Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí: Thắp lên ngọn lửa tri thức và lòng nhân ái

(PLVN) - Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” diễn ra hôm qua (21/6), Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thắp lên ngọn lửa tri thức và lòng nhân ái trong toàn xã hội.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí ký giao ước thực hiện phong trào thi đua.

Lễ phát động do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân phối hợp tổ chức. Tới dự Lễ phát động có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Cùng dự còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng -Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Lễ phát động phong trào thi đua là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và triển khai Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở đầu chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Khẳng định những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam là cội nguồn sức mạnh giúp dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thắp lên ngọn lửa tri thức và lòng nhân ái trong toàn xã hội. Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong xây dựng văn hóa công sở và văn hóa cơ quan.

Trên tinh thần này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu mà các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nước nhà cần tập trung thực hiện. Trước hết, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện, thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm cao nhất tính chính xác, sự tin cậy, tính nhân văn trong từng bản tin, từng bài báo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về văn hóa, định hướng việc phát huy giá trị văn hóa trong đời sống; tích cực xây dựng các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, có sức lan tỏa để mỗi sản phẩm báo chí đưa đến công chúng bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng. Xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa thời kỳ mới gắn với phát triển, hội nhập; cần chú trọng những giá trị chuẩn mực, phù hợp với hệ giá trị gia đình, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị quốc gia, dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với báo chí; chú trọng chăm lo, xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo, trọng tâm là xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, tinh thần tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, phóng viên, công chức, người làm báo.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phong trào thi đua phải được lan tỏa thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo; trong đó các cơ quan tổ chức phong trào phải hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào ở các cấp hội, cơ quan báo chí; hằng năm tiến hành việc đánh giá kết quả thực hiện, bình xét, trao tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng, đề xuất hình thức khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua tạo ra niềm tin, động lực, khí thế mới cho mỗi người làm báo Việt Nam trong giai đoạn tới. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc thực hiện phong trào ở các cấp Hội, ở mỗi cơ quan báo chí để phong trào thi đua lan tỏa, thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo.

Đề cao thành tố văn hóa trong tác phẩm báo chí

Phát biểu phát động phong trào thi đua, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ, báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa. Tác phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa, tinh thần phổ biến nhất trong xã hội hiện đại. Báo chí cũng là tấm gương phản chiếu văn hóa cộng đồng, tích cực quảng bá và góp phần phát triển các loại hình văn hóa khác. Trong những năm gần đây, cùng với sự đổi mới, đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao nhận thức của nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

Những thay đổi lớn trong môi trường kinh tế - xã hội tạo ra động lực và điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy theo hướng rộng mở và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển.

Đáng chú ý là sự xuất hiện của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới đã khiến thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm; một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế…

Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ, với vai trò là một thành phần của văn hóa, đồng thời là một trong những phương tiện chủ lực phổ biến các loại hình văn hóa đến toàn xã hội, mỗi cơ quan báo chí cần phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo cần luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm. Bên cạnh đó, báo chí cần chủ động, tích cực thúc đẩy, nâng cao văn hóa trong chính ngành nghề, lĩnh vực của mình.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã công bố bản tiêu chí cơ bản gồm 12 điểm về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa (6 điểm) và văn hóa của người làm báo Việt Nam (6 điểm), đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo Việt Nam và người làm báo trong cả nước tích cực hưởng ứng, chủ động ký kết giao ước thi đua, thực hiện tốt các tiêu chí đã đề ra. Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo 11 cơ quan báo chí đại diện các khối, loại hình, lĩnh vực báo chí trong cả nước đã ký kết giao ước thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 vào tối qua (21/6), ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh khẳng định, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Đồng thời, đây cũng là lúc phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đại diện các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, báo chí chỉ có thể làm tốt công tác văn hóa nếu cơ quan báo chí thực sự là cơ quan văn hóa với những người làm báo có văn hóa. Do vậy, việc phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là thực sự cần thiết, có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hiện nay. Phong trào được phát động giúp các cơ quan báo chí nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo đối với xã hội.

Với các tiêu chí được đưa ra cụ thể, rõ ràng, thiết thực sẽ góp phần giúp các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng, đó là gìn giữ, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... Làm theo tiêu chí này sẽ giúp tạo ra các sản phẩm báo chí trung thực, khách quan, có khả năng lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đạo đức và lòng nhân ái, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, độc, phản văn hóa.