"Xả bậy” ra môi trường, Sonadezi Long Thành vào "tầm ngắm" công an

Sau nhiều năm gây ô nhiễm môi trường và làm người dân địa phương khốn khổ, cuối cùng thì Nhà máy xử lý nước thải Sonadezi Long Thành cũng bị công an “sờ gáy”.

Từ năm 2005 đến nay, Sonadezi đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai xử phạt ít nhất 5 lần với tổng số tiền 136 triệu đồng, đó là chưa kể một lần “phạt hụt” 50 triệu đồng vì những hành vi xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

“Điệp khúc” tái phạm của Sonadezi

Tuy vậy, sau mỗi lần bị phạt, Sonadezi vẫn... tiếp tục vi phạm! Sự “nhờn luật” này khiến dư luận tại địa phương “nóng” nên từng ngày và rồi thì cơ quan công an cũng phải vào cuộc. Đầu tháng 8 vừa qua, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đã bắt quả tang Sonadezi xả thải vượt, sai quy định.

Sonadezi xả nước thải ra rạch Bà Chèo.

Trong lúc C49 chưa đưa ra kết luận cuối cùng về sai phạm cụ thể của Sonadezi, tại địa phương, chính quyền xã Tam An liên tục nhận được các yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại từ bà con nhân dân.

Theo ông Huỳnh Ngọc Trai - Chủ tịch Hội Nông dân xã, hiện toàn xã đã có 210 hộ dân đòi bồi thường thiệt hại với tổng giá trị trên 12 tỷ đồng (trong đó, nhiều hộ chưa ghi số tiền).

Những gốc sầu riêng thành đống củi khô.

Ông Trai nói: “Không biết việc xả thải của Sonadezi có phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại mùa màng cho nông dân nơi đây hay không, nhưng từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay thì nông dân nhiều ấp trong xã đã bị thiệt hại nặng nề”.

Những “thiệt hại nặng nề” này, theo ông Trai, là việc người nông dân nuôi cá - cá chết, nuôi vịt - vịt chết. Có hàng chục hộ nuôi vịt đẻ với số lượng hàng chục ngàn con cùng với những vườn cây ăn trái nổi tiếng cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Làm ăn lụn bại hết vốn, lại gánh thêm nợ nần, có người phải bỏ đất, bỏ nghề để đi làm công nhân.

Người dân: “Chúng tôi gào hết sức rồi”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của chính quyền địa phương, Chủ tịch Hội nông dân xã nói: “Không phải đến bây giờ bà con mới kêu nhưng thẩm quyền của xã chỉ dừng ở mức đến hiện trường lập biên bản mỗi khi bà con báo cáo có việc xả thải gây mùi hôi thối và màu nước vàng đen thôi. Nhiều lúc trời mưa, nước thải của nhà máy này tràn lên các miệng hố ga gây ngập đường và bốc khói nghi ngút. Vậy nhưng ở trên vẫn không ai chịu về tìm hiểu rõ nguyên nhân cả”.

Ông Võ Văn Luật - Chủ tịch UBND xã Tam An từ chối cho phóng viên PLVN số điện thoại của Chủ tịch Hội Nông dân xã và Trưởng ấp 2 của xã vì “sợ họ nói quá sự thật, nhất là ông trưởng ấp”.

Để đưa ra bằng chứng về “trách nhiệm” của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Trai - nguyên Bí thư xã Tam An cho phóng viên xem một loạt đơn thư của bà con và các biên bản tiếp xúc cử tri trong nhiều năm qua xoay quanh nội dung kêu cứu, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do việc xả thải của Sonadezi.

Ông Nguyễn Trai bức xúc: “Chúng tôi gào hết sức rồi. Có lúc đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lắm nhưng có ai đoái hoài giải quyết đâu? Sự im lặng của các cấp chính quyền khiến người dân mất niềm tin quá...”.

Nhờ sự làm ngơ của “các cấp trên”, Sonadezi thoải mái dùng “kế hoãn binh” khi bị người dân địa phương bắt quả tang hành vi gây ô nhiễm. Ông Kiều Hoàng Anh - Trưởng ấp 2 tức giận nói: “Mỗi lần họ xả thải gây hôi thối là tôi nhanh chân tới hiện trường và cùng các ban ngành kiến nghị. Nhà máy cứ đổ lỗi do sự cố mất điện, do đường ống bị vỡ, do đang trong quá trình vận hành thử, do đang nâng cấp hệ thống... rồi họ cam kết và hứa sẽ không xả thải nữa. Tuy nhiên, “bài ca” nhà họ hứa vẫn chỉ là hứa. Nói mãi rồi cũng chán vì chẳng giải quyết được gì cả. Chỉ tội cho dân thôi”.

Theo ông Hoàng Văn Thống - Chánh Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, 80% nước thải của Sonadezi Long Thành là từ dệt nhuộm và việc xử lý nước thải chưa bảo đảm tiêu chuẩn, quy định cho phép.

Ngọc Quý - Hồng Cơ

Đọc thêm