Vụ “siêu lừa” chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng: “Đại gia” nói mình không bị Hà Thành lừa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 11/3, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo khác trong vụ chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng tại ngân hàng N, V và P tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

26 bị cáo bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Trong đó có 17 người là cựu cán bộ, nhân viên của 3 ngân hàng. Sau bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) khai khi nhận các sổ tiết kiệm, bị cáo đã sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho việc vay thế chấp. Lúc đó, bị cáo không nói với ông Toàn về việc sẽ mang sổ đi thế chấp, mà nghĩ rằng vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) biết việc này.

Ngoài ra, Hà Thành cho rằng mình đã trả cả tiền gốc và lãi cho ông Toàn với tổng số tiền khoảng 80 tỉ đồng, gồm trả bằng tiền mặt lẫn chuyển khoản.

Trong khi đó, ông Đặng Nghĩa Toàn phủ nhận toàn bộ lời khai trên của Hà Thành. Theo ông Toàn, trong một số lần gặp nhau, ông thường thấy Thành xuất hiện tại các chi nhánh ngân hàng.

Ông Toàn nói tại Ngân hàng V, ông thấy Thành đi lại như một lãnh đạo, chỉ đạo mọi người thu tiền nên ông nghĩ Thành có thể là một lãnh đạo của ngân hàng. Thành còn nói với ông Toàn rằng bản thân có quan hệ xã giao với ngân hàng, nhưng không giới thiệu là nhân viên ngân hàng nào.

Nói về việc giao dịch với bị cáo Thành, ông Toàn cho biết việc đưa sổ cho Thành không phải là một giao dịch. Ông Toàn khẳng định mình không bị Thành lừa, bởi theo ông, tiền trong sổ tiết kiệm rất khó mất, do khâu kiểm soát của ngân hàng rất chặt chẽ.

Ông Toàn còn khai sau khi xảy ra vụ án, ông đã đến các ngân hàng N, P và V với mục đích lấy hồ sơ. Lúc đó, các ngân hàng này đều cam kết sau khi có giám định chữ ký để xác định hồ sơ bị giả chữ ký thì sẽ trả tiền.

Ông Toàn nói mình rất tin tưởng các ngân hàng. “Tiền trong sổ tiết kiệm khó tác động được, ngoài ra còn có tin nhắn báo biến động số dư. Điều quan trọng là tôi gửi tiền vào ngân hàng theo đúng quy trình, để từ lúc đó, ngân hàng có trách nhiệm quản lý số tiền cho tôi”, ông Toàn nói tại tòa.

Sau đó, ông Toàn khẳng định bản thân chưa nhận được 80 tỉ đồng từ bị cáo Thành.

Trước đó, bị cáo Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên cao cấp, Trung tâm giao dịch của Ngân hàng N) khai cho Hà Thành vay theo hình thức thế chấp nên chỉ cần thẩm định tài sản thế chấp đó một lần, các lần sau, Trung không thẩm định lại, cứ thế ký. Và theo lời bị cáo này, đó là quy định của ngân hàng nên mình không làm sai.

Trung thậm chí không đi gặp chủ tài sản thế chấp (vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn) để xác nhận họ có muốn dùng tài sản (sổ tiết kiệm 50 tỷ đồng) của mình để chấp hay không, cũng không nắm thông tin công ty “sân sau” của Hà Thành (Eurocell) đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã ngừng hoạt động.

Và theo cáo trạng, Trần Thị Hoa (cựu phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng N, sếp của bị cáo Trung) khi được Trung trình duyệt cấp tín dụng cho công ty của Hà Thành vay, cũng không kiểm tra, phát hiện. Bà Hoa còn đốc thúc Trung liên hệ ngay quầy giao dịch, mở tài khoản cho Eurocell để giao dịch.

Bị cáo cho rằng mình chỉ có lỗi trong việc không phát hiện ra công ty Eurocell của Hà Thành đã ngừng hoạt động, không vi phạm quy định hoạt động của ngân hàng, xin tòa xét lại tội danh. Bên cạnh đó, bị cáo Trung còn đề nghị HĐXX xem xét lại quan hệ vay mượn giữa ông Toàn và Hà Thành, để làm rõ ông Toàn có biết việc sổ tiết kiệm của mình sẽ được Thành mang thế chấp, có sự đồng phạm hay không.

Trước lời đề nghị trên của bị cáo, chủ tọa cho biết HĐXX đã trả hồ sơ mấy lần. Sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã làm rõ, ông Toàn không biết và không đồng ý việc Hà Thành mang sổ tiết kiệm của ông đi lừa đảo.

Bị cáo Đỗ Minh Đức (Giám đốc phát triển khách hàng miền Bắc, Ngân hàng P) thì có lời khai mâu thuẫn với cấp dưới Bùi Văn Tuấn (chuyên viên phát triển khách hàng).

Theo lời khai của Đức, khi khách hàng Hà Thành muốn làm hồ sơ vay vốn từ sổ tiết kiệm 52 tỷ đồng của ông Toàn gửi tại ngân hàng, Đức đã giao cho Tuấn đi gặp ông Toàn để xác minh. Đức khai không hề biết việc Tuấn không gặp được ông Toàn, không biết việc Tuấn để Hà Thành giả mạo chữ kỹ ông Toàn trong hồ sơ, ký duyệt do tin tưởng cấp dưới, thấy hồ sơ đầy đủ.

Trong khi đó, Tuấn khẳng định đã báo cáo sếp Đức việc trên và được Đức đồng ý.

Quá trình khai báo, bị cáo Đức cho rằng mình chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, không phải tội “Vi phạm quy định, về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Theo cáo trạng, qua các quan hệ xã hội, Nguyễn Thị Hà Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn để gửi đồng sở hữu với Thành. Nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, Thành thỏa thuận với nhân viên Ngân hàng V ngoài phát hành sổ tiết kiệm theo quy định, còn phát hành thêm Hợp đồng tiền gửi để đưa cho người đồng sở hữu, còn Thành sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo, ký giả chữ ký người đồng chủ sở hữu trong bộ hồ sơ vay vốn để vay tiền từ V.

Bằng thủ đoạn như trên, Thành cùng các đồng phạm đã nhiều lần thực hiện các hành vi vay, đảo nợ, lừa đảo chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng N, V, P và các cá nhân khác nhau.

Cơ quan chức năng xác định Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm đã cấu kết với nhiều cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của Ngân hàng N, V, P.

Đọc thêm