Xuất thân trong một gia đình thuần nông, với phẩm chất tảo tần chịu khó nhưng vì làm ăn thủ công nhỏ lẻ nên trước đây gia đình chị vẫn khó khăn.
Năm 2008, chị mạnh dạn chuyển đổi nương ngô kém hiệu quả sang trồng 4.000m2 cây vầu nhằm tận thu cây vầu già rào vườn rau, ruộng mạ. Tưởng việc đầu tư trồng vầu chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình nhưng từ năm 2011 đến nay, chị bán măng, cây, thu lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô (gần 30 triệu đồng/năm).
Chị Tính tâm sự: “Vầu là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, lợi nhuận kinh tế cao nên tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực trồng cây này. Mùa măng vầu năm nay, tôi cho tư thương vào vườn đào và bán đổ với giá 10 nghìn đồng/kg. Mỗi cây vầu già, tôi bán từ 20 - 30 nghìn đồng. Nhờ đó, tôi không tốn thời gian, công sức với việc bán măng, cây vầu nhưng vẫn cho thu nhập ổn định”.
Trước đó, vào năm 2008, chị Tính còn chuyển đổi diện tích ngô sang trồng 2.000m2 chè. Bấy giờ, chị gặp không ít khó khăn như: thời tiết rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây chè; chè búp “rớt giá”. Nhưng chị luôn kiên trì và từ năm 2010 đến nay, chị thu nhập ổn định với bán chè búp. Mỗi năm, chị thu hoạch hơn 7 tấn chè búp tươi, trừ chi phí thu lãi 18 triệu đồng.
Nhắc đến chị Lùng Thị Tính, anh Nguyễn Hữu Thái - Bí thư Chi bộ bản Séo Làn Than (phường Quyết Thắng) nhận xét: “Chị Tính chịu thương, chịu khó, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do phường và thành phố tổ chức. Với kiến thức thu được, chị áp dụng vào mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình. Những năm gần đây, gia đình chị trở thành hộ có thu nhập khá của bản. Năm 2017, chị được Hội Nông dân phường Quyết Thắng công nhân hộ sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Ngoài ra, chị Tính còn trồng 3.000m2 ngô 2 vụ/năm, trong đó 2.000m2 ngô trồng xen cây mắcca. Toàn bộ sản phẩm ngô hạt, chị để nấu rượu bán. Mỗi năm, chị thu nhập 20 triệu đồng tiền bán rượu. Tận dụng bã rượu, chị chăn nuôi gia súc, gia cầm. Gia đình chị đầu tư xây dựng nuôi nhốt gia súc, gia cầm hợp vệ sinh.
Hiện, gia đình chị có 2 con trâu sinh sản, 10 con lợn thịt và hàng trăm con gia cầm. Chị tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm từ thực tế các hộ nuôi nhiều trong phường để áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Đồng thời, đăng ký số lượng gia súc với bản để tiêm vắcxin phòng chống dịch bệnh định kỳ đầy đủ để đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Nhờ vậy kinh tế gia đình chị ổn định, sung túc, là tấm gương sáng để bà con dân bản học tập.