng lớn chưa tiêu thụ được… Ngày 25/3/2010, VKSND TP.HCM có Cáo trạng số 71 truy tố Đạt về tội “Sản xuất hàng giả là phân bón” theo điểm d, khoản 2 Điều 158 BLHS - Hàng giả có số lượng lớn.

c
Đóng bao phân bón. Ảnh minh họa

Bị hình sự hóa?

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và sau hai lần hoãn, ngày 9/6/2010, TAND TP.HCM tiến hành xét xử và có Quyết định số 50/2010 trả hồ sơ vụ án cho VKSND với lý do: “Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận tại CQĐT bị cáo có khai đã bán phân Kali giả ra ngoài thị trường 5 tấn, phù hợp với nội dung Cáo trạng số 71, phù hợp với việc gia đình bị cáo nộp lại 5 triệu đồng tại Cục THADS TP.HCM tiền thu lợi bất chính do bán phân giả. Do đó, trả hồ sơ để VKS truy tố lại tội danh đúng với hành vi của bị cáo”.

Theo Luật sư bào chữa cho bị cáo, CQĐT chỉ dựa vào những thông tin thu thập theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, biên bản kiểm tra hành chính mà không theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) và Pháp lệnh Điều tra hình sự để xem xét. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất của Đạt có phiếu thử nghiệm mẫu phân bón và là hàng hóa bán thành phẩm trong quá trình thử nghiệm.Việc phát hiện, kiểm tra hành chính ngay tại kho hàng của Đạt là lần đầu. CQĐT chưa chứng minh được 5 tấn phân Kali Đạt sản xuất gây nguy hại trực tiếp cho các loại giống cây trồng, đặc biệt là bà con nông dân và những người tiêu dùng khác cũng như ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh, xâm phạm quyền được bảo hộ hợp pháp của ba công ty trên. CQĐT cũng không xác định được người mua và sản phẩm của Đạt chưa hề có mặt trên thị trường, do đó không thể cho rằng việc sản xuất phân bón giả của Đạt bán ra thị trường để thu lời bất chính? 

Việc CQĐT chỉ căn cứ vào kết quả kiểm tra hành chính rồi suy diễn theo hướng bất lợi cho người vi phạm, để đề nghị truy tố Đạt theo điểm d, khoản 2, điều 158 BLHS là chưa chính xác; bởi các cơ quan nhà nước, pháp luật chưa có văn bản hướng dẫn xử lý tội sản xuất hành giả là phân bón “số lượng lớn” là bao nhiêu?

Lương Huệ Đạt đang bị giam trên 7 tháng. Dư luận đang chờ đợi một phán quyết công bằng của các cơ quan tố tụng TP.HCM.

PV

Đọc thêm