"Xả thải" và pháp luật

 Thiệt hại về môi trường là những thiệt hại có tính nghiêm trọng, thiệt hại tiềm ẩn, có thể dẫn tới thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người. Thế nhưng, tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) vẫn đang có diễn biến phức tạp. Đây là những nhận định được rút ra qua công tác theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) trong lĩnh vực BVMT.

Thiệt hại về môi trường là những thiệt hại có tính nghiêm trọng, thiệt hại tiềm ẩn, có thể dẫn tới thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người. Thế nhưng, tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) vẫn đang có diễn biến phức tạp. Đây là những nhận định được rút ra qua công tác theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) trong lĩnh vực BVMT.
Tung Kuang xa thải ra môi trường bằng cống ngầm.
Tung Kuang xa thải ra môi trường bằng cống ngầm.

Có sự “bao bọc”, làm ngơ

Giai đoạn 2005 – 2010 được coi là giai đoạn thành công nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, thể hiện qua việc Quốc hội thông qua Luật BVMT 2005 và Luật Đa dạng sinh học 2008. Cho đến nay, với tổng cộng 66 văn bản dưới luật được xây dựng và ban hành (23 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 43 văn bản cấp Bộ) đã tạo thành một hệ thống pháp luật về BVMT tương đối toàn diện và đồng bộ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ trách nhiệm BVMT trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, vi phạm pháp luật về môi trường lại vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội với phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi hơn, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế của đất nước, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân như gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, lo lắng về thực phẩm kém an toàn…, thậm chí còn trở thành mầm mống mất an ninh trật tự.

Trong năm 2007, Cục Bảo vệ môi trường đã kiểm tra tổng cộng 384 cơ sở, 47 khu công nghiệp và 7 làng nghề trên địa bàn 41 tỉnh, thành phố. Qua đó, phát hiện 69 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và 57 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cục Cảnh sát môi trường thì đã điều tra và xử lý một số trường hợp sai phạm nghiêm trọng như vụ công ty chăn nuôi bò sữa Thuận Thành (Quảng Trị) làm lây lan dịch lở mồm long móng, công ty Ngọc Sơn (Quảng Nam) khai thác rừng đầu nguồn, vụ nhập hơn 3.500 container ắc quy chì và nhập tài cũ về phá dỡ ở cảng Hải Phòng, vụ một công ty TNHH sản xuất ắc quy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Hà Nội…

Theo Tổng cục Môi trường, sở dĩ nhiều cơ sở và các nhân vi phạm là do ý thức tuân thủ pháp luật về BVMT còn kém. Mặt khác, các cơ quan chức năng dường như đã “bao bọc”, làm ngơ trước những sai phạm. Dễ thấy nhất là vụ cảnh sát môi trường bắt quả tang nhà máy Vedan Việt Nam xả chất thải độc hại ra sông Thị Vải.

Một câu hỏi được đặt ra trong vụ này là vì sao doanh nghiệp có chất lượng nước thải với mức độ ô nhiễm cao, thông số màu sắc vượt hơn 14 lần, thông số vi khuẩn vượt tới 480 so với quy định mà vẫn được cấp phép xả thải vào nguồn nước? Nhức nhối hơn là những sai phạm ấy đã diễn ra suốt 14 năm mới bị phát hiện?...

Pháp luật chưa đầy đủ, doanh nghiệp thủ lợi

Mặc dù hệ thống pháp luật về BVMT đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung song so với yêu cầu thực tiễn thì vẫn thiếu và chưa rõ ràng, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng “lách luật”. Điển hình là nhiều doanh nghiệp nước ngoài, do áp lực về môi trường ở nước họ, sẵn sàng đầu tư các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam nhằm trốn phí môi trường.

Không ít các công ty lớn nước ngoài đầu tư 100% vốn cũng thủ lợi, lơ là với trách nhiệm về xử lý an toàn chất thải của họ khi thấy chúng ta chưa có pháp luật đầy đủ về BVMT. Trong khi đó, việc điều tra, xử lý một số vụ việc vi phạm có yếu tố nước ngoài phải cân nhắc vì yếu tố ngoại giao, giải quyết bài toán “phát triển kinh tế - BVMT – công ăn việc làm của người lao động”!

Lợi dụng chủ trương mở cửa, chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước cùng với những kẽ hở pháp luật của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh nhưng không chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, nhất là các nhà máy, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp đang trong giai đoạn hoàn thiện và các cơ sở nằm trên lưu  vực sông.

Đáng lo ngại là các doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải mà lại luôn cố tình vi phạm, lén lút xả thải ra môi trường bằng việc xây dựng hệ thống bí mật, phức tạp, được ngụy trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn nên rất khó phát hiện. Các vụ việc của Vedan Việt Nam, công ty Tungkuang, công ty Miwon, Công ty thuộc da Hào Dương, công ty giấy Việt Trì…vẫn là những câu hỏi nhức nhối dư luận.

Một trong những nội dung theo dõi thi hành pháp luật là đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thì đối với lĩnh vực BVMT, các hoạt động phổ biến giáo dục đã được chú trọng, hình thức phổ biến ngày càng đa dạng, huy động sự tham gia của nhiều thành phần, ban ngành có liên quan.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyên truyền, phổ biến mới dừng lại ở việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành với các hình thức chủ yếu là tổ chức các hội nghị, băng rôn, khẩu hiệu, loa phát thanh, thường chỉ tập trung vào tháng hưởng ứng ngày Môi trường thế giới mà chưa thực sự đi sâu vào việc đề ra các biện pháp cụ thể để nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác BVMT, đặc biệt là việc tuyên truyền về BVMT tại các khu công nghiệp, làng nghề…

Hàn Thu

Đọc thêm