Trước đó, trong phần luận tội Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cáo buộc bị cáo Trang (công tác tại Đội Đăng ký, quản lý phương tiện thuộc Phòng PC67 Công an tỉnh Khánh Hòa) được giao nhiệm vụ thu tiền phí, lệ phí đăng ký biển số xe mô tô, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chiếm đoạt của ngân sách nhà nước số tiền 2.069.000.000 đồng và đề nghị xử phạt Trang từ 15 đến 16 năm tù (theo khoản 4 Điều 278 BLHS) và bồi thường cho Nhà nước số tiền trên.
Tuy nhiên, theo HĐXX tại phiên tòa bị cáo Trang chỉ thừa nhận hành vi chiếm đoạt tài sản là số tiền thu lệ phí đăng ký xe môtô của 151 trường hợp chủ phương tiện đăng ký với số tiền chiếm đoạt là 30.200.000 đồng, tức 151 xe môtô/ 9.473 xe môtô, còn lại 9.322 xe bị cáo không thừa nhận hành vi đã chiếm đoạt.
Qua lời trình bày của bị cáo và người bào chữa cho bị cáo, HĐXX nhận định, đây là vụ án tham ô tài sản nên một trong những dấu hiệu của hành vi khách quan của tội phạm phải có yếu tố chiếm đoạt tài sản và thiệt hại về tài sản. Việc xác định có thiệt hại thực tế hay không phải dựa vào kết luận giám định tài chính của cơ quan chuyên môn. Trong vụ án này, kết luận giám định xác định bị cáo có hành vi thu thiếu số tiền thu phí, lệ phí đối với 9.473 xe môtô, tương ứng với số tiền là 2.069.000.000 đồng.
HĐXX thấy rằng trong tổng số 9.473 xe môtô đăng ký đã thu phí, lệ phí thì có 151 xe đăng ký, cơ quan CSĐT thu giữ được biên lai thu lệ phí liên 2 màu đỏ. Qua kết quả điều tra và xét hỏi tại phiên tòa đã chứng minh được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu phí, lệ phí đăng ký xe mô tô, bị cáo Trang đã dùng thủ đoạn gian dối, cố ý viết sai lệch dấu cắt lên biên lai thu phí, lệ phí để nộp vào ngân sách ít hơn số tiền mà Trang thực thu của 151 chủ phương tiện.
Cụ thể là số tiền Trang thu thực tế của mỗi chủ phương tiện thể hiện trên liên 2 của biên lai thu phí, lệ phí giao cho chủ phương tiện là 400.000 đồng, nhưng trên liên 1 và liên 3 của biên lai Trang ghi số tiền thu lệ phí của chủ phương tiện là 200.000 đồng và nộp vào ngân sách nhà nước theo số tiền ghi trên liên 1 và liên 3, thông qua đó Trang đã chiếm đoạt số tiền chênh lệch là 200.000 đồng/1 biên lai thu phí, lệ phí đăng ký xe mô tô.
Số tiền này Trang khai đã đưa hết cho bà Phạm Thị Ngọc Khánh, nguyên Đội phó Đội Đăng ký, quản lý phương tiện nhưng bà Khánh đã không thừa nhận. Bản thân Trang cũng không có tài liệu gì để chứng minh, cơ quan điều tra cũng không thu thập được chứng cứ để chứng minh. Vì vậy, bị cáo Trang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền đã chiếm đoạt này. Lời khai nhận tội của bị cáo đối với 151 biên lai thu lệ phí được hoàn toàn phù hợp với vật chứng thu giữ được thể hiện trong hồ sơ, phù hợp với kết luận của giám định tài chính đã đủ cơ sở để chứng minh bị cáo Trang đã chiếm đoạt số tiền thu phí, lệ phí là 30.200.000 đồng.
Ngoài ra, việc cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được bị cáo có hành vi chiếm đoạt số tiền thu phí, lệ phí đối với số xe đăng ký 9.322 chiếc do không thu được biên lai liên 2 để đối chiếu với liên 1 và liên 3 nhưng kết quả giám định cho thấy có việc thu sai, thu thiếu nên thất thoát cho tài sản của Nhà nước thì phải xem xét trách nhiệm hình sự của những cá nhân có liên quan trong vụ án này. Về vấn đề này, Tòa án đã nhiều lần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ nhưng cơ quan điều tra và viện kiểm sát không thực hiện.
Trước đó, vào tháng 8/2014, TAND TP Nha Trang xét xử sơ thẩm (lần 1) vụ án này, đã phạt Trang tổng cộng 14 năm tù, trong đó 3 năm tù về tội “Tham ô” 41,6 triệu đồng, 11 năm tù tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Trang kháng cáo kêu oan tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đồng thời xin giảm án tội “Tham ô”.
Xử phúc thẩm vào ngày15/5/2015, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Lần này, Trang chỉ bị truy tố tội tham ô. Đối với hành vi thiếu trách nhiệm của chỉ huy đội đăng ký, quản lý phương tiện và lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa, cáo trạng cho hay cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra và xử lý sau.