“Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, từng bước hiện đại“

(PLO) - Hôm nay (15/1), Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: ”Ngành Tư pháp cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: ”Ngành Tư pháp cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp”
Tại điểm cầu Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành TW Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bí thư BCHTW Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW và Hà Nội, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã tham dự Hội nghị. Tại các điểm cầu còn lại, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh, thành phố, đại diện các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự đã tham gia Hội nghị và có nhiều “hiến kế” tích cực cho công tác tư pháp năm 2015. 
*. Phấn đấu xứng đáng là “người gác cổng” trong công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: năm 2014 là năm đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã phấn đấu vượt qua khó khăn, tạo ra thế và lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, công tác tư pháp, tổ chức thi hành Hiến pháp có chuyển động tích cực; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả; các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được triển khai đồng bộ…
Có được những thành quả quan trọng này là nhờ nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị, trong đó có phần đóng góp tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp. Trước hết, phải kể đến những đóng góp của Ngành trong việc triển khai thi hành Hiến pháp mới. Cùng với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, Ngành đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân; thúc đẩy công tác hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ; giúp Chính phủ thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức nhiều diễn đàn tìm hiểu về Hiến pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật. 
Các vị đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015.
 Các vị đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2015.
Hệ thống các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng được xã hội hóa, phát triển mạnh về quy mô, chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng hiệu quả nhu cầu của xã hội. Việc thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội đạt được những kết quả khích lệ. Quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính được triển khai đồng bộ với quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính. Công tác trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, thi hành án dân sự, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tư pháp, pháp luật và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành được triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn. 
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tư pháp. 
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý: Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được Đảng, Nhà nước xác định là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; triển khai quyết liệt, hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế... 
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2015 đã xác định trong Báo cáo; đồng thời nhấn mạnh 5 yêu cầu đối với ngành Tư pháp. 
Một là, Ngành Tư pháp cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội; tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản cho phù hợp với Hiến pháp. Huy động trí tuệ của toàn Ngành góp phần nâng cao chất lượng hoàn thiện thể chế, tham gia sâu và hiệu quả vào việc hoàn thiện các dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nhất là Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Bộ luật hình sự (sửa đổi); tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Các Ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ này. 
Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; gắn kết công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản pháp luật, xứng đáng là “người gác cổng” trong công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ; chú trọng tính dự báo của các chính sách, đảm bảo tính khả thi phù hợp với thực tiễn cuộc sống trong việc ban hành văn bản để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch trong quản lý nhà nước và thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.  
Ba là, tích cực chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành kịp thời, hiệu quả các luật được Quốc hội thông qua, đặc biệt là các luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật bảo hiểm xã hội, Luật hôn nhân và gia đình, Luật công chứng, Luật hộ tịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự... 
Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó lưu ý tới các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện cho người dân; nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của ngành Tư pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế cũng như quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế.
Năm là, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan tư pháp, pháp chế các ngành, các cấp; cần nhận thức sâu sắc trong toàn ngành về vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ, tăng cường chất lượng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ tư pháp và pháp luật, nhất là cán bộ tư pháp cho cơ sở; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, từng bước hiện đại.   
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, năm 2015 và những năm tiếp theo, đất nước đứng trước những cơ hội, thách thức và vận hội mới. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của toàn thể cán bộ ngành Tư pháp, công tác tư pháp sẽ có bước phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020./.

Đọc thêm