Xe cổ: Thú chơi thật lắm công phu

(PLO) - Chơi xe cổ là cần phải hiểu rõ xe, cảm nhận tiếng xe như hơi thở, xem xe như đứa con tinh thần của mình. Để sở hữu được chiếc ôtô cổ trong thời buổi hiện nay rất khó khăn. Đặc biệt, người chơi phải làm sao để cho xe chạy được và tồn tại theo thời gian… Đó là những quan điểm mà người chơi xe ôtô cổ ở An Giang chia sẻ.
Ch-Li-m-ch-nh-ng-n-t-c-o-tr-n-chi-c-Lamretta-c.jpg

Chú Liêm chỉ những nét độc đáo trên chiếc Lamretta cổ

Tuy có địa vị, cuộc sống có khác nhau, nhưng họ đều tương đồng ở lòng đam mê, thích xe cổ mãnh liệt. Đam mê chơi xe từ thời còn ngồi ghế giảng đường đại học, dù sang định cư nước ngoài, chú Hồ Liêm (sinh năm 1953) vẫn thường xuyên về Long Xuyên để chăm sóc các “con cưng” của mình. Thậm chí, chú cùng bạn bè đi khắp cả nước, tận vùng sâu để tìm mua những chiếc xe cổ. Chú Liêm cho biết: “Tôi đậu vào đại học, ba tôi thưởng cho chiếc xe hiệu Lambretta.

Lúc đó, mọi người đã dần chuyển sang chạy các loại xe tân tiến hơn, nhưng do thích kiểu dáng nên tôi giữ nó cho đến giờ. Sang nước ngoài định cư, tôi ở ngay khu vực có nhiều hội chơi xe nên lòng đam mê về xe của tôi ngày càng tăng thêm. Tuy nhiên, ở nước ngoài, để sở hữu được chiếc xe cổ là cả một vấn đề, bởi giá trị rất lớn và người chơi phải thuộc hạng giàu có. Các hội chơi xe thường xuyên mang ra biểu diễn, tôi theo chụp hình lưu lại để thỏa lòng thích thú. Cuối cùng, sau thời gian tích lũy vốn, năm 1993, tôi trở về quê hương tìm cách mua những loại xe mình yêu thích. Đầu tiên, tôi chọn mua một chiếc Jeep lùn giá khoảng 3.000 USD”.

Anh-Hi-u-lu-n-t-h-o-v-i-2-chi-c-xe-c-c-a-m-nh.jpg

Anh Hiếu luôn tự hào với 2 chiếc xe cổ của mình

Để bảo quản, chăm sóc tốt các xe, chú Liêm nhờ người bạn chủ garage phụ giúp. Mỗi năm chú về thăm quê và sưu tập xe một lần, thời gian kéo dài cả tháng. “Thật sự mà nói, xe cổ là vô giá, rất khó có việc bán lại cho người khác. Theo thời gian, các loại xe này không còn sản xuất nữa. Khi ra đường với chiếc xe cổ thì phong cách của người chơi xe cũng thể hiện rõ hơn. Và đặc biệt hơn, theo tôi cấu trúc, cấu tạo của một chiếc xe xưa đẹp hơn bây giờ ở mọi khía cạnh” – chú Liêm thông tin. Sau những năm tháng bỏ công sức, sưu tầm khắp nơi, hiện tại chú Liêm còn sở hữu trên 10 chiếc xe cổ các loại, như: Lambretta, Vespa, Peugeot, Wolkswagen…, giá mua từ 700-5.000 USD trở lên. Chú cũng đang xây dựng nơi để xe tại TP. Long Xuyên, nhằm tránh hư hại.   

Chú Phạm Hoàng Dũng (sinh năm 1951, ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ thêm: “Khi chơi xe cổ, tôi tìm tòi học hỏi những cái hay của người đi trước để chọn cho mình một loại xe theo ý thích. Thật ra, trước khi thích dòng xe hiệu Wolkswagen, tôi đã trải qua nhiều dòng xe khác nhau. Sau cùng, tôi chọn dòng xe này bởi tính năng của xe rất tốt khi chạy đường dài, ít hao nhiên liệu… Nhưng để phục hồi lại nguyên bản, tôi phải nhờ đến con cháu, người thân mình sống ở xa tìm mua giúp các phụ kiện, thiết bị chính gốc để làm cho chiếc xe của mình hoàn thiện và đẹp hơn. Theo tôi, các loại xe cổ này không thể tính bằng tiền được, bởi ngoài giá trị văn hóa thì công sức mình bỏ ra để chăm sóc, giữ gìn cho chúng rất lớn”. Để thỏa lòng với nhãn hiệu yêu thích, chú Dũng đã tìm mua được chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Wolkswagen hiếm hoi ở tận nước ngoài nhân dịp kỷ niệm 75 năm nhãn hiệu này.

Anh-Tu-n-v-i-chi-c-xe-th-ng-hi-u-c-a-ri-ng-m-nh.jpg

Anh Tuấn với chiếc xe thương hiệu của riêng mình

Tương tự, anh Lê Trung Hiếu (sinh năm 1966, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp; Chủ nhiệm CLB Vespa-Mobylette An Giang) đến với những chiếc xe cổ không phải tình cờ: “Xe “cổ” là xe có thâm niên trên 30 năm; giá trị phụ thuộc vào thời gian, kiểu dáng thiết kế, công nghệ do nước nào sản xuất, chủng loại... Đặc biệt hơn là các dòng xe mà người sử dụng là ai, ví dụ như: Nguyên thủ quốc gia, kỹ sư, bác sĩ… người mà có bề dày xã hội biết đến, thường các loại đó sẽ có giá cao.

Người chơi xe cổ thường có những đặc điểm, như: Gắn liền ký ức ngày xưa, thể hiện phong cách và phải thật sự yêu thích nó, giữ gìn nó như là giá trị văn hóa, chứ không phải giá trị vật chất. Có thể gọi chung họ là “Những người lưu dấu thời gian”. Tôi hiện có chiếc Vespa, Mercedes, Honda 360… Để có được chiếc xe cổ hoàn hảo, người chơi có thể phải mất khoảng thời gian thậm chí vài năm. Do các loại phụ tùng cần có thời gian tìm kiếm mua từng thứ ở khắp nơi và làm mới chúng. Thích thú nhất là sau thời gian làm việc, về nhà đứng nhìn “chúng” thì có một cảm giác thật thú vị. Thật sự, nếu không có cá tính và thật sự đam mê thì sẽ không thể chơi xe “cổ” được”.

Ch-D-ng-lu-n-ch-m-s-c-con-c-ng-c-a-m-nh-m-i-ng-y.jpg

Chú Dũng luôn chăm sóc “con cưng” của mình mỗi ngày

Không chỉ để thỏa niềm đam mê, người chơi xe còn sử dụng chúng nhằm tạo dựng thương hiệu cho mình. Đến với thế giới xe cổ trong hoàn cảnh rất ngẫu nhiên, anh Phạm Anh Tuấn (sinh năm 1979, giám đốc một công ty cà phê mới phát triển ở TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Cách đây khoảng 4 năm, trong lần mang xe tải công ty đến sửa ở garage người bạn, tôi phát hiện có chiếc xe “cổ” hiệu Wolkswagen màu đen. Chiếc xe nằm phía trong cùng của garage, như có một sức hút mãnh liệt và mối dây vô hình gắn kết, tôi muốn mua lại. Tôi bắt đầu mày mò nghiên cứu trên internet và tìm hiểu thông tin để phục chế lại chiếc xe về nguyên bản. Tôi bị cuốn vào việc sưu tầm phục chế xe cổ từ lúc đó. Sau 4 năm, tôi đã có chiếc xe cổ Wolkswagen gần như nguyên bản. Tôi còn thêm vài trang thiết bị để phục vụ cho việc đi xa và giải trí. Các món đồ thêm vào được thiết kế sao cho không phá vỡ thiết kế ban đầu. Vào mỗi cuối tuần, tôi lại cùng vợ con vi vu trên những cung đường thơ mộng, niềm vui tràn đầy trên chiếc xe do chính tay mình phục dựng, thật thích thú! Tôi còn dùng chiếc xe này làm phương tiện trong việc kinh doanh cà phê của mình. Tôi thường lái xe đến tiếp xúc, giao dịch với khách hàng; tham gia các sự kiện quảng bá cho thương hiệu cà phê của tôi. Hiện nay, chiếc xe cổ Wolkswagen chính là hình ảnh biểu hiện phong cách và thương hiệu công ty cà phê của tôi trên thị trường”.

Có thể thấy, thú chơi này rất kỳ công và cần sự đam mê mãnh liệt. Một khi đã gắn liền với xe cổ, rất khó mà dứt ra được. Người chơi sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để được sống với sở thích của mình. Đó là giá trị về tinh thần không thể cân đo đong đếm!

Ở An Giang hiện có 2 CLB xe cổ: CLB Honda 67 và CLB Vespa – Mobylette đang hoạt động chính thức, với trên 70 thành viên cùng hơn 120 chiếc xe các loại. Hàng năm, các thành viên đều được tham gia tổ chức họp mặt kỷ niệm và trao đổi kinh nghiệm với các CLB khác trên cả nước và cùng nhau làm những việc có ích cho xã hội.

Đọc thêm