"Vua tên miền" ra vỉa hè rao bán tên miền

(PLO) - Mới đây, một nhóm cá nhân, trong đó có Nguyễn Trọng Khoa (38 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM, người được xem là “vua tên miền” ở Việt Nam) đã đem những tên miền gần giống với tên những cá nhân, thương hiệu nổi tiếng ra vỉa hè bán dạo, hét giá triệu đô.
Chiêu PR gây sự chú ý
Trong cuộc trò chuyện với Xa lộ Pháp luật, Khoa thừa nhận hành vi “là lạ” như trên chỉ là cách PR gây sự chú ý. Anh cho biết trong lĩnh vực marketing có hàng trăm “chiêu trò” quảng bá thương hiệu cũng như rao bán hàng hoá. 
Việc các thành viên trong nhóm kinh doanh tên miền của anh cầm tấm biển “cần tiền trả nợ”, “cần tiền cưới vợ” để rao bán các tên miền đẹp là chuyện “chẳng có gì lạ”. Tuy nhiên Khoa cũng cho biết, quả thực bản thân mình đang cần tiền để trả nợ thật. 
Và thông tin “mua 2 tên miền tặng 1 ngôi nhà” là món quà khuyến mãi của anh cho khách hàng chứ không hề điêu ngoa. “Tôi rao bán hai tên miền giá 10 tỷ đồng, nếu ai mua sẽ tặng thêm căn nhà đang sống ở quận Phú Nhuận”, Khoa nói.
Trước đó, sáng ngày 11/3, Khoa cùng đồng nghiệp đứng ở ngã tư đường Trương Định - Võ Văn Tần và một số trục đường chính trong khu vực quận 3 cầm biển rao bán những tên miền nổi tiếng như:“VietnamPublicbank.com, Vincomretail.com, nganhangxaydungvietnam.com…” với mức giá từ… 10 - 20 tỉ đồng gây khá nhiều bất ngờ đối với người đi đường. 
Nhiều người còn cho rằng nhóm người rao bán tên miền “có vấn đề về thần kinh” bởi ai đời lại đem bán mặt hàng cả tỉ đồng bằng cách ra đứng vỉa hè?! Họ tỏ thái độ hoài nghi về giá trị những tên miền mà nhóm rao bán. 
“Mục đích cuối cùng nhằm bán được sản phẩm. Chúng tôi đứng ven đường để mọi người biết đến sản phẩm của mình, nếu người đi đường quan tâm họ sẽ hỏi. Hiểu đơn giản rằng đây là một phương pháp marketing, tiếp thị sản phẩm thôi. Tôi đi theo chuyên ngành marketing nên rất thích những ý tưởng, kế hoạch khác lạ như thế”, Khoa mỉm cười. 
Khoa cho biết thêm, còn mục đích khác của việc ra vỉa hè rao bán tên miền, là giúp mọi người nhận thức rõ hơn về giá trị tên miền, khái niệm còn khá mới lạ ở nước ta hiện nay. Theo lời những người trong nhóm này, hiệu quả “chiêu” marketing trên thành công ngoài mong đợi. Trong suốt ngày đứng vỉa hè, nhóm nhận được rất nhiều câu hỏi, sự tò mò của người đi đường
Phạm luật hay không?
Liên quan đến vấn đề pháp lý, có ý kiến cho rằng việc Khoa mua các tên miền gần giống với tên các cá nhân, thương hiệu nổi tiếng rồi rao bán có thể gây nhầm lẫn, thiệt hại cho chủ sở hữu đích thực. Họ nhận định, thực chất trò PR của nhóm mua bán tên miền là “chiêu bẩn” nhằm gây sức ép với các doanh nghiệp, cá nhân bị mạo danh. 
 “Vua tên miền” đứng bán dạo tên miền ở vỉa hè
Trước đây, phát biểu trên báo giới, nhiều luật sư từng cảnh báo Khoa có thể hầu toà vì rao bán những tên miền trùng nhãn hiệu gây nhầm lẫn. Tuy nhiên Khoa khẳng định việc làm của mình không hề vi phạm pháp luật. Khoa cho rằng theo luật, đăng kí sở hữu tên miền là sở hữu trí tuệ. Tên miền do chủ sở hữu suy nghĩ ra chứ không hề “ăn cắp”. 
Khoa cho hay người kinh doanh tên miền chỉ bị xem là vi phạm pháp luật trong trường hợp sử dụng tên miền giống với tên các thương hiệu để cạnh tranh không lành mạnh. “Như vậy tôi không hề vi phạm. Tôi chỉ đăng kí quyền sở hữu tên miền rồi cất giữ đó, không dùng tên miền đã sở hữu vào mục đích xấu”, Khoa nói.
“Vua tên miền” còn lập luận, một doanh nghiệp, cá nhân khi đăng kí thương hiệu không có nghĩa tên miền giống với tên thương hiệu thuộc về cá nhân, doanh nghiệp đó. Cá nhân khác vẫn có thể sở hữu tên miền giống với tên thương hiệu trong điều kiện tên miền này chưa ai sở hữu. 
Pháp luật cũng quy định rõ bất cứ các nhân, tổ chức nào đều có thể đăng kí sở hữu tên miền, ai đăng kí trước sẽ được cấp quyền sở hữu. Hiện nay việc đăng kí tên miền khá đơn giản, nếu thực hiện qua mạng internet, mất chưa đầy 1 phút.
Giải thích việc đăng kí rồi rao bán những tên miền giống tên các thương hiệu nổi tiếng, chẳng hạn như: “nganhangdaichungvietnam”, Khoa cho biết đó chỉ là kinh nghiệm trong nghề kinh doanh tên miền. Cụ thể nhiều người đi theo hướng phổ cập, tìm mua những tên miền có tính đại chúng như “nhahang.com, khachsan.com, sieuthi.com” thì Khoa lại đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể. 
“Vua tên miền” chưa từng bán một tên miền?
Anh Khoa cho biết thêm, tiêu chí quan trọng nhất của người kinh doanh tên miền chính là yếu tố đạo đức. Không ít người kinh doanh tên miền dùng thủ đoạn, gây áp lực với các thương hiệu lớn để bán lại tên miền với giá cao. Hoặc đơn giản, chủ sở hữu tên miền hoàn toàn có khả năng gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu mà không vi phạm pháp luật. Đây chính là chữ “đức” trong nghề.
 Nguyễn Trọng Khoa tặng bức tranh gạo Việt Nam tại hội nghị tên miền quốc tế
Khá bất ngờ khi biết rằng, từ trước đến nay, người được mệnh danh “vua tên miền” ở Việt Nam cho rằng chưa từng bán bất cứ tên miền nào. “Lâu nay tôi đều tặng lại tên miền cho các đơn vị, doanh nghiệp. Hoàn toàn tặng thuần tuý chứ không mua bán gì”, Khoa nói. 
Tính đến nay, Khoa đã tròn 3 tuổi nghề. “Tôi làm việc này để giúp doanh nghiệp giữ thương hiệu của mình. Tôi sẵn sàng tặng lại nên không thể nói là chơi bẩn”, “vua tên miền” chia sẻ quan điểm cá nhân. Cuối năm 2011, Khoa chính là người đã bỏ tiền túi thực hiện đề án tên miền các điểm du lịch ở Việt Nam sau đó tặng lại cho các tỉnh, thành.
Mục đích lớn nhất như lời Khoa, anh mong muốn qua việc sở hữu tên miền sẽ “thức tỉnh” các doanh nghiệp chú trọng hơn đến vấn đề bảo vệ uy tín, thương hiệu của công ty mình. Qua đó, giúp doanh nghiệp thấy được lỗ hổng pháp lí mà “trám đắp” kịp thời, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. 
Lại nhắc đến mức giá triệu đô rao bán tên miền, Khoa khẳng định mình không nghề ngoa. Ví dụ tên miền “Vincomretail.com”, Khoa hô giá 1 triệu đô la Mĩ. Anh phân tích: “Những người không hiểu được giá trị của tên miền mới nhận định như vậy. Tập đoàn Vincom sở hữu khối tài sản hơn 1 tỉ USD, trong khi đó tôi chỉ bán lại tên miền với giá 1 triệu đô la Mĩ, tức chỉ chiếm 0,1%. Bởi vậy, nếu nói tôi thủ đoạn có quá đáng không?”./.

Đọc thêm