'Vướng' giữa Bộ GTVT và Công an: Chỉ tại các 'chấm' lẫn lộn?

(PLVN) - Như vậy là Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa chính thức phản hồi lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phản ánh ngành Công an không chia sẻ, cung cấp các trường hợp tước giấy phép lái xe (GPLX), gây khó khăn cho công tác quản lý.
Rất nhiều GPLX tồn không đến xử lý tại cơ quan CSGT.
Rất nhiều GPLX tồn không đến xử lý tại cơ quan CSGT.

Theo Cục này, các năm 2015 đến nay, lực lượng CSGT đã gửi gần triệu thông báo các trường hợp bị tước quyền sử dụng GPLX đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và các Sở GTVT địa phương. Thế nhưng, hiện còn một lượng lớn giấy phép lái xe tồn đọng tại các cơ quan CSGT. Thống kê trong hai năm 2015, 2016 còn 159.515 GPLX liên quan đến tạm giữ, bị tước quyền sử dụng mà người vi phạm không đến xử lý, không đến nhận.

Đáng chú ý, để khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, cuối năm 2016, Cục CSGT đã có Văn bản số 5581/C67-P9 về việc phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu về GPLX gửi Tổng cục ĐBVN.

Trong những năm qua, công an các đơn vị, địa phương cũng đã gửi thông báo bằng văn bản đối với các trường hợp bị tước quyền sử dụng, chứng chỉ hành nghề nhất là GPLX đến các Sở GTVT - nơi cấp giấy phép để theo dõi, quản lý. Nhiều nơi còn chủ động gửi thông báo các trường hợp giấy phép, chứng chỉ bị tạm giữ để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt nhưng quá thời hạn mà người vi phạm không đến xử lý.

Tức là lực lượng CSGT từ Bộ đến các địa phương đã làm hết sức mình, thực hiện đúng quy định tại Điều 80 (Khoản 1) của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và Điều 7 (Khoản 3) Nghị định 81/2013 của Chính phủ hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý VPHC. Tóm lại, những nỗ lực của công tác quản lý thời “1 chấm” đã làm hết khả năng.

Cái mâu thuẫn chính là “lẫn lộn” giữa “các chấm”. Sự “chuệch choạc” chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác cấp GPLX như hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu chính là do “khách quan”. Theo Cục CSGT phải có lộ trình phù hợp nhằm đảm bảo các yếu tố như: Tính pháp lý, sự đồng bộ về cơ sở vật chất giữa hai lực lượng, giải pháp kết nối, nguồn lực con người và phải đảm bảo các yếu tố bảo mật...(tất nhiên, GPLX chắc chắn không thuộc phạm vi Danh mục bí mật đâu, chỉ là bảo mật về an ninh mạng thôi).

Câu chuyện về quản lý và chia sẻ dữ liệu giữa 2 ngành  (CSGT, Bộ Công an và ĐBVN, Bộ GTVT) diễn ra trong “kỷ nguyên số” chứ không phải xa xưa trước đây. Hôm qua, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G). Trước cuộc CMCN 4.0, các nước ASEAN hiện đang hợp tác chặt chẽ với mục tiêu phát triển và xây dựng một ASEAN số. Tức là vấn đề “chia sẻ dữ liệu” đã trở thành vấn đề của khu vực vì mục tiêu phát triển, chứ không còn đóng khung tại mỗi quốc gia.

Đáng tiếc, khi Việt Nam đang “chủ trì” thực hiện kết nối và chia sẻ thì ngay trong từng lĩnh vực quản lý, từng ngành trong nước lại chưa “tương thích”. 

Đọc thêm