Xác định nhầm hành vi bị cáo vụ “mang tội vì dựa hơi Vinashin”?

Vay tiền để chi trả cho các hoạt động của Công ty nhưng giám đốc, thủ quỹ và kế toán lại bị quy kết là tham ô tài sản.

[links()]Vay tiền để chi trả cho các hoạt động của Công ty nhưng giám đốc, thủ quỹ và kế toán lại bị quy kết là tham ô tài sản.

Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh vụ án “Tham ô tài sản” tại Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Trường Xuân có nhiều dấu hiệu oan sai do các cơ quan tố tụng tỉnh Nam Định đã nhầm lẫn khi xác định hành vi của các bị cáo.

Báo
Bài báo phản ánh vụ án “Tham ô tài sản” tại Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Trường Xuân có nhiều dấu hiệu oan sai...

Khi xét xử vụ án này, Tòa Phúc thẩm TANDTC đã hủy bỏ bản án sơ thẩm vì tại phiên tòa đã phát lộ nhiều lỗi rất nghiêm trọng của cấp sơ thẩm.

Trở lại nội dung vụ án, Công ty Trường Xuân là doanh nghiệp cổ phần với 3 thành viên góp vốn, trong đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) góp 51% (tương đương 10,2 tỷ), ông Tuyển góp 39% và ông Nguyễn Văn Nội góp 10% vốn.

Tuy nhiên, trong thực tế từ khi thành lập (năm 2004) đến nay thì Vinashin chỉ góp 50 triệu đồng và ông Nguyễn Văn Nội góp 100 triệu đồng. Như vậy, thực chất thì Vinashin chỉ là một cổ đông rất nhỏ của Công ty, không phải là cổ đông chiếm 51% vốn như đăng ký ban đầu.

Trong khi chỉ góp 50 triệu đồng nhưng mọi hoạt động của Công ty Trường Xuân vẫn được ông Hoàng Văn Tuyển “xin phép” Tập đoàn Vinashin, qua đó để được hỗ trợ vốn từ “Công ty mẹ”. Trong số các dự án mà Công ty Trường Xuân thực hiện có dự án xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy Xuân Tân, dự án đóng 16 xà lan đẩy.

Các dự án này đều được Tập đoàn Vinshin phê duyệt và cho vay vốn thông qua Công ty tài chính Vinashin - VFC. Song, để vay được tiền của Tập đoàn Vinashin, Công ty  Trường Xuân đã phải thế chấp tài sản của Công ty và tài sản cá nhân của ông Hoàng Văn Tuyển, đồng thời được chính Tập đoàn Vinashin bảo lãnh với số tiền bảo lãnh lên tới 20 tỷ đồng. Ngày 2/7/2007, Công ty  VFC đã ký hợp đồng tín dụng, cho Công ty  Trường Xuân vay 15 tỷ đồng để đóng 16 xà lan đẩy 450 tấn.   

Khi thực hiện dự án xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy Xuân Tân do Công ty  Trường Xuân làm chủ đầu tư, Tập đoàn Vinashin phê duyệt dự án và cho vay vốn đồng thời giao cho chính Công ty  Trường Xuân thực hiện san lấp mặt bằng và xây dựng tường bao, với giá trị gói thầu là hơn 7 tỷ 188 triệu đồng, trong đó hạng mục san lấp có giá trị hơn 5 tỷ 732 triệu đồng. Công ty Trường Xuân đã thuê Công ty Hương Bằng của ông Nguyễn Văn Hương thực hiện hạng mục này, với giá trị thực tế là 1 tỷ 286 triệu đồng.

Tuy nhiên, căn cứ vào dự toán hạng mục đầu tư san lấp mặt bằng đã được Tập đoàn Vinashin phê duyệt, ông Hoàng Văn Tuyển, Giám đốc Công ty  Trường  Xuân đã cùngCông ty Hương Bằng lập hồ sơ quyết toán hợp đồng san lấp mặt bằng dự án cụm công nghiệp Xuân Tân và trình Công ty  VFC duyệt giải ngân và được Công ty  VFC giải ngân cho vay hơn 4 tỷ 951 triệu đồng trong gói vay ngày 2/7/2007.

Khi được rải ngân, ông Tuyển đã chỉ đạo rút 4 tỷ trong số tiền trên để trả các khoản nợ khác của Công ty  Trường Xuân và cá nhân ông Tuyển. Theo kết quả điều tra thì số tiền 4 tỷ đồng này được sử dụng để trả nợ các khoản nợ của Công ty và của ông Tuyển vay phục vụ cho hoạt động của Công ty lên tới gần 3,99 tỷ đồng. Số tiền hơn 1 triệu đồng, thủ quỹ Mai Thị Tâm không giải trình được đã tiêu vào việc gì.

Thực chất thì đây là việc “quyết toán khống” để được vay tiền nhiều hơn số tiền đã chi. Nhưng, chính vì việc này, CQĐT Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố ông Hoàng Văn Tuyển về tội tham ô tài sản. Những người trong Công ty  giúp việc cho ông Tuyển là thủ quỹ Mai Thị Tâm, kế toán Đào Quang Huy và ông Nguyễn Văn Hương cũng bị khởi tố về tội danh tham ô với vai trò đồng phạm. Ngày 18/6/2012, TAND tỉnh Nam Định đã xét xử vụ án và xử phạt ông Hoàng Văn Tuyển 20 năm tù và 3 bị cáo khác là Đào Quang Huy, Mai Thị Tâm và Nguyễn Văn Hương đều chịu mức án 15 năm tù.

Nhưng, bản án này đã bộc lộ nhiều sai sót nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ. Theo Tòa Phúc thẩm TANDTC, nguồn gốc số tiền 4 tỷ đồng nằm trong số tiền 15 tỷ được Công ty VFC cho vay để đóng xà lan đẩy.

Sau khi ông Tuyển chỉ đạo rút số tiền này ra để trả các khoản nợ của Công ty Trường Xuân, Công ty  Trường Xuân cũng đã hoàn trả đủ số tiền này. Như vậy, số tiền 4 tỷ đồng đã không bị chiếm đoạt. Vì vậy, việc quy kết các bị cáo là “Tham ô tài sản” liệu có đúng pháp luật?.

Hơn nữa, cũng theo Tòa Phúc thẩm, số tiền 4 tỷ đồng mà các bị cáo bị quy kết là tham ô thì có rất nhiều khoản tiền chi sử dụng cho các hoạt động của Công ty nhưng cả kết luận điều tra, cáo trạng và cả bản án sơ thẩm đều quy kết các bị cáo tham ô tài sản.

Đối với thủ quỹ Mai Thị Tâm, mặc dù chỉ chi tiền theo chỉ đạo của cấp trên và chỉ không giải trình được khoản chi 1 triệu đồng trong số tiền 4 tỷ trên cũng bị quy kết là tham ô tài sản.

Công ty Trường Xuân được đăng ký kinh doanh với số vốn là 20 tỷ đồng nhưng thực tế thì các cổ đông mới góp vài trăm triệu đồng. Toàn bộ hoạt động của Cty đều do ông Tuyển đi vay và thế chấp bằng tài sản của gia đình ông Tuyển.

Vì thế, mang danh là Cty cổ phần nhưng thực tế thì tài sản của Công ty chủ yếu là tài sản của ông Tuyển. Do đó, việc ông Tuyển lấy tiền của khoản vay này để trả cho các khoản vay khác của Công ty và của cá nhân ông Tuyển thì việc kết luận ông Tuyển tham ô tài sản rất dễ quy kết bị cáo này chiếm đoạt tài sản của… chính mình.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Long, VPLS Trí Việt thì việc sử dụng vốn vay dựa trên hồ sơ quyết toán được lập không đúng pháp luật tuy có sai nhưng không đủ dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Vì, các bị cáo không chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Số tiền bị quy kết là “tham ô” thực chất chỉ là khoản tiền vay, sau này đã được hoàn trả đầy đủ. Do đó, định tội tham ô tài sản đối với các bị cáo là một sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Do vậy, việc điều tra lại cần phải sớm làm rõ các bị cáo có chiếm đoạt tiền của Nhà nước hay không để tránh việc kết tội tham ô đối với  hành vi rút vốn vay không đúng cách.

Bình Minh

Đọc thêm