Xâm lược Ukraine sẽ "là một thảm họa" đối với Moscow

(PLVN) - Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố trong một cuộc họp báo và lưu ý các ngân hàng Nga sẽ không thể thực hiện các giao dịch bằng USD nếu nước này xâm lược Ukraine.
Các binh sĩ Ukraine tại một vị trí chiến đấu ở Luhansk, Ukraine. Ảnh: NYT (chụp ngày 4/1/2022)

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Nếu họ thực sự làm những gì họ có thể làm với lực lượng được tích lũy ở biên giới, đó sẽ là một thảm họa đối với Nga”. Ông Biden cũng lưu ý rằng các đối tác và đồng minh của Mỹ bày tỏ sự sẵn sàng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, nếu Nga xâm lược Ukraine, nước này sẽ phải đối mặt với hậu quả kinh tế nghiêm trọng. "Nếu họ xâm lược, họ sẽ phải trả tiền. Các ngân hàng của họ sẽ không thể giao dịch bằng đồng đô la", ông Biden lưu ý.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Ông Biden cho biết nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về tình hình xung quanh Ukraine và lưu ý rằng, quyết định sẽ "duy nhất" là của ông Putin. Tổng thống Mỹ cho rằng, nhà lãnh đạo Nga hiện đang cân nhắc những hậu quả mà Nga có thể phải đối mặt trong ngắn hạn và dài hạn.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ nêu rõ, khả năng Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần vẫn ở mức thấp, do không phải tất cả các yêu cầu liên quan đều được Kiev đáp ứng. "Vì vậy, có nhiều cơ hội để làm việc nếu [Tổng thống Nga Vladimir Putin] muốn làm điều đó", ông Biden tuyên bố.

Không có căn cứ nào cho thấy các thành viên NATO sẽ không đồng ý về các hành động trả đũa nhằm vào Moscow trong bối cảnh diễn biến ở biên giới Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông đã có cuộc thảo luận rất thẳng thắn với Tổng thống Nga Putin. Tổng thống Mỹ đã thách thức những tuyên bố rằng NATO sẽ không đồng ý về tình hình xung quanh Ukraine, nhắc lại rằng ông đã nói chuyện với ban lãnh đạo NATO và cuộc họp Hội đồng Nga-NATO đã được tổ chức. Ông Biden cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu nước này xâm lược Ukraine.

"Cho đến nay trong ba cuộc họp, chúng tôi không đưa ra được bất cứ điều gì", nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố.

Tham vấn Nga-Mỹ về đảm bảo an ninh tại Geneva đã kết thúc vào ngày 10/1, sau đó là cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels vào ngày 12/1 và một phiên họp của Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna 13 tháng Giêng.

Trước đó, ngày 17/12/2021, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố dự thảo thỏa thuận về đảm bảo an ninh giữa Mỹ và NATO.

Ông Konstantin Gavrilov, trưởng phái đoàn Nga tới Vienna.

Theo ông Konstantin Gavrilov, trưởng phái đoàn Nga tới Vienna, cho biết, đề xuất của Nga đối với Mỹ và NATO nhằm tạo ra một hệ thống thỏa thuận mới, dựa trên việc bác bỏ các nỗ lực nhằm đạt được lợi thế quân sự.

"Các đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh nhằm mục đích tạo ra một hệ thống thỏa thuận mới, dựa trên việc bác bỏ các nỗ lực nhằm đạt được lợi thế quân sự và trên nguyên tắc an ninh không thể chia cắt theo cách hiểu ban đầu, được tất cả các nguyên thủ quốc gia của OSCE chấp thuận trong những năm 1990", ông Konstantin Gavrilov, nói.

"Chúng dựa trên việc loại trừ bất kỳ sự mở rộng nào về phía đông của NATO và triển khai các hệ thống vũ khí đe dọa gần biên giới của chúng tôi - đặc biệt là ở Ukraine - cũng như từ chối các sự kiện huấn luyện khiêu khích gần biên giới quốc gia của chúng tôi", nhà ngoại giao Nga cho biết.

Theo nhà ngoại giao Nga, tất cả những điều này là "lằn ranh đỏ" đối với Nga". "Đây là những yếu tố hoàn toàn cần thiết và bất khả xâm phạm". Về vấn đề này, Nga đã chỉ ra trước OSCE rằng công việc ngoại giao là tìm kiếm các giải pháp, dựa trên cán cân lợi ích, sự thừa nhận và tôn trọng lẫn nhau.

Nga: Phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine

Trong khi đó, hôm thứ Tư, Press TV đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã kêu gọi phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây đang sôi sục.

hứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

Ông Sergei Ryabkov mô tả sự trợ giúp quân sự như vậy là một mối đe dọa đối với đất nước của ông, hãng thông tấn Interfax đưa tin.

Nhà ngoại giao cấp cao của Nga cũng xác định tình hình xung quanh an ninh châu Âu là "nguy cấp".

Trước đó, một quan chức cấp cao của Mỹ xác nhận rằng Washington đã ủy quyền viện trợ an ninh bổ sung 200 triệu USD cho Ukraine. Cuối năm ngoái, Nhà Trắng đã chuyển 450 triệu đô la viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong tuần này, Anh cho biết họ đã bắt đầu cung cấp vũ khí chống tăng cho Ukraine.

Tổng thống Putin và các quan chức cấp cao khác của Nga đã nói đi nói lại rằng Moscow sẽ tìm kiếm sự bảo đảm của phương Tây, ngăn chặn việc NATO mở rộng và triển khai vũ khí gần biên giới nước ông.