Vùng Đông Nam bộ tập trung các giải pháp phát triển kinh tế xanh - bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vùng Đông Nam bộ đang là khu vực có điểm số PCI cao thứ 2/6 vùng kinh tế của cả nước và đứng thứ 3 cả nước về chỉ số xanh PGI. Song vùng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...

Vùng đầu tàu quan trọng

Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết trong năm 2023, vùng Đông Nam bộ (ĐNB) dẫn đầu các khu vực cả nước về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Trong đó, Đồng Nai dẫn đầu với vị trí thứ 3, TP HCM đứng thứ 5, Tây Ninh đứng thứ 6, Bà Rịa - Vũng Tàu thứ 8 và 2 địa phương khác cũng nằm trong top 30 là Bình Dương và Bình Phước. Điều này chứng tỏ chất lượng quản trị môi trường tại các địa phương trong vùng được các doanh nghiệp đánh giá rất tốt.

Vùng Đông Nam bộ tập trung các giải pháp phát triển kinh tế xanh - bền vững ảnh 1

Vùng Đông Nam bộ đang là khu vực có điểm số PCI cao thứ 2/6 vùng kinh tế của cả nước.

Với nhiều lợi thế lớn, vùng ĐNB là đầu tàu kinh tế có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhận xét về môi trường kinh doanh, ông Thạch cho rằng vùng ĐNB đang dẫn đầu về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Nhất là các chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các tỉnh đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Còn Phó Chủ tịch VCCI - Võ Tân Thành đánh giá, vùng ĐNB ngoài đứng thứ 2 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, đứng đầu ở các chỉ số như hỗ trợ doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch… Việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện chất lượng quản trị môi trường địa phương đã tạo lợi thế quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng. Đây cũng là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng. Vì vậy, ĐNB còn là vùng có điều kiện và tiềm lực để dẫn dắt các vùng lân cận phát triển.

Kết quả do VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ nghiên cứu vừa công bố cho thấy, Đồng Nai xếp thứ 3 cả nước chỉ số xanh PGI. Tiếp đó, trong top 10 còn có: TP HCM, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để có kết quả này, lãnh đạo các tỉnh đặt ra yêu cầu thu hút đầu tư có chọn lọc. Trong đó, Đồng Nai triển khai đề án Chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ, thí điểm chuyển đổi Khu công nghiệp Amata sang mô hình khu công nghiệp sinh thái theo hướng toàn cầu, hợp tác với thành phố Kobe (Nhật Bản) trong việc triển khai nghiên cứu mô hình khu công nghiệp xanh - thông minh trên địa bàn tỉnh tại Khu công nghiệp Long Đức.

Vùng Đông Nam bộ tập trung các giải pháp phát triển kinh tế xanh - bền vững ảnh 2

Vùng Đông Nam bộ chú trọng phát triển các khu công nghiệp xanh, bền vững.

Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy người dân làm trung tâm, phát triển có chọn lọc, thu hút các ngành công nghệ cao, hướng đến mục tiêu Net zero vào năm 2050.

Cũng là tỉnh có bề dày thu hút đầu tư, Bình Dương được cộng đồng doanh nghiệp biết đến là một trong những tỉnh có nỗ lực thiết lập hợp tác kinh tế, nâng cao năng lực và học hỏi kinh nghiệm từ doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh và tối ưu hóa sử dụng năng lượng bền vững, chú trọng xây dựng hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh trong lĩnh vực này là Becamex IDC đã tiên phong thúc đẩy ứng dụng chuyển dịch năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, đề cao các yếu tố phát triển bền vững, kiến tạo lợi thế cho nhà đầu tư thực hiện.

Mới đây, dự án thử nghiệm công nghệ và hợp tác nghiên cứu phát triển chuyển đổi xanh do Chính phủ Anh tài trợ, được được thí điểm tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Dự án sẽ xây dựng hạ tầng như lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, các trạm sạc xe điện, hệ thống pin lưu trữ năng lượng, trạm đổi pin xe máy 2 chiều…

Vùng Đông Nam bộ tập trung các giải pháp phát triển kinh tế xanh - bền vững ảnh 3Kết nối hạ tầng sẽ đồng bộ các trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics của vùng.

Theo ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đang cùng các trường đại học sẽ nghiên cứu đưa ra giải pháp về lưới điện thông minh để xây dựng mô hình chia sẻ năng lượng giữa các đơn vị. Sau khi nghiên cứu và thực hiện thành công, dự án sẽ được nhân rộng ra các khu công nghiệp ở Bình Dương nhằm xây dựng mô hình khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp xanh.

Nhiều thách thức cần khắc phục

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vùng ĐNB là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Là vùng kinh tế mạnh nhất về công nghiệp nên còn nhiều thách thức, cần khắc phục.

Cụ thể là tình trạng gia công, lắp ráp sử dụng dây chuyền, thiết bị cũ vẫn phổ biến. Công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo và công nghệ bán dẫn phát triển chậm. Sự phân bố các khu chế xuất, khu công nghiệp không đồng đều gây áp lực ngược lại cho hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển các hạ tầng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế. Do đó, để phát triển bền vững, xứng đáng với vị thế của vùng, mỗi địa phương cần nỗ lực cải thiện các khuyết điểm, hướng tới phát triển kinh tế xanh.

Vùng Đông Nam bộ tập trung các giải pháp phát triển kinh tế xanh - bền vững ảnh 4

Tuyến metro số 1 giúp nâng cao sự kết nối và tương tác giữa các thành phố và khu vực trong vùng Đông Nam bộ.

Để hoá giải những khó khăn thách thức, lãnh đạo VCCI cho rằng, một trong những vướng mắc nhất cần đột phá là mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng. Nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ. Công nghiệp phát triển nhưng thiếu bền vững và giá trị gia tăng thấp. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hạ tầng xã hội thiếu, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải, ngập lụt có chiều hướng gia tăng.

Là tỉnh có lượng khu công nghiệp lớn nhất cả nước và đang đối mặt với những thách thức trên, ông Trần Trọng Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung các giải pháp nhằm cải thiện và nâng chất môi trường đầu tư kinh doanh như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giám sát tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, thúc đẩy thực hành xanh và giải pháp xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó chất thải, qua đó nhận diện được nguồn nguy cơ gây ra sự cố, các kịch bản sự cố và trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng ngừa sự cố chất thải.

"Đột phá, tiên phong và liên kết

Vùng ĐNB tuy chiếm diện tích nhỏ nhưng lại là trung tâm kinh tế năng động, luôn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và là đầu tàu kinh tế cả nước. Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt được kỳ vọng sẽ mở những điểm then chốt để giải phóng nguồn lực cho khu vực này.

Cụ thể, ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc hoàn tất phê duyệt quy hoạch vùng ĐNB được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, chín muồi để cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia vào vùng.

Đồng thời, cụ thể hóa việc bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn, triển khai các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng và liên ngành; đẩy nhanh thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế của vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế cả vùng và các vùng lân cận. Nội dung của Quy hoạch vùng ĐNB tập trung vào 3 từ “đột phá, tiên phong và liên kết”.

Quy hoạch lần này được đánh giá có đột phá từ tư duy, tầm nhìn cho đến tổ chức thực hiện. Quy hoạch xác định vùng ĐNB phải tiên phong, đi đầu trong năng động sáng tạo đổi mới và cải cách, hình thành các lĩnh vực dẫn dắt và đóng góp cho đất nước và các vùng xung quanh như khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo, phát triển văn hóa, xã hội…

Đọc thêm