Vụ tranh chấp nhà 194 Phố Huế: UBND quận gây khó dễ người dân

Pháp luật có quy định phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua trúng đấu giá tài sản nhưng hơn 4 năm qua, chủ sở hữu nhà 194 phố Huế liên tục bị “hành” bởi các cơ quan có trách nhiệm thay vì được bảo vệ bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Pháp luật có quy định phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua trúng đấu giá tài sản nhưng hơn 4 năm qua, chủ sở hữu nhà 194 phố Huế liên tục bị “hành” bởi các cơ quan có trách nhiệm thay vì được bảo vệ bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Ông Đặng Văn Thoán là người sở hữu ngôi nhà 194 phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kể từ khi mua thành công ngôi nhà trong phiên bán đấu giá tài sản thi hành án do Cty CP bán đấu giá Hà Nội tổ chức ngày 28/9/2009. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 4 năm, ông Thoán chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà mà liên tiếp những “sóng gió” cứ đeo đẳng, uy hiếp quyền sở hữu hợp pháp của ông đối với tài sản này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu tiên là việc chủ cũ của căn nhà không chịu bàn giao tài sản đã bán đấu giá cho người trúng đấu giá dẫn đến việc ngày 7/7/2011, Cơ quan thi hành án phải có quyết định cưỡng chế bàn giao tài sản. Tưởng chừng mọi việc sẽ êm xuôi tại đây nhưng chỉ vài ngày sau đó, chủ cũ căn nhà đã “tái chiếm” lại tài sản khiến cho Công an quận Hai Bà Trưng phải cưỡng chế thu hồi tài sản chiếm giữ trái phép. Tiếp đó, VKSND tối cao kháng nghị Quyết định công nhận hoàn giải thành đã được thi hành của TAND TP Hà Nội (Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM) để xét xử lại.

Những rủi ro liên tiếp kéo dài cho đến ngày 29/9/2011 khi phiên tòa xét xử tranh chấp kinh doanh thương mại giữa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với Cty Bắc Sơn được mở lại. Tại phiên tòa này, TAND TP Hà Nội xác định, Tòa không xem xét lại việc bán đấu giá thì gia đình ông Đặng Văn Thoán và bác yêu cầu đòi nhà của chủ cũ. Lúc này quyền sở hữu hợp pháp của gia đình ông Thoán được xác lập bằng việc mua đấu giá ngay tình mới được bảo vệ. Sau phiên tòa, gia đình ông Thoán hy vọng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, chấm dứt nhiều năm bị cuốn vào vòng tố tụng cùng với chủ cũ của căn nhà.

Thế nhưng chưa hết, tháng 10/2011, Cục Điều tra của VKSNDTC lại khởi tố vụ án “Ra quyết định trái pháp luật” để xem xét trách nhiệm của người đã ra quyết định cưỡng chế bàn giao tài sản bán đấu giá. Cùng với việc khởi tố vụ án, Cục Điều tra cũng yêu cầu dừng việc cấp “sổ đỏ, sổ hồng” cho gia đình ông Thoán và giữa nguyên hiện trạng nhà 194 phố Huế khiến cho việc sở hữu căn nhà lại bị thử thách và tiếp tục phải đối mặt với “sóng gió” tố tụng.

Song, cũng may là pháp luật đã quy định rõ ràng về việc phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua ngay tình trong các vụ việc bán đấu giá tài sản. Hơn nữa, Cơ quan điều tra VKSNDTC cũng không có thẩm quyền xem xét lại việc bán đấu giá tài sản. Vì vậy, ngày 1/11/2012, Cục Điều tra VKSNDTC đã có văn bản chính thức trả lời ông Đặng Văn Thoán về việc  không xem xét việc mua nhà do trúng đấu giá của ông và ông có thể liên lạc với cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

Sự việc đến đây đã sáng tỏ trắng đen và quyền sở hữu của ông Thoán đối với ngôi nhà đã được khẳng định chắc chắn nên ông Đặng Văn Thoán đã làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà gửi đến UBND quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, đã gần nửa năm qua, UBND quận Hai Bà Trưng không thực hiện việc cấp sổ đỏ cho ông Đặng Văn Thoán. Lý giải cho sự chậm chễ  này, UBND quận Hai Bà Trưng viện cớ phải “hỏi” VKSNDTC vì sợ ngôi nhà “liên quan đến vụ án”.

Nhưng, lý do nêu trên rõ ràng là không thuyết phục. Vì, trong những lần giải quyết tranh chấp gần đây nhất, Tòa án đã kết luận không xem xét lại việc mua tài sản qua đấu giá. Bản thân VKSNDTC cũng trả lời tương tự như vậy đối với ông Đặng Văn Thoán từ ngày 1/11/2012. Vậy, UBND quận Hai Bà Trưng còn phải “hỏi” cơ quan nào nữa thì mới cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho ông Đặng Văn Thoán hay vì e ngại trách nhiệm mà đẩy khó dễ về phía người dân?

Pháp luật về bán đấu giá đã quy định rất rõ ràng, người mua tài sản được bảo vệ. Nhưng, với những hành xử của các cơ quan có trách nhiệm thì người mua đấu giá tài sản  không được được bảo vệ mà chỉ bị làm khó.

Luật sư Trần Việt Hùng, VPLS Trí Việt:

Đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất

Bộ luật Dân sự quy định tại Điều 138 và Điều 258 đã xác định, người mua trúng đấu giá tài sản được bảo vệ quyền sở hữu. Chủ sở hữu của tài sản đã bán đấu giá không có quyền đòi lại tài sản, trừ trường hợp việc bán đấu giá là bất hợp pháp. Trong vụ việc này, việc bán đấu giá là hợp pháp và Tòa án đã không xem xét lại việc bán đấu giá. Do đó, quyền sở hữu đối với tài sản của người mua trúng đấu giá là không thể bị nghi ngờ hay xem xét lại.

Theo quy định tại Điều 7, 8 Nghị định 88/2009/NĐ-CP về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người mua trúng đấu giá tài sản hoàn toàn đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Đối với ngôi nhà 194 phố Huế, tôi cho rằng, ngoài hồ sơ trúng đấu giá, việc mua bán đã được Tòa án xem xét và bác yêu cầu đòi nhà của chủ sở hữu trước đây và khẳng định không xem xét lại việc bán đấu giá. Do đó, về mặt hồ sơ, giấy tờ của chủ sở hữu hiện nay là đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

Bình Minh

Đọc thêm