Ngày 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, cơ bản tán thành báo cáo, tờ trình của Bộ Công Thương, Thủ tướng cho rằng, ở các quốc gia, vị trí của cơ quan này rất quan trọng.
Việc điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh có tính chất đa quốc gia, xuyên biên giới đòi hỏi phải xây dựng mô hình cơ quan cạnh tranh có vị thế, vai trò đủ mạnh để tiến hành thực hiện hoạt động điều tra, xét xử một cách độc lập theo quy định.
Thủ tướng thống nhất với phương án Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tương đương Tổng cục, theo đó, cơ quan điều tra của Ủy ban sẽ tương đương cấp Cục nhằm bảo đảm vị thế, yếu tố độc lập trong việc triển khai chức năng, nhiệm vụ. Mô hình Tổng cục sẽ thuận lợi để xây dựng cơ chế hoạt động, mối quan hệ của Ủy ban với Bộ Công Thương và các cơ quan khác.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm, vì thế, xác định vị thế Ủy ban tương đương Tổng cục cũng sẽ bảo đảm tính tương đồng về thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần thu gọn đầu mối bên trong, nhưng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý để làm đúng chức năng, nhiệm vụ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Biên chế phù hợp với từng chức năng, nhiệm vụ.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo văn bản của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về mô hình tổ chức của Ủy ban để xin ý kiến các thành viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị.
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đã báo cáo một số nội dung về cơ cấu tổ chức của Ủy ban này.
Đề xuất một số phương án về mô hình tổ chức của Ủy ban, Bộ Công Thương cho rằng, để thực thi đầy đủ Luật Cạnh tranh 2018, việc sớm thành lập, kiện toàn, ổn định tổ chức, hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cần thiết, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công bằng, góp phần bình ổn thị trường, bình ổn giá và bảo vệ người tiêu dùng.