Vừa có lúa, vừa có cá tôm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù luật pháp đã có những quy định rõ ràng cấm hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đảm bảo thực hiện theo đúng nội dung đề án đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; nhưng tình trạng nông dân “cải tạo” đất lúa chuyển sang nuôi tôm cá vẫn ồ ạt diễn ra tại một số địa phương.  
Hình minh họa
Hình minh họa

Chỉ riêng tại tỉnh Long An, tình trạng bỏ lúa đào ao tự phát nuôi cá tra giống diễn ra từ 4 năm trước, thời gian “cao điểm” nhất toàn tỉnh có tổng cộng trên 3.500 ha. 

Diễn ra thực tế này, nguyên nhân chính vì nông dân nhận thấy trồng lúa không mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó nếu nuôi tôm thẻ chân trắng hay cá tra, lợi nhuận thu được có thể cao gấp đến 50 lần.

Đến nay, sau khi ăn “trái đắng” vì nhà nhà người người đổ xô đi nuôi tôm cá, khiến sản phẩm mất giá, thua lỗ, thậm chí nhiều hộ phá sản, nhiều diện tích lại được “trả lại tên cho em”. Đến nay, tại Long An, diện tích nuôi cá tra giống giảm 1.900 ha, còn khoảng hơn 1.400 ha. Trong đó, 1.000 ha diện tích ao được lấp, trả lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa, sen, cây ăn quả hoặc nuôi thủy sản khác như cá rô, cá trê, tôm thẻ chân trắng; khoảng 885 ha vẫn còn giữ lại ao nhưng không tiếp tục nuôi vì thua lỗ.

Vấn đề đặt ra ở đây, tại sao luật đã có, nhưng cơ quan chức năng tuyên truyền xử lý ra sao mà nông dân vẫn ồ ạt tự ý chuyển mục đích đất trồng lúa như vậy?

Theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, phạt từ 3-250 triệu đồng với hành vi tự ý chuyển mục đích lúa diện tích từ 100m2 trở lên. Theo Điều 228 BLHS “tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”: “Người nào sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai (…) có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm”.

Vì sao các quy định pháp luật nêu trên đã không đi vào thực tế ở các địa phương này?

Chủ tịch UBND một xã cho biết, tình trạng người dân chuyển đất lúa sang nuôi cá tôm trái phép xuất hiện nhiều năm nay. Khi phát hiện ao nuôi trái phép, UBND xã đình chỉ, nếu không chấp hành sẽ báo cáo cấp huyện xử phạt. Do mức phạt hiện quá thấp, cao nhất một hộ vi phạm chỉ khoảng 30 triệu đồng, so với siêu lợi nhuận từ vụ tôm cá, nên đa số người dân đều chấp nhận nộp phạt, cấm ban ngày, họ lén cho máy múc ban đêm.

Địa phương từng kiến nghị kéo các máy xúc đào ao trái phép để xử lý, nhưng lo ngại việc bảo quản giá trị tài sản các máy này lớn, nên còn chờ ý kiến của cấp trên.

Tại Long An, ngoại trừ UBND huyện Mộc Hóa đã xử phạt vi phạm hành chính 44 trường hợp đào ao nuôi thủy sản trái phép với tổng số tiền 474 triệu đồng, các huyện còn lại chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân.

Với nguyên nhân như vị Chủ tịch xã vừa nêu, quả là cơ quan chức năng phải phân vân trước khi ra quyết định xử phạt. Về động cơ mục đích, những người nông dân cũng chỉ vì muốn có sản phẩm thu lợi nhuận cao hơn trên mảnh đất mình đứng tên. Về thực tế, sau khi chạy theo phong trào tự phát, chính họ cũng đang lãnh hậu quả.

Nên chăng, để giải quyết rốt ráo vấn đề, cơ quan chức năng cần đề xuất cấp trên hướng dẫn các địa phương rà soát lại những vùng có điều kiện phù hợp, thuận lợi nhất để quy hoạch tập trung, quy mô lớn, hướng đến sản xuất tôm cá bền vững. Về lâu dài, các địa phương cần xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định. Như vậy, mới vừa đạt được mục đích vừa có lúa, vừa có cá tôm. 

Đọc thêm