Xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

(PLVN) -Ngày 14/12, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đồng chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội Khoá XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật Khoa học và Công nghệ đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý hiệu lực cao, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức khoa học, công nghệ chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm phát triển thị trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh yêu cầu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày càng cao, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật, từ đó thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ tập trung vào 6 chính sách, gồm: Hoàn thiện quy định về thành lập, đăng ký và hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ; hoàn thiện quy định đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học, công nghệ; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định để thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp đánh giá nội dung đề nghị xây dựng Luật có thể dẫn đến sửa đổi rất lớn (50/81 Điều); vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét đề nghị xây dựng Luật thay thế Luật Khoa học và công nghệ hiện hành cho phù hợp. Đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cụ thể, phân tích chi tiết tính hợp lý, hợp pháp trong thực tế triển khai thời gian qua để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn đảm bảo phù hợp, khả thi.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các chính sách được đề xuất để đảm bảo thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đồng thời nghiên cứu thêm các kinh nghiệm của quốc tế trong việc phát triển khoa học, công nghệ.

Thứ trưởng cũng cho biết Luật Khoa học và Công nghệ hiện nay có nhiều nội dung vẫn còn phù hợp với thực tiễn, vì vậy, cần rà soát, đánh giá tổng thể các quy định để kế thừa các kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị nghiên cứu thêm một số giải pháp để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như xây dựng cơ chế về đầu tư rủi ro cho khoa học, công nghệ; nghiên cứu các mô hình thử nghiệm có kiểm soát; có chính sách phát triển các viện, trường, cơ sở nghiên cứu về khoa học công nghệ; xây dựng hệ thống chuyển giao ứng dụng đơn giản để đưa các nghiên cứu đi vào thực tiễn; đề xuất cơ chế ưu đãinhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng;…

Đọc thêm