Xây cabin giúp nữ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ

 Một nghiên cứu gần đây của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, có tới 83% nữ lao động cho rằng việc đi làm lại khiến học không thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn.  Bởi thế, mô hình xây dựng cabin cho các bà mẹ vắt sữa, trữ sữa cho con trong thời gian làm việc đã được triển khai. Đây thực sự là một chương trình rất ưu việt, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà ...

 Một nghiên cứu gần đây của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, có tới 83% nữ lao động cho rằng việc đi làm lại khiến học không thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn.  Bởi thế, mô hình xây dựng cabin cho các bà mẹ vắt sữa, trữ sữa cho con trong thời gian làm việc đã được triển khai. Đây thực sự là một chương trình rất ưu việt, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà ...

Chị em công nhân đợi đến lượt  sử dụng cabin vắt và trữ sữa của Công ty.
Chị em công nhân đợi đến lượt sử dụng cabin vắt và trữ sữa của Công ty.

Trẻ khôn lớn nhờ cabin

Với một quy trình làm việc khép kín, nội quy làm việc rất quy củ và nghiêm ngặt, nhưng Cty TNHH Tohoku Pioneer VN vẫn tạo mọi điều kiện để các nữ công nhân của mình thay nhau nghỉ ngơi để vắt sữa. Khi chúng tôi đến thăm, cũng là thời điểm chị em đang nghỉ giữa giờ nên khu vắt sữa khá đông. Cabin vắt sữa của công ty nằm trong một góc nhỏ của phòng y tế nên rất tiện lợi. Phòng rộng khoảng 6-7 m2, đủ cho khoảng 2-3 chị em ngồi vắt sữa. Sau khi vắt sữa, mỗi người tự động đánh dấu và bỏ vào tủ bảo quản rồi lại quay trở lại khu vực làm việc.

Chị Vũ Thị Hiền, y tá phụ trách phòng y tế của Cty cho biết, mỗi ngày có đến 30-40 nữ công nhân đến đây vắt và trữ sữa. Theo chị, đây là một mô hình rất tốt đối với chị em có con nhỏ, nhà xa. Trước kia, mỗi khi cương sữa họ chỉ biết vào nhà vệ sinh hoặc chỗ kín nào đó để vắt sữa đổ đi.

Bản thân chị vẫn biết sữa mẹ rất tốt nên chị vẫn vắt đều đặn ngày 2 lần và gửi nhờ vào tủ lạnh của căng tin, hoặc một số hộ dân gần đó, tối lại mang về cho con uống. Giờ đã có cabin vắt sữa ngay phòng y tế nên chị không phải vất vả như trước nữa.

Với gương mặt khá hồ hởi, chị Mai Thị Thùy Dương (1982), ở An Đồng, An Dương, Hải Phòng,  công nhân của Cty cũng cho chúng tôi hay: “Em thấy mô hình này vô cùng tiện lợi. Nhờ đó con trai em tuy không gần mẹ nhưng vẫn được bú sữa mẹ đều đặn. Chính vì thế, tuy mới được 10 tháng nhưng cháu đã nặng 11kg”.

“Công ty có tổng số 2.400 công nhân thì có tới hơn 90% là nữ. Do đó, chị em rất phấn khởi khi chương trình này được triển khai. Chúng tôi cũng hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng, tạo điều kiện cho chị em được nuôi con bằng sữa mẹ.” -  chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Công đoàn, Công ty TNHH Tohoku Pioneer VN chia sẻ

Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và Đà Nẵng là 4 địa phương được lựa chọn tham gia chương trình. “Kết quả bước đầu cho thấy, các phòng vắt và trữ sữa tại các tỉnh đã hoạt động rất hiệu quả. Trung bình có khoảng 10-20 bà mẹ sử dụng phòng vắt sữa mỗi ngày. Tại công ty lớn như Panasonic, số bà mẹ sử dụng phòng vắt sữa mỗi ngày lên tới gần 100 người. Ước tính sẽ có khoảng 20.000 lao động nữ ở 15 DN được hưởng lợi từ chính sách này” – bà Vũ Thị Thu Hà, cán bộ vận động chính sách của tổ chức Alive & Thrive đang phối hợp với Ban Nữ công Tổng LĐLĐ để thực hiện chương trình cho biết.    

Nhân rộng không giản đơn?

Biết là có lợi đấy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng ủng hộ chương trình này. Bà Phạm Thị Thơ, Trưởng Ban nữ công, Liên đoàn lao động TP. Hải Phòng cho chúng tôi hay, mặc dù Liên đoàn lao động TP đã rất tích cực vận động doanh nghiệp và công nhân hưởng ứng hoạt động này, nhưng đến nay mới chỉ có 33 doanh nghiệp ký cam kết là doanh nghiệp thân thiện với trẻ nhỏ, trong đó có 5 doanh nghiệp triển khai chương trình lắp đặt cabin vắt và trữ sữa, nhưng với sự bảo trợ về kỹ thuật và kinh phí của A & T.

Tuy chương trình có nhiều ưu điểm, nhưng cũng gặp  không ít trở ngại lại đến từ phía các doanh nghiệp. Nhiều nơi không tạo điều kiện về không gian (điểm vắt sữa không gần nơi công nhân sản xuất), thời gian (đề ra mức thưởng theo sản phẩm nên công nhân phải dành nhiều thời gian để đảm bảo sản lượng) cho các nữ công nhân tiếp cận với các điểm vắt và trữ sữa.

Ngay chính bản thân nữ công nhân, vì trình độ có hạn và tập quán địa phương họ vẫn không nhận thức được tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Mặt khác họ cũng e ngại việc trữ sữa trong tủ lạnh không đảm bảo vệ sinh nên không cho con bú.

Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên một tầm cao mới và đa dạng hơn. Cùng với đó, cần có sự chỉ đạo sát sao hơn từ phía công đoàn các cấp, thậm chí phải có một cam kết mạnh mẽ từ phía các DN.  

Trà Long

Đọc thêm