Xác định giá hàng hóa: Quy định chặt chẽ, cụ thể về căn cứ, phương pháp

(PLVN) -  Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện có liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Do vậy, các đại biểu Quốc hội cho rằng, khi sửa Luật Giá, cần quy định chặt chẽ, cụ thể về căn cứ, phương pháp xác định giá hàng hóa.
Ảnh minh họa

Lấp “khoảng trống” pháp luật trong việc xác định giá

Tại Kỳ họp thứ 4 vừa diễn ra, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giá (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Giá nhằm khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành; đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị vận hành thông suốt.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) chỉ ra rằng, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện có liên quan đến việc khi mua hoặc khi bán tài sản công đã xác định giá không đúng. Điều này dẫn đến việc các tổ chức tư vấn định giá hiện rất ngại, thậm chí không dám nhận định giá các tài sản khu vực công do lo ngại rằng việc định giá tại thời điểm định giá rất vô tư nhưng sau một thời gian, giá thị trường có thể thay đổi. Khi đó, họ lại có thể mắc vào vòng lao lý.

Mặt khác, nhiều cơ quan, đơn vị công không mua sắm được các tài sản, vật tư, hàng hóa vì e ngại không biết xác định giá sao cho phù hợp. Điển hình như các bệnh viện không mua được vật tư và thuốc chữa bệnh, nhiều tài sản công của Nhà nước không thể chuyển giao cho khu vực tư. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do hiện chưa có những quy định chặt chẽ, cụ thể về những căn cứ, phương pháp để xác định giá hàng hóa. “Chính vì chưa có căn cứ một cách chặt chẽ và cụ thể nên rất có thể khi định giá, người ta đã tìm các căn cứ để đưa hàng hóa có giá bán thấp xuống, rồi khi mua thì tìm căn cứ để đưa giá trị hàng hóa đó cao lên”, Đại biểu nêu quan điểm.

Do đó, Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật làm cơ sở cho việc xác định giá. “Dự thảo Luật cần phải có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá. Khi đó, những người làm chức năng tư vấn định giá không thể tùy tiện đưa các căn cứ định giá theo ý của mình. Đồng thời, khi đã sử dụng các công cụ đó rồi thì dù thời gian trôi đi, khi cơ quan kiểm tra, điều tra vào cũng vẫn có cơ sở để bảo vệ họ”, Đại biểu nhấn mạnh.

Nhấn mạnh việc xác định giá là một nội dung quan trọng, nhưng Đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra rằng, trong dự thảo Luật hiện quy định giao cho Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn toàn bộ những vấn đề liên quan đến phương pháp, căn cứ xác định giá. Theo Đại biểu, một văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính hoàn toàn không đủ cơ sở pháp luật để buộc những người tham gia định giá không có hành vi lợi dụng, trục lợi trong quá trình định giá và cũng không đủ cơ sở pháp luật để bảo vệ họ khi có những vấn đề liên quan đến điều tra, kiểm tra.

Đánh giá kỹ tác động việc bổ sung cơ sở dữ liệu quốc gia về giá

Về việc bổ sung cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được nêu tại Điều 41 và 42 của dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đề nghị cân nhắc kỹ. Bởi, tại Quyết định số 714 /QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, có 6 cơ sở dữ liệu quốc gia được ưu tiên, gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đất đai, quốc gia, về đăng ký doanh nghiệp, về thống kê tổng hợp, về dân số, về tài chính, về bảo hiểm.

Theo Đại biểu, việc xây dựng 6 cơ sở dữ liệu nêu trên đã được nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể và phát triển trên nền tảng có sẵn của các cơ quan liên quan. “Vì vậy, việc bổ sung cơ sở dữ liệu quốc gia về giá khi chưa có nền tảng sẵn có cần được nghiên cứu thấu đáo”, Đại biểu nói và đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực ngân sách Nhà nước đối với việc bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu này. Cùng với đó, Đại biểu đề nghị làm rõ cơ chế thu, mức thu từ người truy cập vào cơ sở dữ liệu cũng như phương án sử dụng nguồn thu này, làm rõ nội hàm cơ sở dữ liệu quốc gia về giá để đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng.

Trong khi đó, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, để xác định giá đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá, phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. “Tôi cho rằng việc kê khai giá là vô cùng quan trọng để tạo ra cơ sở dữ liệu đầu vào cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Vì vậy, tôi đề nghị hoạt động kê khai giá này không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá”, Đại biểu nêu ý kiến.

Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chỉ ra rằng, qua nghiên cứu dự thảo Luật cho thấy, có 13/72 điều luật giao Chính phủ quy định, trong đó có nhiều nội dung quan trọng cần phải được thể hiện trong Luật. Dẫn chứng quy định về thẩm quyền ban hành, điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật, Đại biểu cho rằng, việc quy định như vậy một mặt chưa phù hợp với thẩm quyền, mặt khác sẽ làm phát sinh vướng mắc trong thực hiện, không bảo đảm yêu cầu pháp điển hóa.

Đại biểu phân tích, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của từng người dân, doanh nghiệp liên quan đến sự bình ổn của thị trường. Do đó, các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cần được công khai, minh bạch. Từ đó, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần quy định rõ về thẩm quyền ban hành, điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá trong Luật để tránh sự tùy tiện mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các mặt hàng bình ổn giá.

Cũng góp ý về vấn đề định giá, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo Luật giảm bớt thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá đối với doanh nghiệp ở Trung ương. “Để các bộ và cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thì có sợ rơi vào “lợi ích nhóm” như trường hợp bộ kit test Việt Á hay không? Bởi nguyên nhân tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong những quy định bất hợp lý của pháp luật”, Đại biểu phân tích và đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá của các doanh nghiệp ở Trung ương.

Đọc thêm