Vụ việc chiếm đất kéo dài hơn 20 năm tại Bình Thuận: Các bên mong muốn sự việc sớm được giải quyết dứt điểm

(PLVN) - Quá trình giải quyết tại tòa tỉnh, hai bên thỏa thuận chia đôi diện tích đất cùng cây trái trên đất. Tuy nhiên quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự sau đó đã bị hủy.
Khu đất tranh chấp hơn 20 năm qua. (Ảnh: Khánh Toàn)

Bị chiếm đất khi về quê nuôi cha bị bệnh

Theo Văn bản 966/UBND-NC ngày 14/9/2009 của UBND huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), thì ông Mai Văn Tự (69 tuổi, ngụ thị trấn Đức Tài) có đơn đề nghị huyện giải quyết việc mình bị chiếm đất. Theo đơn ngày 31/12/2008, ông Tự trình bày ông Đinh Văn Thao (ngụ thôn 2, xã Trà Tân) chiếm dụng hơn 7ha đất sản xuất của ông từ 2001 (trước thuộc Tiểu khu 409A, nay thuộc thửa 40, 41, 42, 43 tờ bản đồ 08D thôn Nam Hà, xã Đông Hà).

Tại biên bản ngày 13/4/2009 do Phòng TN&MT chủ trì (có sự tham gia của lãnh đạo UBND hai xã Đông Hà và Trà Tân) cho thấy, ông Tự (trước đây là người của Lâm trường I Đức Linh) được lâm trường ký hợp đồng kinh tế năm 1994. Ông Tự được giao 5ha đất rừng (Tiểu khu 409A) thời hạn 40 năm, có thể hiện bằng sơ đồ, biên bản kiểm tra hiện trường do lâm trường lập. Năm 1997, lâm trường giải thể, đất rừng giao cho Cty Cao su Đức Linh quản lý, ông Tự làm đơn xin thêm 2ha cạnh phần đất hiện hữu và được đồng ý. Ông Tự khai hoang phục hóa, trồng điều, keo, chuối…

Văn bản 966 xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của ông Tự cho thấy, bà Đoàn Thị Tân đã làm giấy, xác nhận đầu 2000, ông Tự phải về Đà Nẵng nuôi cha bị tai nạn liệt giường. Trước khi đi, ông Tự nhờ bà Tân quản lý toàn bộ khu đất và tài sản; đổi lại cho bà Tân mượn tạm đất canh tác. Tuy nhiên, khi ông Tự đi vắng, ông Thao qua chặt phá, cày ủi hoa màu trên đất. Đến cuối 2000, ông Tự về trở về mới biết được sự việc, nên có đơn.

Biên bản ngày 13/4/2009 cũng thể hiện, năm 2000, ông Thao phát rừng chồi, năm 2001 cày ủi và trồng điều. UBND xã Trà Tân (lúc này phần đất xã Trà Tân quản lý) xác nhận, trước 2003 có nhận được đơn của ông Tự, nhưng phần đất tranh chấp thuộc quyền huyện quản lý, xã không có thẩm quyền giải quyết.

Theo Văn bản 966, đầu năm 2000, ông Thao thấy có phần đất trống (của ông Tự) nên phục hóa và sử dụng, diện tích khoảng 4,5ha. Ông Thao canh tác đến 2005, đăng ký xin UBND xã xét cấp sổ đỏ (lúc này phần đất tranh chấp thuộc xã Đông Hà quản lý).

Trong khi vụ khiếu nại đòi đất chưa giải quyết xong, diện tích tranh chấp đã được cấp sổ đỏ. Trong hồ sơ, UBND xã Đông Hà xác nhận ông Thao khai phá từ 1996. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (SDĐ) huyện thẩm tra với nội dung “đất hiện sử dụng ổn định, không tranh chấp”. Phòng TN&MT huyện làm tờ trình gửi UBND huyện. Ngày 30/12/2005, ông Thao được huyện cấp 4 sổ đỏ.

Trước việc ông Tự nhiều năm khiếu nại đòi đất, UBND huyện chỉ đạo Phòng TN&MT, UBND xã Đông Hà giải quyết dứt điểm. Văn bản 966 xác định, về nguồn gốc đất, ông Tự là người SDĐ hợp pháp. Việc ông Tự bỏ hoang đất là có lý do chính đáng, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn (nuôi cha bị tai nạn phải điều trị dài ngày, con bị chết đuối sau đó).

Do ông Tự bỏ hoang, không trực tiếp SDĐ liên tục nhiều năm, để ông Thao vào chiếm và phục hóa sản xuất.

Ông Tự và người vợ bệnh nặng nằm liệt giường mong muốn vụ kiện sớm được giải quyết dứt điểm. (Ảnh: Khánh Toàn)

Hai bên đương sự đồng ý “cưa đôi”

Văn bản 966 khẳng định, năm 2000 ông Thao chiếm, SDĐ của ông Tự là trái phép. Tuy nhiên, do ông Thao đã bỏ công phục hóa và có quá trình đầu tư, SDĐ ổn định, lâu dài, nên đã được UBND huyện cấp sổ đỏ. Thực tế, ông Thao đã thừa hưởng không có căn cứ pháp luật công sức đầu tư khai hoang ban đầu của ông Tự. Nếu ông Thao không có sự hỗ trợ lại công sức đầu tư khai hoang ban đầu cho ông Tự là không có tình, không có lý.

Để đảm bảo lợi ích hài hòa hai bên, bảo vệ một phần lợi ích hợp pháp của ông Tự, UBND huyện trong Văn bản 966 đề nghị hai bên thống nhất theo hướng ông Thao hỗ trợ lại công khai hoang, đầu tư trên đất ban đầu cho ông Tự với mức giá cụ thể (số tiền/ha) tương ứng diện tích thực tế ông Thao chiếm của ông Tự trước đây.

Do hai bên không thể thống nhất mức giá bồi thường, năm 2019, ông Tự khởi kiện ông Thao ra tòa.

Theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự 02/2020/QDDST-DS ngày 7/5/2020 của TAND tỉnh, ông Thao đồng ý giao trả ông Tự một nửa diện tích đất thực tế (hơn 3,5ha/hơn 7ha) cùng cây trái trên đất. Việc xác định ranh giới vị trí đất do hai bên tự thỏa thuận. HĐXX yêu cầu hai bên liên hệ cơ quan nhà nước làm thủ tục thay đổi chỉnh lý, điều chỉnh biến động quyền SDĐ.

Tuy nhiên Quyết định 02 bị kháng nghị giám đốc thẩm và hủy. Theo Quyết định giám đốc thẩm 259/2022/DS-GĐT của TAND cấp cao tại TP HCM, diện tích đất tranh chấp được cấp sổ đỏ cho ông Thao và vợ, là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, tại phiên hòa giải (để làm cơ sở ban hành QĐ02) của TAND Bình Thuận chỉ có ông Tự ông Thao, không có mặt hay ý kiến bằng văn bản của vợ ông Thao. Mặt khác, UBND huyện (bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) cũng vắng mặt. Vì vậy, QĐ02 vi phạm tố tụng.

Về nội dung, QĐ02 không xác định diện tích, vị trí, ranh giới cụ thể một nửa đất được chia nên không thể thi hành án được. Vụ án được giao lại TAND Bình Thuận xét xử lại từ đầu.

Giữa 2023, vụ kiện bị tạm đình chỉ vì lý do cần đợi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện cung cấp thông tin liên quan diện tích đất tranh chấp. Ngày 13/5/2024, tòa đã có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.

Luật sư (LS) Nguyễn Tiến Hiểu (Đoàn LS TP HCM) cho biết, theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thông thường, với các vụ án, thời hạn xét xử là 4 tháng kể từ ngày thụ lý (trừ các vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc có yếu tố nước ngoài). Với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng. Như vậy, dự kiến vụ kiện sẽ phải được đưa ra xét xử vào tháng 11/2024. Các bên trong vụ kiện đều mong muốn sự việc sẽ sớm được giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm