Những tương đồng và khác biệt của truyền thống dân chủ ở đạo Tin lành và đạo Baha’i

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các chức vụ được bầu lên không được giữ chức vụ đến trọn đời mà hoạt động theo nhiệm kỳ dưới sự giám sát của tín đồ. Nhiều nơi, các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn bị lấy phiếu tín nhiệm.
Một buổi cầu nguyện tại nhà thờ Tin lành.
Một buổi cầu nguyện tại nhà thờ Tin lành.

Có quyền tự do bầu ra những người có năng lực

Là những tôn giáo thế giới, đạo Tin lành và đạo Baha’i ra đời cách nhau 3 thế kỷ, thuộc 2 nền văn hóa khác nhau (Tin lành thuộc nền văn hóa châu Âu, đạo Baha’i thuộc nền văn hóa Arap) và đều xuất phát từ các cuộc cải cách tôn giáo, ly khai khỏi tôn giáo gốc của mình (Tin lành ly khai của Công giáo, Baha’i ly khai của Islam).

Chính cơ sở hình thành này đã tạo ra cho 2 tôn giáo này nhiều điểm tương đồng, trong đó tiêu biểu nhất là sự tương đồng trong truyền thống bầu cử và quản trị. Trong cơ chế bầu cử chức vụ lãnh đạo và quản lý tổ chức tôn giáo, cả chức sắc và tín đồ đều có quyền tự do bầu ra những người mà họ thấy có năng lực, tâm huyết, phẩm chất đạo đức. Những người trúng cử, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng không có thần quyền, không phải là cầu nối trung gian trong mối quan hệ giữa tín đồ với các đấng linh thiêng.

Các chức vụ được bầu lên không được giữ chức vụ đến trọn đời mà hoạt động theo nhiệm kỳ dưới sự giám sát của tín đồ. Nhiều nơi, các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn bị lấy phiếu tín nhiệm. Nếu người nào đó không còn đủ tiêu chuẩn, tín nhiệm thì sẽ được thay thế bằng người khác. Chính cơ chế này đã tạo sức ép cho chức sắc phải luôn luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất.

Những khác biệt cơ bản

Bên cạnh những tương đồng trong truyền thống dân chủ và quản trị, đạo Tin lành và đạo Baha’i còn có nhiều điểm khác biệt trong truyền thống này. Khác biệt đầu tiên được thể hiện, đó là ở hình thức dân chủ.

Đa số các hệ phái Tin lành vẫn thực hiện hình thức dân chủ đại diện, các đại hội để bầu cử chủ yếu vẫn dưới hình thức đại hội đại biểu, rất ít nơi tổ chức đại hội toàn thể. Trong đó, các chức vụ như mục sư, giảng sư vẫn là những đại biểu đương nhiên.

Trong khi đó, đạo Baha’i, tất cả Hội đồng tinh thần các cấp đều thực hiện hình thức dân chủ toàn thể, theo thể thức bầu phiếu kín và kết quả theo đa số. Việc đề cử, vận động tranh cử và kết bè phái đều cấm. Mỗi cử tri có trách nhiệm phải ghi đủ trên phiếu bầu danh tính của chín người tín đồ Baha’i trưởng thành (từ 21 tuổi trở lên) hiện đang sinh sống trong cộng đồng, những người mà mình cho là kết hợp tốt nhất các phẩm chất về trung thành tuyệt đối, tận tụy quên mình, trí óc minh mẫn, khả năng công nhiên và kinh nghiệm chín chắn.

Chín người nhận được số phiếu cao nhất là đắc cử có nghĩa vụ phụng sự cho Hội đồng với khả năng tốt nhất. Những người được bầu này không có quyền từ chối nếu không có lý do chính đáng.

Khác biệt thứ hai, nhiệm kỳ đại hội, đạo Tin lành quy định nhiệm kỳ đại hội thường kéo dài từ 3 đến 5 năm, đạo Baha’i quy định nhiệm kỳ đại hội 01 năm. Trong khoảng thời gian nhiệm kỳ của đại hội, chức sắc của đạo Tin lành chịu sự kiểm soát của tín đồ. Nhiều hệ phái còn tổ chức cho tín đồ bỏ phiếu tín nhiệm cho mục sư, truyền đạo. Nếu mục sự, truyền đạo không còn đủ uy tín thì không được quyền chủ tọa chi hội nữa, nhưng đạo Baha’i không có hình thức này.

Khác biệt thứ ba, các vị trí chủ chốt lãnh đạo tổ chức, đa số các hệ phái đạo Tin lành khi tổ chức đại hội, họ tiến hành bầu cử lần lượt cho từng chức danh như mục sự, giảng sư, thư ký... dưới hình thức bằng phiếu kín, trưc tiếp. Người có số phiếu được bầu cao nhất cho mỗi chức danh sẽ được giữ chức danh đó.

Trong khi đó, đạo Baha’i không duy trì hình thức này mà chỉ duy trì hình thức bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất là Hội đồng tinh thần, sau đó Hội đồng tinh thần sẽ tự bàn bạc với nhau để bầu ra những người giữ các vị trí khác nhau để lãnh đạo hội đồng.

Khác biệt cuối cùng, khác biệt trong việc thiết lập cơ cấu tổ chức. Đạo Tin lành không lập ra tổ chức mang tính chất phổ quát cho toàn đạo mà đi theo hướng xây dựng các giáo hội riêng rẽ, độc lập với những hình thức khác nhau theo từng hệ phái, hoặc từng quốc gia. Trong cơ cấu tổ chức của giáo hội, các hệ phái Tin lành chủ trương giao quyền tự trị cho các giáo hội quốc gia, giáo hội quốc gia lại giao quyền tự lập, tự trị, tự dưỡng cho các hội thánh cơ sở.

Đạo Baha’i lại xây dựng cơ cấu tổ chức thống nhất cho toàn đạo gồm 3 cấp gồm: Hội đồng tinh thần quốc tế, Hội đồng tinh thần quốc gia và Hội đồng tinh thần địa phương. Đối với Hội đồng tinh thần địa phương, không quy định số lượng tối đa tín đồ mà chỉ quy định số lượng tối thiểu, ở mỗi địa phương nếu có đủ 9 tín đồ thì có thể thành lập hội đồng tinh thần địa phương. Mỗi hội đồng tinh thần địa phương hoạt động theo tinh thần tự sinh, tự dưỡng, tự truyền.

Tuy hình thức và mức độ dân chủ có khác nhau do xuất phát từ đặc điểm văn hóa, chính trị và xã hội khác nhau của 2 tôn giáo này nhưng truyền thống dân chủ trong hoạt động bầu cử và quản trị giáo hội của đạo Tin lành và đạo Baha’i có nhiều phần tương đồng. Nó đã góp phần tạo ra lối sinh hoạt tôn giáo đơn giản, linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng và hoàn cảnh khác nhau.

Chính vì thế, mặc dù là những tôn giáo ra đời muộn hơn rất nhiều so với các tôn giáo khác nhưng cả đạo Tin lành và đạo Baha’i đã nhanh chóng phát triển.