6 tháng chỉ đạt 28%
Theo Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), hiện nay hệ thống quốc lộ nước ta có hơn 25.000km và hơn 6.700 cây cầu. Đây là khối tài sản lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp kết nối, đi lại giữa các vùng miền trong khu vực và cả nước.
Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn lực nhà nước chú trọng đầu tư vào các tuyến đường cao tốc, nhằm tạo những “cú hích” để phát triển kinh tế cả một vùng, trong khi nguồn lực để sửa chữa, bảo trì cho các tuyến quốc lộ vẫn rất hạn chế, nhỏ giọt. Thực tế, nhiều tuyến quốc lộ trong cả nước đã cũ kỹ, xuống cấp.
Mỗi năm, nguồn vốn đầu tư công cho công tác bảo trì của Cục ĐBVN khoảng trên dưới 10.000 tỷ đồng, phải phân bổ cho khắp các đường quốc lộ trên 63 tỉnh, thành. Bảo trì có ba nội dung lớn là sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất. Theo Cục ĐBVN, những năm qua, hàng nghìn km quốc lộ mặt được mở rộng, hàng trăm “điểm đen” về tai nạn giao thông, điểm thường xuyên ngập lụt được sửa chữa, khắc phục. Ngoài ra, hàng nghìn km hộ lan, hàng vạn cọc tiêu, biển báo, hàng chục vị trí xây dựng đường cứu nạn và các công trình an toàn giao thông khác đã được sửa chữa, bổ sung trên hệ thống quốc lộ trên toàn quốc.
Năm 2024, Cục ĐBVN được giao khoảng 11.500 tỷ đồng vốn bảo trì đường bộ. Nguồn vốn này một phần được Cục ĐBVN trực tiếp làm nhiệm vụ chủ đầu tư, phần còn lại phân về các tỉnh, giao cho các Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Với nguồn vốn như vậy, những tưởng công tác bảo trì đường bộ sẽ được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, giúp những con đường xuống cấp được sửa chữa kịp thời, tạo thuận lợi nhất để người dân đi lại. Thế nhưng, công tác bảo trì đường bộ không được dễ dàng thực hiện như vậy. Theo Cục ĐBVN, tính đến hết tháng 6/2024, các đơn vị mới giải ngân được trên 3.200 tỷ đồng, tức chỉ đạt 28%. Đây là mức giải ngân thấp. Mà nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục.
Thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang, thực hiện Luật Đấu thầu năm 2023, áp dụng từ 1/1/2024 trong việc thực hiện các dự án bảo trì đường bộ tốn nhiều thời gian, liên quan đến hạn mức chỉ định thầu. Cụ thể, trước đây, chỉ định thầu được áp dụng với các gói thầu xây lắp dưới 1 tỷ đồng và gói tư vấn dưới 500 triệu đồng, nhưng nay gói xây lắp và gói tư vấn dưới 100 triệu đồng mới được áp dụng chỉ định thầu. Ông Tùng cho biết, do phải thực hiện theo Luật Đấu thầu mới nên quy trình, thủ tục kéo dài, tốn nhiều thời gian, công sức, trong khi tổng mức đầu tư các gói thầu bảo trì đường bộ thường rất nhỏ. “Tiến độ giải ngân vốn bảo trì năm nay của Sở GTVT Bắc Giang đến nay đạt gần 50%”, ông Tùng nói và cho biết, 6 tháng đầu năm vẫn giữ được mức giải ngân tốt như vậy là do nhiều gói thầu đã được xây dựng từ năm ngoái, khi chưa vướng Luật Đấu thầu mới.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Ân, Phó Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh cho biết, thực hiện Luật Đấu thầu 2023, các dự án bảo trì đường bộ tốn nhiều thời gian. “Có những gói thầu được Cục ĐBVN duyệt 9 - 10 triệu nhưng vẫn phải qua đấu thầu”, ông Ân nói và cho biết, đặc thù các gói thầu trong bảo trì đường bộ thường nhỏ, nhưng thủ tục phải bảo đảm qua các khâu, nên thời gian bị kéo dài. “Có những gói thầu, việc thực hiện ngoài hiện trường chỉ khoảng 2 tháng là xong nhưng thủ tục đầu tư rất phức tạp, ngốn thời gian”, ông Ân nói.
Lãnh đạo Sở GTVT Bắc Ninh chia sẻ thêm, trước đây công tác sửa chữa đột xuất dưới 500 triệu đồng được chỉ định thầu, nhưng nay phải dưới 100 triệu. “Ví dụ hỏng biển báo giao thông hay một số hạng mục nhỏ thì nếu chỉ định thầu sẽ làm đơn giản, nhanh, nhưng khi phải đấu thầu sẽ mất nhiều thời gian. Việc này đánh mất tính kịp thời khắc phục các sự cố, bảo đảm an toàn giao thông”, ông Ân nói.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục ĐBVN thừa nhận, công tác thực hiện các dự án bảo trì đường bộ trong năm nay còn chậm. Nguyên nhân do việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư còn kéo dài. Danh mục dự án bảo trì nhiều, nhỏ lẻ, dẫn đến khối lượng công việc lớn. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư còn thụ động, chưa tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, qua theo dõi hàng năm cho thấy, Cục ĐBVN có đến 1.500 - 1.600 đầu mục bảo trì đường bộ là quá nhiều. Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, cần nghiên cứu, tham mưu đề xuất cách làm mới. Cần thay đổi, thu gọn lại, giảm bớt đầu mục dự án, lập gói thầu lớn để thu hút doanh nghiệp có năng lực tham gia.