Xây dựng văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên

(PLVN) - Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, môi trường là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Bảo vệ môi trường không chỉ là cam kết quốc gia với cộng đồng quốc tế mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân, cộng đồng, tổ chức nhằm bảo vệ môi trường sống của chính mình. “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn” chính là chủ đề của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023.
Bảo vệ môi trường bắt đầu từ hành động nhỏ như vứt rác đúng chỗ. (Nguồn ảnh: PV)
Bảo vệ môi trường bắt đầu từ hành động nhỏ như vứt rác đúng chỗ. (Nguồn ảnh: PV)

Sự chung tay của toàn xã hội

Chiến dịch làm cho thế giới sạch do Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993, tổ chức định kỳ vào tuần thứ ba của tháng 9 hằng năm. Trong những năm qua, tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì phát động Chiến dịch và đã được các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương hưởng ứng.

Bộ TN&MT vừa ban hành Công văn số 7294/BTNMT-TTTT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”. Với chủ đề này, Chiến dịch năm nay khuyến khích các hoạt động, phong trào vì môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên.

Để Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 đạt kết quả cao, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023. Cụ thể, tiếp tục phát động các phong trào cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch...

Các tỉnh, thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển tăng cường hơn các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ. Căn cứ điều kiện thực tế, mỗi cơ quan, địa phương tổ chức chiến dịch cao điểm, sự kiện, phong trào, chương trình hành động để hưởng ứng và tạo giá trị lan tỏa cao. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn; phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường;…

“Mưa dầm thấm lâu” để hình thành một nét văn minh

Tại Lễ phát động mới đây, ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn là dịp để toàn thể cộng đồng xã hội cùng nhau chung tay hành động vì môi trường, cùng thực hiện trách nhiệm vì môi trường từ những hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa.

Ở cấp độ cá nhân, những hành động nhỏ có thể là từ bỏ một thói quen xấu, như không dùng túi ni lông một lần, không vứt rác bừa bãi,… hoặc thêm một thói quen tốt như phân loại rác tại nhà, phân loại rác vào đúng thùng rác khi vứt rác,… Ở phạm vi rộng hơn là các phong trào có tính lan tỏa cao như: Ra quân làm sạch môi trường, thu gom rác thải, trồng cây xanh, làm sạch biển, nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, triển khai tuyên truyền đưa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vào cuộc sống dân sinh...

Trong những năm qua, những hoạt động, phong trào này đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân cả nước về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; hình thành ý thức trách nhiệm, hành vi sống thân thiện với môi trường góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững đất nước.

Đáng nói, để hình thành những lối sống thân thiện với môi trường trong một cộng đồng không hề đơn giản mà cần một quá trình dài lâu về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên. Việc triển khai các hoạt động, phong trào một cách đều đặn, đồng bộ có ý nghĩa quan trọng cho việc dần dần hình thành đạo đức môi trường, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên, khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.