WHO họp khẩn về bệnh đậu mùa khỉ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổ chức Y tế Thế giới đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 20/5 để thảo luận về sự bùng phát gần đây của bệnh đậu mùa khỉ, một bệnh nhiễm virus phổ biến hơn ở Tây và Trung Phi, sau khi hơn 100 trường hợp được xác nhận hoặc nghi ngờ nhiễm virus này ở châu Âu.
Nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu, Anh, Canada và Mỹ, khiến các cơ quan y tế lo ngại rằng căn bệnh nguy hiểm, mặc dù thường không đe dọa đến tính mạng, có thể lây lan. Ảnh: AFP
Nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu, Anh, Canada và Mỹ, khiến các cơ quan y tế lo ngại rằng căn bệnh nguy hiểm, mặc dù thường không đe dọa đến tính mạng, có thể lây lan. Ảnh: AFP

"Đây là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất và lan rộng nhất từng thấy ở châu Âu", cơ quan y tế của lực lượng vũ trang Đức đánh giá sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên tại nước này hôm 20/5 cho biết.

Các ca bệnh đã được báo cáo ở ít nhất 9 quốc gia - Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh - cũng như Hoa Kỳ, Canada và Australia.

Lần đầu tiên được xác định ở khỉ, căn bệnh này thường lây lan khi tiếp xúc gần gũi và hiếm khi lây lan ra ngoài châu Phi. Vì vậy hàng loạt trường hợp mới xuất hiện ở châu Âu đã gây ra sự lo ngại về một bệnh dịch do virus.

Tuy nhiên, các nhà khoa học dự đoán, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ không tiến triển thành đại dịch như COVID-19, do virus này không lây lan dễ dàng như SARS-CoV-2.

Virus gây bệnh đậu mùa ở khỉ dưới kính hiển vi. Ảnh: VGC

Virus gây bệnh đậu mùa ở khỉ dưới kính hiển vi. Ảnh: VGC

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đậu mùa ở khỉ thường là một bệnh do virus nhẹ, đặc trưng bởi các triệu chứng sốt cũng như phát ban sần sùi đặc biệt, mặc dù bệnh này hiện ít nghiêm trọng hơn về mặt lâm sàng.

Tuy rất ít khả năng đợt dịch này kéo dài, nhưng Giám đốc khu vực châu Âu của WHO cho biết ông lo ngại rằng tình trạng lây nhiễm có thể gia tăng trong khu vực khi mọi người tụ tập cho các bữa tiệc và lễ hội trong những tháng mùa hè.

Theo WHO, không có vaccine cho bệnh đậu mùa ở khỉ, nhưng dữ liệu cho thấy rằng các loại vaccine được sử dụng để diệt trừ bệnh đậu mùa thông thường có hiệu quả tới 85% đối với bệnh đậu mùa ở khỉ. Vì vậy, các nước nên chuẩn bị kho vaccine bệnh đậu mùa để "dự phòng khi dịch xảy ra".

Các nhà chức trách Anh cho biết họ đã cung cấp vaccine đậu mùa cho một số nhân viên y tế và những đối tượng khác có thể đã tiếp xúc với các nguồn lây bệnh đậu mùa ở khỉ.

Kể từ năm 1970, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ đã được báo cáo ở 11 quốc gia châu Phi. Nigeria đã có một đợt bùng phát lớn liên tục kể từ năm 2017. Cho đến nay, đã có 46 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trong đó 15 trường hợp đã được xác nhận, theo WHO.

Trường hợp đầu tiên ở châu Âu được xác nhận vào ngày 7/5 ở một cá nhân trở về Anh từ Nigeria. Kể từ đó, hơn 100 trường hợp đã được xác nhận bên ngoài châu Phi, theo một nhà khoa học của Đại học Oxford.

Tuy nhiên nhiều trường hợp không liên quan đến việc di chuyển đến châu Phi nên nguyên nhân của đợt bùng phát này vẫn chưa rõ ràng. Các cơ quan y tế cho rằng, bệnh đậu mùa ở khỉ có khả năng lây lan trong cộng đồng ở một mức độ nào đó.

Bệnh đậu mùa khỉ thường đi kèm với sốt, phát ban và sưng hạch bạch huyết và có thể dẫn đến một loạt các biến chứng y tế. Các triệu chứng thường kéo dài từ hai đến bốn tuần, có thể biến chứng nặng. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa là khoảng 3-6%, WHO cho biết.

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền sang người khi tiếp xúc gần với người hoặc động vật bị bệnh, hoặc với vật liệu bị nhiễm virus, WHO cho biết. Virus cũng lây truyền giữa người với người khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt đường hô hấp và vật liệu có virus như chăn ga gối...

Đọc thêm