Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Đẩy mạnh cải cách tư pháp

(PLVN) - Cùng với lập pháp và hành pháp, hoạt động tư pháp có vai trò rất quan trọng, với chức năng bảo vệ luật pháp, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước... Thực hiện công cuộc đổi mới, bên cạnh việc xây dựng, củng cố Nhà nước, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác tư pháp và đổi mới hoạt động tư pháp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

Vị thế của tư pháp và những kết quả bước đầu thực hiện cải cách tư pháp

Nhà nước ta ngay từ khi ra đời đã rất quan tâm đến quyền tư pháp và xây dựng, củng cố cơ quan tư pháp. Hiến pháp 1946 đã dành một chương (Chương 6) về cơ quan tư pháp. Hiến pháp 2013 quy định: TAND và VKSND là những cơ quan tư pháp của Nhà nước ta.

Từ năm 2002 đến 2005, Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề về công tác quan trọng này. Đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW (về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới) và Nghị quyết số 49-NQ/TW (về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020). Đồng thời, ngày 19/9/2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 39-QĐ/TW, thành lập Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương do Chủ tịch nước làm Trưởng ban. Gần đây, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã và đang được nghiên cứu, xây dựng, chuẩn bị trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XIII.

Tại Hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, diễn ra ngày 11/1/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: sau 20 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, công tác CCTP trong TAND - cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của tòa án…

Nhìn lại hơn 30 năm qua, hoạt động CCTP đã đạt được những kết quả quan trọng; đã thực hiện cải cách về thể chế, đổi mới tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ. Tổ chức và hoạt động của TAND, VKSND có bước đổi mới. Tổ chức các cơ quan điều tra được sắp xếp lại; hoạt động điều tra, truy tố và xét xử có tiến bộ về chất lượng. Đã dần hình thành hệ thống pháp luật về tư pháp, bao gồm thủ tục tố tụng và nội dung pháp luật được đổi mới. Đã đề cao trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm công bằng và công lý về thực hiện quyền tư pháp, trên cơ sở đó đề cao quyền con người, quyền công dân, bảo đảm công bằng và công lý.

Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn những hạn chế, bất cập nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân và hội nhập quốc tế. Cải cách tư pháp vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Nhiều vấn đề từ thực tế công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đặt ra cần được giải quyết. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trong đó, đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, càng đòi hỏi bức thiết tăng cường cải cách tư pháp.

Thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát thực thi quyền lực

Trong các nghiên cứu và hội thảo khoa học vừa qua về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và CCTP, các nhà khoa học và các nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp rất toàn diện. Chúng tôi xin tập trung nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, làm rõ hơn địa vị pháp lý của tư pháp trong mối quan hệ phối hợp thực hiện quyền lực nhà nước: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp về lý luận và thực tiễn. Đồng thời, cụ thể hơn về cơ chế phân công và phối hợp trong thực hiện ba quyền này. Hiện nay, trong nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn, nội hàm của cơ chế phân công và phối hợp trong thực thi quyền lực nhà nước giữa ba quyền chưa thật sự sáng tỏ. Do đó, các quy định của Hiến pháp và pháp luật trong thực thi còn khó khăn hoặc kém hiệu quả. Một trong những quyền tư pháp là quyền phán quyết tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm việc thực thi hiến pháp, pháp luật.

PGS.TS Phan Hữu Tích

Theo PGS.TS Nguyễn Hòa Bình “ở nhiều nước trên thế giới, cơ chế bảo hiến thường được giao cho Tòa án Hiến pháp hoặc Tòa án Tối cao đảm nhiệm. Thực hiện chức năng này, tòa án không chỉ xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật, mà còn xem xét, phán quyết về các văn bản vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Ở nước ta, nhiệm vụ này được giao cho nhiều cơ quan nên có những hạn chế: phân tán, thiếu chuyên nghiệp, kém hiệu lực, không được quan tâm trên thực tế, dẫn đến vi phạm kéo dài xảy ra ở một số lĩnh vực, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.

Hai là, tập trung sửa đổi, ban hành mới những bộ luật, luật bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo hành lang pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi phát huy mọi nguồn lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đó là khát vọng mà mỗi người dân Việt Nam mong muốn phấn đấu để thành hiện thực. Cần rà soát tổng thể những vướng mắc, điểm nghẽn trong hoạt động các lĩnh vực kinh tế - xã hội và yêu cầu mới của phát triển đất nước, hội nhập quốc tế làm căn cứ để xác định đúng và trúng chương trình xây dựng pháp luật. Tập trung vào những luật đang có yêu cầu bức thiết từ cuộc sống như Luật Đất đai và các luật có liên quan. Cùng với đó, coi trọng các luật khuyến khích sản xuất, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số và phát triển văn hóa… để khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực đất nước và trí tuệ, sức mạnh của con người Việt Nam.

Ba là, thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát thực thi quyền lực của các cơ quan nhà nước và cá nhân được giao quyền, được ủy quyền.

Kiểm soát việc thực thi quyền lực chống tham quyền, lạm quyền, chống tham nhũng, nhóm lợi ích từ khâu xây dựng chính sách, trong quản lý, điều hành. Quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo gắn với chế tài cụ thể. Xây dựng pháp luật và các quy chế, quy định cụ thể về giám sát và kiểm soát thực thi quyền lực của cả hệ thống chính quyền nhà nước. Gắn kiểm soát việc thực thi quyền lực với cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng cơ quan hành chính phục vụ, liêm chính.

Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để nhân dân giám sát hoạt động của Đảng theo khoản 2 Điều 4 Hiến pháp 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Trên cơ sở đó thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn xã hội, bảo đảm tính đồng bộ, sâu sắc, triệt để.

Bốn là, xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, có phẩm chất chính trị, bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy phục vụ Nhân dân.

Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND”. Theo đó, xây dựng TAND, VKSND theo mô hình tổ chức hợp lý; nghiên cứu hoàn thiện mô hình TAND khu vực, nâng cao chất lượng xét xử. Tiếp tục đổi mới, tổ chức lại các cơ quan điều tra, hoàn thiện quy trình tố tụng và các hình thức tổ chức phiên tòa. Xây dựng VKSND trong sạch, vững mạnh, sử dụng sức mạnh tổng hợp các quyền năng pháp lý thuộc quyền công tố để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ tư pháp. Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của cán bộ tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện và kiểm soát việc thực thi các chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật đảm bảo quyền con người, pháp luật quốc tế, pháp luật hình sự, dân sự, thương mại, kinh tế.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp, nhất là đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên phải thực sự liêm chính, công tâm, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới… theo tinh thần của Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược CCTP đến năm 2020. Đây là yếu tố con người của cải cách tư pháp.

Đọc thêm