Vừa siết chặt kỷ cương, vừa dám đổi mới

(PLVN) - Một trong những vấn đề lớn mà Đảng ta đang đặt ra là làm thế nào vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước nhưng lại phải khơi dậy và tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Chắc chắn Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ bàn rất kỹ về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Hà.
Ông Nguyễn Đức Hà.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, về những đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ của Đảng ta nhiệm kỳ này cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. 

Những quy định “lần đầu tiên có”

Theo ông Hà, riêng về công tác cán bộ, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành TƯ đã ban hành các quy định “lần đầu tiên có”. Đó là lần đầu tiên Ban chấp hành TƯ ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức’, “chạy quyền”; Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định 214 về  khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

“Trước đây chúng ta cứ nói là đánh giá theo định tính, ít định lượng, thì lần này Bộ Chính trị quy định rất rõ, không chỉ định tính mà cả định lượng. Đánh giá cán bộ rất cụ thể từ phẩm chất chính trị, năng lực công tác, ý thức tổ chức kỷ luật đến đạo đức, tuổi tác, sức khỏe…

Đây cũng là nhiệm kỳ mà chúng ta đổi mới rất mạnh mẽ về đánh giá cán bộ. Đó là đánh giá cán bộ phải liên tục, xuyên suốt, phải theo tiêu chí, bằng sản phẩm; đánh giá phải đa chiều, có so sánh, công khai; đánh giá người đứng đầu phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị”- ông Nguyễn Đức Hà cho biết. 

Phân tích về cơ cấu ba độ tuổi, ông Hà cho rằng quy định này là để trong cơ quan lãnh đạo có các thế hệ cán bộ lãnh đạo kế tiếp nhau: phần đông là độ tuổi trung bình nhưng cũng có một số độ tuổi cao, độ tuổi trẻ.

Ba thế hệ cán bộ này cách nhau khoảng 10 năm để kế thừa và chuyển tiếp, làm sao cho công tác cán bộ không bị hụt hẫng và đứt quãng. Thế hệ già có kinh nghiệm, có va đập, đã từng trải…; còn thế mạnh của thế hệ trẻ là độ sung sức, trình độ khá hơn, đào tạo bài bản hơn. 

Theo ông Hà, những đặc điểm này sẽ bổ sung cho nhau để tạo thành một tập thể mạnh, mà bây giờ quan điểm của Đảng ta là lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Một tập thể mạnh phải bổ sung cho nhau và kế thừa nhau để trưởng thành. Gần đây, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến lãnh đạo tập thể, lãnh tụ tập thể là như vậy.

Tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng

Theo dõi công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) của Đảng ta trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hà nhận định, từ lâu, Đảng ta đã rất coi trọng công tác này, nhưng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đặc biệt là từ sau Hội nghị TƯ 5 khóa XI, khi Ban chấp hành TƯ quyết định kiện toàn lại Ban chỉ đạo TƯ về PCTN là một Ban trực thuộc Bộ Chính trị và do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban thì trong mấy năm qua, công tác đấu tranh PCTN đã được đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Chính điều đó đã củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Trước đây chúng ta đã làm được một số kết quả tốt, nhưng bây giờ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Đảng nói thế nào, chúng ta làm đúng như thế.

Giải đáp băn khoăn của một số ý kiến cho rằng đấu tranh PCTN quyết liệt sẽ cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội; làm nhụt chí đổi mới, sáng tạo của cán bộ, đảng viên.., ông Hà nêu rõ, một trong những vấn đề lớn mà Đảng ta đang đặt ra đó là làm thế nào vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước nhưng lại phải khơi dậy và tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Chắc chắn Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ bàn rất kỹ về vấn đề này.

“Có người nói rằng, nếu chúng ta đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt sẽ cản trở phát triển kinh tế, làm cho nhiều người lo sợ, ngồi im đợi chờ. Tôi cho rằng những quan điểm đó là hoàn toàn không đúng”- ông Hà nhấn mạnh.

Đưa ra con số chứng minh, ông Hà đặt vấn đề: Tại sao trong nhiệm kỳ này chúng ta đấu tranh chống tham nhũng rất quyết liệt nhưng kinh tế liên tục phát triển ở tốc độ cao. Cụ thể là năm 2017, chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng 6,81%; năm 2018, đạt 7,04%; năm 2019 đạt gần 6,8%. Chỉ riêng năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng đạt gần 3%; tuy vậy nước ta là một trong rất ít nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng dương. 

Như vậy, ngược lại với quan điểm của một số người thì chúng ta đấu tranh chống tham nhũng mạnh lại góp phần rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Vì chúng ta đấu tranh quyết liệt với tham nhũng, đây là một lời cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe nhiều người định tham nhũng thì bây giờ phải rụt tay vào, không dám tham nhũng nữa.

Thứ hai, qua đấu tranh chống tham nhũng, các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện được cơ chế, chính sách, thể chế của chúng ta có điểm gì bất cập, tạo “lỗ hổng” để những đối tượng tham nhũng lợi dụng, từ đó bịt ngay những kẽ hở này, giúp cơ chế, chính sách của chúng ta liên tục được bổ sung, sửa đổi. 

Một yếu tố quan trọng nữa, theo ông Hà, thông qua các vụ án tham nhũng, mặc dù tài sản tham nhũng thu hồi chưa hết, nhưng con số thu hồi không hề nhỏ. Do vậy, “kho của chúng ta không những không bị chui ra mà lại được bổ sung vào. Một lý giải rất đơn giản; cho nên ai đó nói rằng đấu tranh chống tham nhũng sẽ cản trở, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội là không đúng, thậm chí những ai nói như thế chính là đang ủng hộ cho tham nhũng”- ông Hà nêu quan điểm. 

Nhận xét về những điểm mới nổi bật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Đức Hà khẳng định, chúng ta sẽ tiếp tục công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những nhiệm vụ trọng tâm.

 Thứ nhất là đấu tranh chống suy thoại về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thứ hai, tiếp tục kiện toàn, đổi mới bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị làm sao cho thật sự tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 

“Chúng ta đã có những kinh nghiệm nhất định trong các nhiệm kỳ vừa qua, với những nhiệm vụ tới đây thì chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa”- ông Hà nói.

Đọc thêm