Vụ “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” tại Ninh Bình: Ngân hàng Nhà nước và Co-opBank đều từ chối giám định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - VKSND tỉnh Ninh Bình vừa có cáo trạng truy tố 5 đối tượng nguyên là cán bộ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, chi nhánh Ninh Bình (Co-opBank Ninh Bình) về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”.
 Vụ án phát sinh từ vụ Hằng và một số bị cáo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để “qua mặt” cơ quan quản lý.
Vụ án phát sinh từ vụ Hằng và một số bị cáo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để “qua mặt” cơ quan quản lý.

Vụ án phát sinh từ vụ “lừa đảo” tại Quỹ tín dụng Me

Các đối tượng trong vụ án này là Đặng Văn Quang (SN 1964, nguyên Giám đốc Co-opBank Ninh Bình), Trần Xuân Thành (SN 1976); Đinh Minh Tiến (đều là nguyên Trưởng phòng Tín dụng thành viên Co-opBank Ninh Bình), Nguyễn Ngọc Việt (SN 1981, nguyên Phó Phòng Tín dụng & Chăm sóc khách hàng Co-opBank Ninh Bình), Nguyễn Văn Quyền (SN 1986, nguyên cán bộ Phòng Tín dụng & Chăm sóc khách hàng Co-opBank Ninh Bình).

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2019, các đối tượng trên biết rõ hồ sơ xin vay nguồn vốn mở rộng tín dụng, nguồn vốn cho vay hỗ trợ khả năng chi trả và nguồn vốn cho vay dự án quốc tế của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Me (QTD Me) không đáp ứng quy định của pháp luật về cho vay; nhưng vẫn cố ý thực hiện không đúng việc thẩm định hồ sơ vay, đề xuất, phê duyệt cấp tín dụng cho QTD Me vay vốn.

Sau khi giải ngân, các đối tượng đã không thực hiện kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc việc sử dụng vốn vay của QTD Me với các khoản tiền đã cho vay. Điều này dẫn đến việc QTD Me có nhiều hành vi sai phạm về kế toán - tài chính, tín dụng - ngân hàng, để Nguyễn Thị Thu Hằng (Chủ tịch HĐQT QTD Me) chi đạo nhân viên rút tiền chiếm đoạt cá nhân và sử dụng sai mục đích, dẫn đến hậu quả Quỹ mất khả năng thanh toán cho Co-opBank Ninh Bình hơn 47,8 tỷ đồng.

Liên quan đến việc sai phạm tại QTD Me nêu trên, Hằng và một số bị cáo khác đã bị Tòa tuyên phạt về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; bị buộc phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt.

Cho rằng hoạt động nghiệp vụ của mình không liên quan đến việc chiếm đoạt tiền của Hằng trong vụ án trước, một số người đã có đơn cho rằng bản thân đã làm đúng chức trách, thẩm quyền, nhiệm vụ được giao trong quá trình thẩm định, đề xuất cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay với 32 hợp đồng tín dụng (HĐTD) mà Co-opBank Ninh Bình cho QTD Me vay. Theo họ, đây thực chất là hoạt động “điều hòa” vốn giữa Co-opBank Ninh Bình cho QTD Me (là tổ chức tín dụng thành viên) nên có những quy định đặc thù, không giống cho khách hàng vay thông thường.

Tại các bản án đã có hiệu lực pháp luật, bị án Hằng được cho là đã thiết lập 2 hệ thống chứng từ kế toán để đối phó khi bị thanh, kiểm tra và “qua mặt” cơ quan quản lý rồi rút tiền của Quỹ. Tòa cũng khẳng định Hằng dùng thủ đoạn gian dối, chỉ đạo cấp dưới lập khống và tất toán khống hồ sơ tín dụng để chiếm đoạt tiền. Các hành vi này chỉ bị phát hiện khi CQĐT vào cuộc, khôi phục dữ liệu máy tính hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác.

Với nhận định quan điểm nêu tại các bản án đã có hiệu lực, các bị can cho rằng mình cũng chỉ là “nạn nhân” của Hằng, bị Hằng dùng các thủ đoạn gian dối một cách tinh vi để “qua mặt”; không có việc các bị can cố tình bỏ qua các nghiệp vụ để Hằng lợi dụng chiếm đoạt tiền.

Hơn nữa, theo Quy chế điều hòa vốn của Co-opBank, thì Hằng và QTD Me có nghĩa vụ sử dụng vốn vay từ Co-opBank Ninh Bình đúng mục đích và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những thỏa thuận về trả nợ vay và các nội dung đã cam kết trong HĐTD.

Cơ quan giám định “bó tay”

Để làm rõ các chứng cứ buộc tội, CQĐT Công an Ninh Bình đã từng trưng cầu giám định làm rõ việc 32 HĐTD mà Co-opBank Ninh Bình cho QTD Me có đảm bảo điều kiện xét tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Co-opBank không? Thiệt hại từ việc Co-opBank Ninh Bình cho QTD Me đối với 32 HĐTD?

Tuy nhiên, cả 3 nội dung trên đều không được NHNN giám định vì “không thuộc quy chuẩn chuyên môn”, “không có căn cứ chuyên môn”, hoặc “không thuộc phạm vi giám định”.

Còn NHNN Chi nhánh Ninh Bình thì nêu rõ tại Kết luận giám định (KLGĐ) rằng, hoạt động chủ yếu của “Quy chế điều hòa vốn được phổ biến và áp dụng với tất cả các QTD nhân dân và là quy định nội bộ của Co-opBank; phạm vi điều chỉnh của Quy chế là quy định việc nhận tiền gửi và cho vay bằng đồng Việt Nam của Co-opBank với QTD nhân dân thành viên. Do đó, 32 HĐTD mà Co-opBank Ninh Bình cho QTD Me vay vốn được thực hiện theo trình tự, thủ tục tại các quy định nội bộ của Co-opBank”; “NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình chưa đủ để kết luận quá trình thẩm định, đề xuất, phê duyệt, ký kết, kiểm tra việc thực hiện có đảm bảo điều kiện xét tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay theo quy định của NHNN hay không”.

Trong khi đó, khi được trưng cầu giám định, Co-opBank cũng có văn bản cho biết “không đủ thẩm quyền và điều kiện để thực hiện giám định”.

Như vậy, cho đến nay, cả 3 cơ quan được CQĐT trưng cầu đều không đưa ra được kết luận về việc các bị can đã vi phạm quy định về điều kiện xét tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay như thế nào, cũng không kết luận được về thiệt hại của Co-opBank Ninh Bình từ 32 HĐTD trên.

Tuy nhiên, VKS vẫn có quan điểm các đối tượng đã vi phạm về “điều kiện cấp tín dụng”, gây thiệt hại cho Co-opBank Ninh Bình 47,8 tỷ.

Nói về nội dung này, các bị can cho rằng, số dư nợ hơn 47,8 tỷ đồng của QTD Me với Co-opBank Ninh Bình không là thiệt hại của vụ án; bởi QTD Me đã có ban lãnh đạo mới và vẫn tiếp tục hoạt động, có khả năng kinh doanh, tạo ra doanh thu để chi trả số dư nợ còn lại; không thể coi QTD Me đã mất khả năng thanh toán. Năm 2021, Chủ tịch QTD Me đã có văn bản gửi CQĐT cam kết sẽ dùng các nguồn thu của Quỹ để trả nợ vay cho Co-opBank Ninh Bình trong 5 năm. Hơn nữa, trách nhiệm bồi thường của Hằng và các đồng phạm với QTD Me cũng đang được Cơ quan THADS thực hiện theo bản án, nên không thể coi là “mất trắng”.

Về vấn đề “điều kiện cấp tín dụng”, các bị can cho rằng, các HĐTD mà VKS cáo buộc nằm trong hoạt động “điều hòa vốn” của Co-opBank với các thành viên. Vì vậy, cần đối chiếu với Điều 10 (Điều kiện vay vốn) của Quy chế điều hòa vốn 177/QC-HĐQT và số 717/2016/QC-NHHT của Co-opBank để xác định đúng - sai khi xét duyệt điều kiện cấp tín dụng (theo đúng quan điểm của NHNN Chi nhánh Ninh Bình nêu tại KLGĐ rằng “32 HĐTD mà Co-opBank Ninh Bình cho QTD Me vay vốn được thực hiện theo trình tự, thủ tục tại các quy định nội bộ của Co-opBank”). Tuy nhiên, cả Kết luận điều tra và Cáo trạng đều không đề cập tới Điều 10 Quy chế nội bộ trên.

Được biết, TAND tỉnh Ninh Bình đã có kế hoạch đưa vụ án ra xét xử vào giữa tháng 4/2023.

Đọc thêm