Xây dựng văn hóa sử dụng vỉa hè, lòng đường ở Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại nhiều tuyến phố ở Thủ đô, tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông.
Vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, đỗ xe. (Ảnh: PV)
Vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, đỗ xe. (Ảnh: PV)

Khi vỉa hè, lòng đường bị “áp bức”

Cuối tháng 2/2023, các quận nội thành của TP Hà Nội đồng loạt ra quân rầm rộ, rộng khắp với mục tiêu “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Trước khi thực hiện chiến dịch, thành phố đã xây dựng một kế hoạch bài bản, chi tiết; đồng thời triển khai hội nghị trực tuyến với các điểm cầu của 30 UBND cấp quận, huyện và 579 UBND xã, phường.

Thời điểm đó, lãnh đạo từ thành phố đến các quận, huyện đều thể hiện quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường với phương châm “không có vùng cấm”, để Hà Nội xứng đáng là một đô thị đặc biệt của Việt Nam.

Vậy mà sau một năm rưỡi kể từ cuộc tổng kiểm tra, trên nhiều tuyến phố của quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân..., tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn liên tục tái diễn. Dạo quanh các tuyến phố, nhất là khu vực phố cổ, không khó để bắt gặp hình ảnh vỉa hè, lòng đường biến thành nơi tụ tập kinh doanh, bày bán hàng hoá tràn lan.

Nhiều khu vực còn trở thành điểm gửi xe máy, miễn phí hoặc thu phí. Vỉa hè, vốn được thiết kế dành cho người đi bộ, giờ đây bị chiếm dụng bởi bàn ghế, kệ tủ, hàng hóa, xe máy,… khiến người đi bộ phải đi dưới đường, len lỏi qua dòng phương tiện đông đúc.

Thông tin từ Công an quận Tây Hồ, trong gần 8 tháng đầu năm 2024 (15/12/2023 đến hết 07/08/2024), Công an quận đã kiểm tra xử phạt 9.444 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn quận, phạt tiền 9.771.200.000 đồng. Trong đó, lấn chiếm lòng đường, hè phố là 440 trường hợp, bán hàng rong là 2.287 trường hợp.

Dẫu biết rằng việc buôn bán trên vỉa hè từ lâu đã thành một “thông lệ” của người dân Hà Nội. Với ưu điểm dễ mua, dễ bán, thuận lợi cho việc kinh doanh nên nhiều quán ăn ngon, hàng quán lâu đời và nổi tiếng đều xuất phát từ quán vỉa hè. Sự sôi động và đa dạng trên vỉa hè cũng được coi là “hơi thở” của phố cổ, của Thủ đô, là điểm nhấn đặc biệt thu hút không ít người nước ngoài khi đến Việt Nam.

Thế nhưng, vỉa hè không chỉ là nơi chứa đựng những hình ảnh thân thuộc của Thủ đô hay là nguồn sinh kế của nhiều người dân, mà còn phản ánh những vấn đề nhức nhối trong đời sống đô thị, từ ý thức đến cách sử dụng vỉa hè. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông.

“Bài toán” kinh tế và trật tự đô thị

Theo thống kê, trong 10 năm qua (từ năm 2014 đến nay), Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng chỉ sau khi ra quân một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn, thậm chí có khi, có lúc mức độ còn nghiêm trọng hơn.

Tại Kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khóa 16 vào tháng 12/2023, trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về vấn đề này, đại diện Công an Thành phố Hà Nội cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do ý thức, trách nhiệm của người dân chưa cao, nhiều trường hợp cố tình vi phạm, tại nhiều khu vực vẫn còn tình trạng các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền sở tại còn lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm duy trì kết quả đã đạt được, dẫn đến tình trạng vi phạm tái diễn.

Liên quan đến vấn đề vỉa hè, lòng đường đang bị chiếm dụng, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định, vỉa hè là một tiêu chí để cấu thành nét đẹp của thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Theo ông, vỉa hè có đa chức năng, trong đó chức năng dành cho người đi bộ là chức năng quan trọng, bên cạnh có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề dân sinh nhưng phải bảo đảm nề nếp.

Do đó, cần phải bảo đảm vấn đề trật tự, an toàn giao thông và các hoạt động văn hóa xã hội. Đặc biệt đối với vấn đề trật tự, an toàn giao thông, TS. Khương Kim Tạo nhấn mạnh tình trạng người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường để di chuyển tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính họ và người tham gia giao thông bằng phương tiện khác.

Để xóa bỏ cảnh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tiếp tục diễn ra như “cơm bữa”, các chuyên gia đề xuất TP Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường kiểm tra và kiểm soát để duy trì trật tự lâu dài, đồng thời nhanh chóng quy hoạch các điểm trông giữ xe an toàn và thuận tiện, đặc biệt ở các khu vực đông dân cư.

Đồng thời, tính toán việc quản lý khai thác vỉa hè bảo đảm hài hòa giữa “bài toán” kinh tế và trật tự đô thị. Các quận, huyện, thị xã nên xây dựng phương án sắp xếp hợp lý cho các hộ kinh doanh, bảo đảm trật tự đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống. Công tác quản lý vỉa hè cần được chú trọng ngay từ giai đoạn lập quy hoạch đô thị.

Một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều thời gian qua giúp quản lý vỉa hè, lòng đường tốt hơn là cho thuê vỉa hè. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để phương án này đạt hiệu quả khi đi vào thực tiễn, còn nhiều việc phải làm.

Đánh giá về phương án này, TS. Khương Kim Tạo đánh giá, để việc thu phí vỉa hè khả thi và nhận được sự được đồng thuận, trước tiên, Hà Nội cần quy hoạch những tuyến phố phù hợp với việc kinh doanh trên vỉa hè, đồng thời bảo đảm chức năng của vỉa hè phải dành cho người đi bộ.

Đọc thêm