Xây dựng ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giúp giảm vi phạm

Trong khi ý thức, đạo đức của một bộ phận học sinh trong nhà trường ngày càng đi xuống thì các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên ngày càng gia tăng. Đã đến lúc, chúng ta không nên chỉ chăm chăm đầu tư vào trí dục mà phải chú trọng giáo dục đức dục cho các em, trong đó không thể thiếu việc xây dựng ý thức pháp luật thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong khi ý thức, đạo đức của một bộ phận học sinh trong nhà trường ngày càng đi xuống thì các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên (TTN) và học sinh, sinh viên ngày càng gia tăng. Đã đến lúc, chúng ta không nên chỉ chăm chăm đầu tư vào trí dục mà phải chú trọng giáo dục đức dục cho các em, trong đó không thể thiếu việc xây dựng ý thức pháp luật thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Hai sát thủ Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa.
Hai sát thủ Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa.

Nói dối thành bệnh

Một kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam cho thấy, tỷ lệ học sinh nói dối cha mẹ gia tăng theo từng cấp học: ở bậc tiểu học là 22%, THCS: 50%, THPT: 64%. Hay theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 20 nghìn đối tượng TTN bỏ học, sống lang thang, bụi đời trên cả nước.

Còn qua một cuộc phỏng vấn nhóm người chưa thành niên có nguy cơ phạm pháp, có 2/3 số em cho biết đã bỏ học từ thời điểm lớp 9 với nhiều lý do khác nhau như gia đình không có tiền cho đi học hoặc không thích đi học.

Những số liệu trên phản ánh tình trạng học sinh phổ thông bỏ học, sống lang thang, thông qua mạng internet để kết thành băng nhóm sử dụng ma túy, gây ra nhiều vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội, cướp tài sản, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự con người… có xu hướng gia tăng.

Tội phạm do người chưa thành niên, học sinh, sinh viên gây ra tập trung vào các nhóm tội như: tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%; cố ý gây thương tích chiếm 11% và đặc biệt là giết người chiếm 1,4%. Trong đó, lứa tuổi phạm tội cao nhất từ 16 đến dưới 18 tuổi, chiếm khoảng 60%; từ 14 đến dưới 16 tuổi là 32%. Các vụ án không chỉ xuất hiện ở các thành phố, thị xã mà còn xảy ra ở các xã, bản làng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Cô Lê Nguyên Hương, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ khẳng định, phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh cá biệt, một trong những đối tượng được cho là có nguy cơ cao hơn về vi phạm pháp luật lại chưa được các nhà quản lý quan tâm thích đáng.

“Công tác giáo dục học sinh cá biệt bị lãng quên hoặc thực hiện không quyết liệt, việc xử lý kỷ luật học sinh thành phổ biến. Không ít trường hợp, đáng nhẽ chúng ta “đối thoại” với học sinh thì lại thành “đối đầu” - cô Hương phân tích.

Một kiến nghị được giáo viên này đưa ra là bên cạnh việc có cơ chế tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh trong và ngoài giờ học, Bộ GD&ĐT cần quan tâm sắp xếp lại chương trình hiện thời để có thời lượng thích đáng cho việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng và cả ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh nhằm khắc phục tình trạng coi nặng trí dục mà thiếu đầu tư cho đức dục.

Để những con số “biết nói”

Vì vậy, việc phổ biến giáo dục pháp luật cho TTN đã được Chính phủ coi trọng nhằm trang bị kiến thức, sự hiểu biết về pháp luật, qua đó làm thay đổi nhận thức hành vi, điều chỉnh những thói quen xấu, hành vi thiếu văn minh, vi phạm pháp luật trong TTN. Đề án tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho TTN giai đoạn 2011 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng tới những TTN tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú; TTN trong trường học; TTN vi phạm pháp luật; thanh niên lao động ở nước ngoài.

Đề án đưa ra rất nhiều con số cụ thể như: 80% TTN tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng, từng địa bàn; 100% TTN trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp với lứa tuổi của các em; 80% TTN vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tái vi phạm pháp luật và tạo điều kiện hòa nhập tốt với cộng đồng; 70% thanh niên lao động ở nước ngoài được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống, công việc.

Để nâng cao ý thức pháp luật cho TTN, theo Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm, đã và sẽ có hàng loạt giải pháp được triển khai từ hoàn thiện thể chế về công tác PBGDPL; tăng cường trách nhiệm hệ thống chính trị, điều tra khảo sát; tổ chức tuyên truyền, PBGDPL; xây dựng các tài liệu PBGDPL cho TTN đến bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật mới nhằm nâng cao năng lực cho người hiện công tác PBGDPL đồng thời đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện công tác PBGDPL cho TTN.

Nhưng dù là chủ trương, chính sách của Nhà nước có hay đến đâu thì sự giáo dục từ gia đình vẫn là quan trọng vì đây là cái nôi đầu tiên của cuộc đời mỗi con người. “Gia đình phải dạy bảo con cái giữ được nề nếp gia phong; dạy cho con có lòng yêu thương, lòng nhân ái, dạy con học tập để nâng cao hiểu biết, điều hay lẽ phải từ tấm bé” – một chuyên gia tâm lý trẻ vị thành niên chia sẻ.

Sơn Hà

Đọc thêm