Vũng Tàu: Một vụ án đầy uẩn khúc khiến chủ quán cà phê thành người “làm ơn mắc án”

(PLO) - Những bị hại là lao đông tự do, sau mỗi chuyến đi biển lại trở về quán cà phê My My để ở nhưng chủ quán bỗng nhiên trở thành bị can trong một vụ án “Giữ người trái pháp luật” do VKS TP Vũng Tàu truy tố.

Theo cáo trạng số 185/CT-VKSTPVT ngày 10/9/2018 của VKS TP Vũng Tàu, quán cà phê My My do Nguyễn Thị Yến Ngọc làm chủ, hoạt động kinh doanh từ năm 2015. Quá trình kinh doanh, Yến Ngọc thuê Trần Thị Kiều Hoanh, Lê Thanh Sang, Nguyễn Văn Học trông coi quán. Ngày 30/1/2018, Công an TP Vũng Tàu phối hợp với Công an phường 11 kiểm tra quán, phát hiện 17 người trong quán không có giấy tờ tùy thân nên đưa về trụ sở Công an TP Vũng Tàu làm việc.

Tại CQĐT, một số người tố giác đã bị chủ quán là Yến Ngọc và đồng phạm giữ tại quán trong thời gian dài. “Bị hại” gồm bốn người, gồm: Nguyễn Văn Sơn (SN 1985, ngụ Vĩnh Long) bị giữ từ ngày 7/1/2018, Lâm Văn Nhựt (SN 1998, ngụ An Giang) bị giữ từ khoảng đầu năm 2017; Huỳnh Thanh Gang (SN 1984, ngụ Long An) bị giữ từ tháng 8/2017, anh Ngọc (không rõ lai lịch) bị giữ từ tháng 1/2018.

Những người này đều là dân lao động đến TP Vũng Tàu kiếm việc làm, khi đến quán My My do thiếu nợ tiền nhậu nên bị chủ quán giữ lại để tìm việc làm thuê trên các tàu đánh bắt hải sản, lấy tiền trả nợ. Trong quá trình giữ người, Yến Ngọc giao Hoanh, Sang và Học quản lý bốn người.

Chính vì điều này, chủ quán Yến Ngọc đã bị khép vào tội “giữ, giam người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015. Sau khi Công an TP Vũng Tàu ra Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố số 259/KLĐT ngày 28/7/2018 thì bị can Yến Ngọc đã khiếu nại. 

Đồng thời, ông Khôi (chồng bị can) đã làm đơn tố cáo. Do phát sinh tình tiết mới của vụ án, nên VKS TP Vũng Tàu đã ra quyết định trả hồ sơ để điểu tra bổ sung. Ngày 4/11/2018, CQĐT Công an TP Vũng Tàu có kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự số 361/KLĐTBS-Đ1, nhưng vẫn đề nghị truy tố Yến Ngọc tội “giữ, giam người trái pháp luật”. 

Luật sư Ngô Chí Đan (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, về tội danh “giữ, giam người trái pháp luật” của bị can Yến Ngọc là không đủ cơ sở để xác định. Để cấu thành tội danh này phải thể hiện bằng hành vi cụ thể cũng như xác định được không gian, phạm vi và tính chất mức độ của hành vi đối với bị hại. 

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, bốn cá nhân là Sơn, Nhựt, Gang và Ngọc tự nguyện đến quán My My để ăn nhậu và tìm nơi ở (bút lục 298, 300, 289). Bốn “bị hại” khai nhận họ hoàn toàn không bị cấm đoán hay đe dọa nhằm mục đích cản trở quyền đi lại của cá nhân (bút lục 232, 291, 304). Họ thừa nhận có tham gia đi biển cùng các ghe tàu, qua nhiều tỉnh, thành. Nếu không muốn ở lại nhà Yến Ngọc thì họ hoàn toàn có điều kiện bỏ trốn hoặc trình báo cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi biển, họ lại trở về nhà của Yến Ngọc. 

Bốn “bị hại” khai rằng mỗi lần ra ngoài phải xin phép hoặc có sự giám sát của Nguyễn Văn Học hoặc Trần Thị Kiều Hoanh. Như vậy, quyền tự do đi lại của họ không bị hạn chế. Nếu thật sự có hành vi “giữ, giam người” thì họ hoàn toàn có quyền lựa chọn để bỏ trốn, thậm chí phản kháng với người giám sát là phụ nữ như Kiều Hoanh.

Trong thời gian dài, họ vẫn sử dụng điện thoại và hoàn toàn có điều kiện để thông báo cho người nhà và cơ quan chức năng xử lý nếu có việc giữ, giam xảy ra. Trong một số lời khai, họ xác định không bỏ trốn vì lý do không có tiền và bị giữ giấy CMND, không xuất phát từ việc bị giam, giữ. 

Cả một quá trình dài, họ không khai báo với cơ quan có thẩm quyền dù có điều kiện, nay làm việc với CQĐT thì họ lại đồng loạt yêu cầu xử lý bị can, thể hiện rõ việc mâu thuẫn cá nhân với nhau. Trong quá trình điều tra bổ sung, chỉ có một trong bốn “bị hại” có mặt là ông Nguyễn Văn Sơn. Hiện nay ông Lê Văn Khôi, chồng chủ quán cà phê My My rất mong các cơ quan chức năng ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sớm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án để trả lại sự công bằng cho vợ ông.

Đọc thêm