Nợ hàng ngàn tỷ đồng
Có thể thấy, những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) liên tục gia tăng và phức tạp, xảy ra ở hầu hết các khâu như: Lập tờ khai cấp sổ BHXH lần đầu, ghi và xác nhận thời gian công tác; thu nộp BHXH, BHYT; quản lý hồ sơ, giải quyết chế độ chính sách... Chủ yếu ở các nhóm như: Vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT; vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT và liên quan đến việc quản lý, thực hiện BHXH, BHYT.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, nếu như năm 2007 tổng số nợ BHXH, BHYT cả nước lên đến 1.734 tỷ đồng, thì năm 2013 số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là trên 6.400 tỷ đồng và đến nay con số là 11.500 tỷ đồng. Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra ở hầu hết các địa phương ngày càng nhiều và phổ biến nhất vẫn ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Đây là nguyên nhân gây thiệt hại lớn tài chính cho Quỹ BHXH, Quỹ BHYT và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng ngàn lao động. Bên cạnh đó, tình trạng làm giả, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH cũng gia tăng. Đơn cử, tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, cơ quan BHXH phát hiện gần 1.000 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH làm giả, phô tô màu, tẩy xóa; Hải Phòng hơn 400 hồ sơ, Thanh Hóa hơn 200 hồ sơ, Thái Bình hơn 300 hồ sơ và Lào Cai gần 500 hồ sơ... bị làm sai lệch một số nội dung, trong đó chủ yếu là sai lệch thời gian đóng BHXH. Tình trạng lập khống hồ sơ về thời gian tham gia BHXH ở nhiều địa phương và có chiều hướng gia tăng.
Ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, mặc dù ngành BHXH đã sử dụng hầu hết các biện pháp thu hồi nợ BHXH, BHYT như: Thanh ,kiểm tra, áp dụng chế tài xử phạt các hành vi nợ BHXH, BHYT, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT vẫn không hề thuyên giảm. Việc khởi kiện các đơn vị vi phạm BHXH, BHYT ra Tòa cũng là một vấn đề nan giải, chưa nói đến việc thu hồi tiền nợ. Chỉ tính từ năm 2010 - 2013, BHXH đã khởi kiện 3.976 doanh nghiệp có số nợ không hề nhỏ với 1.788 tỷ đồng, nhưng số tiền thu hồi vẫn chưa bằng số lẻ. Do đó, nếu không bị xử lý kịp thời bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật hình sự thì lòng tin của nhân dân vào chính sách xã hội, tính nghiêm minh của pháp luật sẽ bị giảm sút.
Có thể bị phạt tù
Theo Trưởng ban Pháp chế - BHXH Việt Nam, Luật BHXH, Luật BHYT cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh cụ thể đối với những hành vi này nên không xử lý được. Vì vậy, cần phải xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH, BHYT theo hai phương án, như: Thứ nhất, không đóng đủ từ 3 tháng trở lên với số tiền từ 100 triệu đồng thì bị phạt gấp 3 lần; phạm một trong các trường hợp (không đóng từ 300 đến dưới 600 triệu đồng; không đóng từ 50-100 lao động; đã thu phần đóng nhưng không nộp), bị phạt tiền gấp 5 lần số tiền trốn đóng; gấp 7 lần với các trường hợp như trốn đóng từ 600 triệu đồng trở lên; từ 100 lao động trở lên; đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích... Thứ hai, phạt tiền từ 3 - 5 lần số tiền trốn đóng, phải cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm với tội trốn đóng từ 100 đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng từ 30 - 100 người gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này nhưng chưa hết thời hạn được coi là xóa vi phạm mà tiếp tục vi phạm. Phạt tiền từ 5- 7 lần số tiền trốn đóng hoặc phạt tù từ 2- 7 năm với hành vi có tổ chức, phạm tội nhiều lần, trốn đóng từ 300 đến dưới 1 tỷ đồng, không đóng từ 100- 300 lao động và gây hậu quả nghiêm trọng. Phạt tiền gấp 10 lần hoặc bị phạt tù từ 5- 10 năm với số tiền trốn đóng trên 1 tỷ đồng; trên 300 lao động không được đóng; gây hậu quả nghiêm trọng...
Về vấn đề này, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật- Bộ Tư pháp cho rằng, cần xác định rõ tên tội danh BHXH, BHYT bởi hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. BHXH là trốn đóng của người lao động, nhưng BHYT không chỉ liên quan đến người lao động mà còn liên quan đến nhiều đối tượng khác như trẻ em, người dân nghèo, học sinh. Vì vậy, hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cần quy định tên gọi chung và cần có định lượng số lượng trốn đóng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Với phương án trên khó truy cứu trách nhiệm người đứng đầu được, vì quyết định trốn đóng có thể là của tập thể. Tội danh vi phạm BHXH, BHYT rất giống tội danh vi phạm thuế nên chúng ta quy định ghép vào tội trốn thuế sẽ khả quan hơn...
Theo đánh giá, Nghị định 95 xử phạt vi phạm hành chính về BHXH, BHYT đã quy định cụ thể số người lao động trốn đóng BHXH, BHYT, do đó không nên quy định số người trốn đóng ở Bộ luật Hình sự mà cần quy định số tiền trốn cụ thể. Bên cạnh đó cũng cần quy định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự khi đơn vị đã khắc phục được hậu quả trước khi xét xử.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com