Xây dựng trong đầu tư công: Đội vốn “khủng” vì là... “chùm khế ngọt”?

(PLO) - Đội giá 50%, 100%, thậm chí là 200% - thực trạng này chỉ xảy ra đối với các dự án đầu tư công. Một loạt câu hỏi được đặt ra và câu chuyện quản lý giá trong hợp đồng xây dựng nóng hơn bao giờ hết khi các dự án vẫn thi nhau đội giá…
Vấn đề được đề cập tại hội thảo “Quản lý giá hợp đồng xây dựng tại Việt Nam” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức hôm qua (9/10).
“Con đường đắt nhất hành tinh”
Có lẽ đây là cụm từ lần đầu tiên xuất hiện khi nói về đường Xã Đàn đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) khi chỉ hơn nửa cây số nhưng đã ngốn 642 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đồng/mét đường). Nhưng kỷ lục này sau đó đã được xóa bỏ bởi nhiều con đường có giá đầu tư đắt hơn thế… 
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đây không phải cách nói cho vui bởi các con số đưa ra chứng minh có vẻ khá thuyết phục, thậm chí còn dẫn chứng thông qua các thông tin từ các ngân hàng quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á và các nhà tài trợ ODA.
Gần đây, dư luận lại xôn xao về vấn đề đội giá không bình thường của các dự án đường sắt đô thị TP HCM và thủ đô Hà Nội. Ngoài tuyến Bến Thành - Suối Tiên đội giá cao nhất (hơn gấp đôi - từ 1,09 tỷ USD lên 2,47 tỷ USD) thì các dự án khác ít cũng đội giá gấp rưỡi, như: Tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương từ 1,374 tỷ USD lên 2,074 tỷ USD; tuyến số 5 Ngã Tư Bẩy Hiền - Tân Cảng từ 0,833 tỷ USD lên 1,31 tỷ USD; tuyến Cát Linh - Hà Đông từ 552,86 triệu USD lên 868,04 triệu USD; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu  euro…
“Không  rõ đến lúc dự án hoàn thành  và quyết toán thì còn đội giá đến đâu nữa…”, TS Phạm Sỹ Liên, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam sốt ruột.
Không ai chịu trách nhiệm?
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đội vốn. Từ góc nhìn Ban Quản lý dự án, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM Lê Khắc Huỳnh trả lời trên báo chí là do chưa có kinh nghiệm về metro nên vừa làm vừa học hỏi, vì vậy trong quá trình triển khai có nhiều yếu tố phát sinh, phải cập nhật, điều chỉnh dẫn đến tăng vốn. 
Dưới góc nhìn chuyên gia, nguyên nhân đội vốn được chỉ ra là do năng lực chuyên môn và quản lý của chủ đầu tư cộng với thiếu công khai, minh bạch thông tin dự án. Tuy nhiên, có một thực tế mà chính Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thừa nhận trong lời phát biểu khai mạc là chỉ các dự án đầu tư  vốn nhà nước mới bị đội, trong khi các dự án tư nhân thì “không dễ đội vốn”. 
Giám đốc một công ty xây dựng lớn trong một trao đổi với báo chí cũng cho rằng, các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài đều có hiện tượng tiến độ kéo dài và đội vốn vì các cấp quản lý xem đó là “chùm khế ngọt”. Ngoài ra, bộ ba khung pháp lý, thể chế và tài chính trong việc sử dụng vốn ODA đều chưa đầy đủ…
Theo TS Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá xây dựng nói chung, công tác quản lý giá hợp đồng xây dựng nói riêng đã từng bước được đồng bộ hóa và tiệm cận thông lệ quốc tế. 
Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều tồn tại như việc tính giá xây dựng còn thiếu nội dung chi phí, phương pháp tính toán còn chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, vẫn còn nặng tính bình quân; việc tính giá xây dựng chưa gắn với điều kiện thương mại của hợp đồng xây dựng dự kiến áp dụng cho gói thầu đó; việc phân chia gói thầu còn hạn chế; việc lựa chọn hình thức giá hợp đồng  còn mang tính chủ quan. 
Đặc biệt, ông Khánh cũng thừa nhận quá trình điều chỉnh giá hợp đồng, thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng còn nhiều bất cập do trong hợp đồng  còn thiếu thỏa thuận cụ thể hoặc do sợ trách nhiệm…
Ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý  xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) đã liệt kê một loạt vướng mắc liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu tư xây dựng, từ  quản lý khối lượng, đơn giá đến điều chỉnh đơn giá, điều chỉnh hợp đồng… Theo ông, những vướng mắc đó đã được Cục gửi văn bản đến các bộ, ngành liên quan và vẫn đang chờ hướng dẫn…
Xung quanh vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm đi sâu phân tích nguyên nhân một loạt dự án đường sắt đô thị đội vốn và đặt vấn đề: Đối với những dự án lớn như vậy, tại sao chủ đầu tư không thuê tư vấn quản lý dự án, kể cả tư vấn quốc tế, mà cứ muốn tự mình quản lý để rồi lại tự nhận mình chưa có kinh nghiệm? Phải chăng vì đó là “chùm khế ngọt”? Đã thấy dự án mới mẻ và phức tạp, tại sao cùng lúc lại triển khai nhiều dự án thành phần như vậy mà không triển khai một dự án thí điểm để rút kinh nghiệm rồi mới làm đại trà? Tại sao tư vấn lập dự án, khảo sát thiết kế và giám sát đều thuê nước ngoài mà năng lực yếu kém như vậy? Họ và các bên thẩm định, phê duyệt dự án có phải chịu trách nhiệm gì trong việc đội vốn này không?
Ông Liêm cũng thẳng thắn cho rằng, tính minh bạch trong chủ trương và thực hiện đầu tư trong các dự án đội vốn này đều kém, và ông cũng nói thẳng: “Thực ra là không có ý định minh bạch hóa. Thông tin về các dự án này rất lờ mờ, nhất là về chủ đầu tư dự án…”.

Đọc thêm